Chủ tịch TP. HCM: Tại sao một thành phố lớn nhất nước mà thương hiệu mạnh lại chiếm số nhỏ?

“Đầu bài đặt ra cho thành phố hiện nay là làm sao nâng cao được chất lượng tăng trưởng và năng lực cạnh tranh, đáp ứng được yêu cầu hội nhập. Người góp phần giải đáp đầu bài đó, không ai khác, chính là đội ngũ doanh nghiệp của thành phố”.

Ông Nguyễn Thành PhongChủ tịch UBND TP. HCM mở đầu bài phát biểu trong buổi gặp gỡ doanh nghiệp tại lễ kỷ niệm 2 năm Cafe Doanh nhân của Hiệp hội doanh nghiệp TP. HCM (HUBA).

Về thương hiệu mạnh và sản phẩm chủ lực, trong những lần bình chọn thương hiệu mạnh của tạp chí Forbes, như 2 năm 2016 – 2017 vừa qua, có khoảng 40 thương hiệu được vinh danh trong cả nước, TP. HCM luôn không vượt qua được con số 10.

Câu hỏi được đặt ra trong đầu tôi: Tại sao một thành phố có vai trò là đầu tàu kinh tế của cả nước mà thương hiệu mạnh lại chiếm số nhỏ, so với số doanh nghiệp mà thành phố có và so với cả nước? Thành phố đang có những sản phẩm chủ lực gì, gắn với thương hiệu nào để tham gia vào thị trường cả nước và toàn cầu, ông Phong đặt câu hỏi với cộng đồng doanh nghiệp.

Chủ tịch TP. HCM: Tại sao một thành phố lớn nhất nước mà thương hiệu mạnh lại chiếm số nhỏ?

Ông Nguyễn Thành Phong – Chủ tịch UBND TP. HCM

Trong định hình về chính sách để tạo môi trường sản xuất kinh doanh tốt cho doanh nghiệp của thành phố, vẫn còn nhiều vấn đề. Vừa qua, lãnh đạo thành phố đã giao cho Sở Công thương và các ban ngành liên quan, làm sao xác định cho được những danh mục sản phẩm chủ lực của thành phố, để từ đó tập trung đầu tư, tạo dựng nên những sản phẩm chủ yếu và xây dựng nên những thương hiệu mạnh của thành phố.

Hiện nay, số doanh nghiệp đăng ký của TP. HCM là 350.000 doanh nghiệp, trong đó có 88,7% là doanh nghiệp siêu nhỏ, 4,5% là doanh nghiệp nhỏ, 5,4% doanh nghiệp vừa và doanh nghiệp mạnh chỉ chiếm 1,4%.

Doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa (SMEs) có khả năng và trình độ quản lý hạn chế, cũng như khả năng ứng dụng khoa học công nghệ rất thấp; do đó, về phía thành phố, nên tạo điều kiện thúc đẩy, mở rộng quy mô nâng cao chất lượng của SMEs.

Nhưng đồng thời, thành phố cũng phải tập trung các chính sách thúc đẩy và mở rộng quy mô 1,4% doanh nghiệp lớn của thành phố. Vì chính thành phần này mới có thể tham gia vào chuỗi giá trị cung ứng toàn cầu bằng thương hiệu của mình và bằng chất lượng sản phẩm nổi trội.

“Muốn nâng cao năng lực cạnh tranh phải chú ý đến, trước hết là chất lượng sản phẩm – linh hồn của thương hiệu. Giá trị thương hiệu cao hay thấp, năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp có mạnh mẽ hay không, tuỳ thuộc vào chất lượng sản phẩm. Hiện nay, muốn nâng cao chất lượng sản phẩm, phải ứng dụng khoa học và đổi mới sáng tạo công nghệ.

Đổi mới sáng tạo chính là chìa khóa để nâng cao chất lượng sản phẩm. Các doanh nghiệp có thể trao đổi việc ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất của doanh nghiệp mình như thế nào và chính quyền thành phố cần làm gì để hỗ trợ”, Chủ tịch Nguyễn Thành Phong nhấn mạnh.

Ông Phong cho biết, vừa qua, ông vừa gặp gỡ Hiệp hội cơ khí và điện tử, rồi đi thăm Công ty Cơ khí Lập Phúc, với tư cách là người đứng đầu thành phố, ông Phong đánh giá rất cao và cảm thấy tự hào về những sản phẩm của Lập Phúc.

Chủ tịch TP. HCM: Đổi mới sáng tạo chính là chìa khóa để nâng cao chất lượng sản phẩm

Giám đốc Lập Phúc – ông Nguyễn Minh Trí đang dẫn lãnh đạo TP. HCM tham quan nhà máy sản xuất của doanh nghiệp

Lập Phúc đã thực hiện được slogan mà mình đặt ra: “Rẻ hơn hàng Trung Quốc, chất lượng ngang tầm Nhật Bản”, doanh nghiệp này hoàn toàn tự hào ngẩng cao đầu khi đi gặp bất cứ đồng nghiệp nào trên thế giới.

Ngoài nhập máy móc thiết bị hiện đại nhất, Giám đốc Nguyễn Minh Trí còn kêu gọi 4 người con đang học tại Mỹ về làm việc cùng. Người con đầu tiên của ông đã mang về những tri thức có thể mang vào ứng dụng trong sản xuất ngay. Ngoài ra, Lập Phúc còn gắn rất chặt với trường đại học Nguyễn Tất Thành.

Theo đó, vấn đề đặt ra cho thành phố: Làm sao để gắn doanh nghiệp với các trường đại học và các viện nghiên cứu. Vì chỉ như thế, đổi mới sáng tạo mới có thể tạo ra nền tảng cho các doanh nghiệp vững vàng phát triển, trong điều kiện cạnh tranh khốc liệt như hiện nay. Tôi nghĩ, thành phố này không nên chỉ có một Lập Phúc mà cần có nhiều doanh nghiệp như thế, mới có thể nâng cao sức cạnh tranh, ông Phong nói.

Về vấn đề đất đai, lãnh đạo thành phố cũng cho rằng, giá thuê đất trong các khu công nghiệp của TP. HCM hiện nay khá cao.

Sau khi được Chính phủ cho chuyển đổi từ đất nông nghiệp sang đất phi nông nghiệp và đất khác tầm 30.047ha; từ 2016 đến nay TP. HCM đã chuyển đổi 4.000ha, hiện chỉ còn 26.246ha đang tiếp tục chuyển đổi. Trên 26.246ha này, dự kiến sẽ có 3.440 dự án sẽ được triển khai và sử dụng.

Dự kiến trung tuần tháng 8/2018, thành phố sẽ công bố kế hoạch và quy hoạch sử dụng đất cùng các dự án sẽ được triển khai trên các lĩnh vực, từ đây cho đến 2020. Ông Phong muốn giới truyền thông phải thông tin rộng rãi thông tin trên để người dân và doanh nghiệp để có thể dễ dàng giám sát.

Theo kế hoạch, TP. HCM sẽ có thêm gần 2.000ha được chuyển đổi sang đất dành cho KCN và KCX. Hiện nay, riêng đất của KCN, chưa đề cập đến cụm công nghiệp, có khoảng hơn 4.000ha. Thành phố đang tính giao một ít đất trong số đó cho cơ quan chức năng, nhằm tạo nên các khu công nghiệp giành cho đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp.

Về cải cách hành chính, ông Phong cho rằng, đây là một quan ngại lớn nhất của các doanh nghiệp hiện nay và lãnh đạo thành phố biết điều đó. Thành phố cũng rất trăn trở về việc cải cách hành chính giúp phục vụ doanh nghiệp càng tốt hơn.

Sắp tới, lãnh đạo thành phố sẽ làm việc với từng sở, rà lại xem các thủ tục hành chính hiện nay đang như thế nào, hiện nay, vẫn còn rất nhiều nơi trì trệ. Trong lần kiểm điểm về tình hình kinh tế xã hội vừa qua, thành phố đã phê phán rất gay gắt các sở ngành có phương cách giải quyết các thủ tục hành chính chậm chạp quan liêu.

Có những hồ sơ – những yêu cầu, có thể giải quyết trong thời gian rất ngắn nhưng bị họ kéo dài rất lâu, sở này đùn đẩy qua sở kia, kéo dài và ảnh hưởng lớn đến kế hoạch sản xuất của các đơn vị.

“Tôi hứa với các doanh nghiệp sẽ tập trung thúc đẩy một cách có hiệu quả cải cách thủ tục hành chính, để phục vụ người dân – doanh nghiệp tốt hơn, theo đúng tinh thần: chính quyền phục vụ”, ông Phong khẳng định.

Quỳnh Như/TheLeadear