Chỉ số tia cực tím tại TP.HCM, Hà Nội ở ngưỡng nguy hại cao

Ngày 6/5, Hà Nội và TP.HCM nắng nóng. Cơ quan khí tượng đồng thời cảnh báo chỉ số tia UV ở cả 2 thành phố đều nằm ngưỡng có nguy cơ gây hại cao.

Người dân Hà Nội vừa trải qua một ngày nắng nóng nhất kể từ đầu năm. Theo đó, ngày 5/5, nhiệt độ tại khu vực lên ngưỡng 37 độ C, người dân có thể cảm nhận rõ cái nóng oi bức khi di chuyển trên đường. Đến tối, thời tiết dịu mát hơn do nhiệt độ đã hạ xuống 26-28 độ C.

Trong hôm nay (6/5), trạng thái này tiếp tục được duy trì tại Hà Nội. Nhiệt độ cao nhất trong ngày giữ ở mức 35-37 độ C, chạm ngưỡng nắng nóng gay gắt. Cùng lúc, nhiệt độ cao nhất tại TP.HCM lên mức 35 độ C.

Cơ quan khí tượng cảnh báo cùng với mức độ gia tăng của nắng nóng, chỉ số tia UV tại Hà Nội, Đà Nẵng có giá trị từ 9-10 và TP.HCM ở mức 8-9. Đây đều là ngưỡng có nguy cơ gây hại từ cao đến rất cao đối cơ thể con người khi có nguy cơ bị bỏng da nếu đứng dưới ánh nắng mặt trời quá 25 phút mà không có đồ bảo vệ.

Người dân được khuyến nghị bôi kem chống nắng SPF 30+, mặc áo sơ mi, kính râm, đội mũ, không nên đứng dưới nắng quá lâu.

Theo Trung tâm dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, trạng thái nắng nóng gay gắt sẽ phổ biến khắp các tỉnh Bắc Bộ, Bắc và Trung Trung Bộ trong ngày 6/5. Điều này xảy ra do ảnh hưởng của vùng áp thấp nóng phía tây phát triển mạnh và mở rộng về phía đông nam kết hợp với hiệu ứng phơn.

Ngày 7 đến 9/10, nắng nóng liên tục gia tăng và đạt mức gay gắt, có nơi đặc biệt gay gắt. Nhiệt độ cao nhất tại các khu vực trên phổ biến 37-40 độ C. Thời gian nhiệt độ trên 35 độ C kéo dài từ 10h đến 18h.

Đáng chú ý, vùng núi các tỉnh Bắc và Trung Trung Bộ có thể chạm ngưỡng nắng nóng cực kỳ gay gắt khi nền nhiệt lên cao nhất ở mức 40-42 độ C. Độ ẩm trong ngày tương đối thấp, chỉ ở mức 30-45%.

Cùng lúc, nắng nóng xảy ra ở các tỉnh Tây Nguyên và Nam Bộ, cục bộ ở Nam Trung Bộ với mức nhiệt 35-37 độ C, có nơi trên 37 độ C. Thời gian nhiệt độ trên 35 độ C kéo dài từ 11h đến 16h.

Cơ quan khí tượng cảnh báo ảnh hưởng của nền nhiệt cao, độ ẩm giảm thấp và gió tây nam gây hiệu ứng phơn thổi mạnh có thể gây ra nguy cơ cháy nổ và hỏa hoạn ở khu vực dân cư. Vì thời gian này, nhu cầu sử dụng điện của người dân tăng cao.

Các tỉnh Trung Bộ, vùng núi Bắc Bộ và Tây Nguyên cần đề phòng nguy cơ cháy rừng. Nắng nóng còn có thể gây tình trạng mất nước, kiệt sức, đột quỵ do sốc nhiệt đối với cơ thể người khi tiếp xúc lâu với nền nhiệt độ cao.

Thời tiết 5 ngày tới tại Hà Nội và TP.HCM. Ảnh: Mỹ Hà.

Theo Zing

Xem thêm:

Thủ tướng ban hành Chỉ thị số 19, tiếp tục thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 trong tình hình mới

Hà Giang tiếp tục phong tỏa 1 trạm y tế, 8 ca bệnh nghi ngờ dương tính

Lại xuất hiện bệnh nhân “siêu lây nhiễm” tại Trung Quốc khiến 50 người mắc bệnh, thành phố 10 triệu dân có nguy cơ phong tỏa