Đầu tư nước ngoài có thể đạt 28 tỷ USD

Đầu tư nước ngoài

Bộ Kế hoạch và Đầu tư dự báo, năm 2017, vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam tăng mạnh, có thể đạt 28 tỷ USD vốn đăng ký. Một cái kết đẹp trong bối cảnh Việt Nam đang chuẩn bị tổng kết 30 năm thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI).

Vốn đầu tư nước ngoài tăng vọt

Một trong những nội dung đáng chú ý về tình hình kinh tế – xã hội năm 2017, kế hoạch 2018, được Ban Cán sự Đảng Bộ Kế hoạch và Đầu tư báo cáo Hội nghị lần thứ 6, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII vừa bế mạc, đó là vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam đã tăng mạnh. Nguyên nhân được nhắc đến là “nhờ hiệu ứng dịch chuyển dòng vốn đầu tư của thế giới, mà trong đó Việt Nam là một trong những điểm đến hấp dẫn”.

Trong báo cáo này, nếu như con số 25,48 tỷ USD vốn đầu tư nước ngoài (trong đó có vốn FDI) đăng ký trong 9 tháng qua đã được nhắc tới như một điểm sáng của nền kinh tế Việt Nam, thì con số 28 tỷ USD vốn nước ngoài dự kiến thu hút được trong năm 2017 không khỏi khiến dư luận bất ngờ. Đã nhiều năm nay, chưa khi nào vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam tăng mạnh và đạt cao như vậy.

Không chỉ là vốn đăng ký, mà theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, vốn thực hiện cũng được cải thiện đáng kể. Cụ thể, vốn thực hiện ước đạt 20 tỷ USD, trong đó vốn FDI giải ngân khoảng 17 tỷ USD, tăng 7,5% so với năm 2016, vượt 9,6% so với mục tiêu năm 2017; vốn thực hiện thông qua góp vốn mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài khoảng 3 tỷ USD.

Những tháng đầu năm, vốn FDI giải ngân tăng chậm. Tuy nhiên, sau nhiều giải pháp quyết liệt của Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương, qua 9 tháng năm 2017, mức giải ngân là 12,5 tỷ USD, tăng 13,4% so với cùng kỳ. Cả năm, nếu con số dự ước là chính xác, thì đây sẽ là năm đầu tiên, giải ngân vốn FDI đạt mức kỷ lục như vậy – 17 tỷ USD. Năm ngoái, khi Cục Đầu tư nước ngoài công bố mức giải ngân 15,8 tỷ USD, các chuyên gia kinh tế đã đánh giá rất cao kết quả này.

Nói vậy là bởi 30 năm thu hút FDI, giải ngân vốn FDI chỉ ở mức 11-12 tỷ USD và luôn có khoảng cách khá lớn giữa vốn đăng ký và vốn giải ngân. Tuy nhiên, theo GS-TSKH. Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài, một trong những điểm sáng của thu hút FDI những năm gần đây là không chỉ vốn đăng ký tăng nhanh, mà vốn giải ngân cũng ngày càng thu hẹp khoảng cách với vốn đăng ký.

Trong các dự án tỷ USD đăng ký đầu tư vào Việt Nam từ đầu năm đến nay, trừ các dự án điện chưa thể sớm triển khai, thì khoản vốn đầu tư tăng thêm 2,5 tỷ USD của Samsung Display đã được giải ngân đáng kể. Samsung đã đăng ký đầu tư vào Việt Nam trên 17,3 tỷ USD và đã có tới 12,5 tỷ USD được giải ngân, tính đến hết quý I/2017.

Chín tháng đầu năm nay, theo Bộ Công thương, kim ngạch nhập khẩu tăng cao một phần vì các dự án FDI, trong đó của Samsung Display, Formosa tăng cường giải ngân, nhập khẩu máy móc thiết bị. Con số ảo trong vốn đầu tư nước ngoài đăng ký đã dần được loại trừ, chứng minh Việt Nam là một trong những quốc gia có khả năng hấp thụ vốn tốt.

Cơ hội vàng cho Việt Nam

Trong bối cảnh nhiều nước trong khu vực gặp bất ổn chính trị, thì Việt Nam lại nổi lên là địa điểm đầu tư hàng đầu, với những ổn định về chính trị, tiềm năng phát triển kinh tế, môi trường đầu tư, kinh doanh liên tục được cải thiện. Đặc biệt, việc đăng cai tổ chức Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á – Thái Bình Dương (APEC) 2017 được cho là “cơ hội vàng” để Việt Nam thúc đẩy hợp tác kinh tế với các nền kinh tế thành viên APEC, trong đó có thu hút đầu tư. Hầu hết các đối tác đầu tư hàng đầu của Việt Nam, từ Nhật Bản, Hàn Quốc, Mỹ, Trung Quốc, Thái Lan, Đài Loan… đều là thành viên của APEC.

Hơn 10 năm trước, sau khi đăng cai tổ chức Hội nghị APEC 2006, Việt Nam đã trở thành “thỏi nam châm” thu hút FDI, với đỉnh cao là các năm 2007 – 2008. Năm nay, kỳ vọng tiếp tục được đặt vào APEC 2017.

Chia sẻ với phóng viên Báo Đầu tư, tỷ phú Philip Falcone, Chủ tịch Harbinger Capital Partners (Hoa Kỳ), quỹ đầu tư đang chi một ngân khoản không nhỏ cho Dự án Hồ Tràm Strip, vốn đầu tư 4,2 tỷ USD ở Bà Rịa – Vũng Tàu, đã khẳng định, sự có mặt của Tổng thống Donald Trump tại Tuần lễ Cấp cao APEC 2017 ở Đà Nẵng vào đầu tháng 11 tới, sẽ mang lại cơ hội to lớn để Việt Nam – Hoa Kỳ thúc đẩy hợp tác đầu tư. Theo nhận định của tỷ phú Philip Falcone, các nhà đầu tư Hoa Kỳ sẽ tăng cường đầu tư vào Việt Nam trong thời gian tới đây.

Trong khi đó, vị CEO danh tiếng của Tập đoàn Samsung toàn cầu Shin JK vừa bất ngờ có chuyến thăm Việt Nam và đã có cuộc gặp Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc. Khẳng định của ông Shin JK, ngoài khoản vốn đăng ký trên 17,3 tỷ USD hiện tại, Samsung đang muốn đầu tư vào lĩnh vực viễn thông ở Việt Nam. Chưa kể, còn các kế hoạch đã được nhắc tới lâu nay, như đầu tư nhà máy điện, đóng tàu và cả sân bay ở Việt Nam.

Những động thái trên cho thấy, vốn đầu tư nước ngoài sẽ tiếp tục vào Việt Nam. Theo dự kiến của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tổng vốn đầu tư nước ngoài đăng ký năm 2017 có thể đạt 27,5 – 28,5 tỷ USD, còn vốn thực hiện khoảng 21 tỷ USD. Trong đó, vốn FDI giải ngân khoảng 17,5 tỷ USD, vốn thực hiện thông qua góp vốn, mua cổ phần khoảng 3,5 tỷ USD.

Theo Báo Đầu tư