Số ca mắc trên thế giới vượt mốc 1 triệu, cảnh báo người trẻ không nên chủ quan

Tính đến 6h sáng 3/4, toàn thế giới có 1.013.709 người mắc và gần 53.000 người tử vong vì COVID-19.

Dẫn đầu thế giới về số ca nhiễm virus SARS-CoV-2 là Mỹ với hơn 240.000 trường hợp. Xếp tiếp theo trong danh sách này gồm có Italy, Tây Ban Nha, Đức, Trung Quốc, Pháp, Iran và Vương quốc Anh.

Trong 24 giờ qua, Tây Ban Nha có thêm 961 ca tử vong, đây là mức tăng hàng ngày cao nhất tại nước này từ khi dịch bệnh bùng phát, nâng tổng người tử vong lên 10.348. Nước này cũng ghi nhận thêm 7.947 ca nhiễm mới, nâng tổng ca nhiễm lên 112.065, trong đó có gần 27.000 người đã hồi phục. Mức tăng ca nhiễm mới trong 24 giờ qua thấp hơn so với mức trung bình trước đó. Điều này cho thấy biện pháp phong tỏa dường như đang phát huy hiệu quả trong việc ngăn virus lây lan.

Italy tiếp tục là tâm dịch của châu Âu, trong vòng 24 giờ qua đã có thêm 4.668 ca bệnh mới và 760 người tử vong. Tới nay, nước này đã ghi nhận tổng cộng 115.242 ca nhiễm bệnh và 13.915 ca tử vong vì COVID-19. Chính quyền Italy đã áp lệnh phong tỏa cả nước để ngăn đại dịch từ 9/3 đến hết 3/4. Tuy nhiên, Thủ tướng Giuseppe Conte cho biết biện pháp kiểm soát này sẽ chưa được dỡ bỏ ít nhất đến ngày 13/4.

“Nếu chúng ta dừng tuân thủ quy định và quyết định nới lỏng các biện pháp kiểm soát, tất cả những hy sinh của chúng ta từ trước đến giờ đều trở nên vô nghĩa”, ông Conte nói trong cuộc họp báo tối 1/4.

Italy tiếp tục là tâm dịch của châu Âu (Ảnh minh họa: Reuters)

Anh ghi nhận số ca tử vong cao nhất từ khi dịch COVID-19 bùng phát tại nước này, 569 ca, nâng tổng số người chết lên 2.921. Hôm qua nước này cũng ghi nhận thêm 4.244 người mắc mới, đưa tổng số ca nhiễm lên 33.718 người. Thủ tướng Boris Johnson cho biết nước này sẽ tăng cường xét nghiệm hàng loạt trong bối cảnh virus SARS-CoV-2 đang lây lan mạnh. Theo ông Johnson, xét nghiệm là cách để giải quyết câu hỏi về việc virus đang ở đâu, là “cách để chúng ta đánh bại nó”.

Pháp ghi nhận số ca tử vong trong ngày nhiều nhất thế giới trong 24 giờ qua, lên tới 1.355 người, nâng tổng số người chết vì dịch lên 5.387. Tính đến nay, Pháp có gần 60.000 người nhiễm COVID-19.

Đức ghi nhận thêm 176 trường hợp tử vong vì dịch, nâng tổng số ca tử vong tại nước này lên 1.107, trong khi số ca mắc bệnh hiện là 84.788. Ba bang có số ca nhiễm cao nhất là Bayern, Nordrhein-Westfalen và Baden-Württemberg. Số người mắc COVID-19 ở thủ đô Berlin đang tiếp tục tăng, lên gần 3.000 trường hợp và 19 ca tử vong.

(Ảnh minh họa: Reuters)

Chủ tịch Quốc hội Iran dương tính với virus SARS-CoV-2

Theo nguồn hãng thông tấn chính thức IRNA của Iran ngày 2/4 đưa tin, Chủ tịch Quốc hội nước này Ali Larijani đã có kết quả xét nghiệm dương tính với chủng mới của virus corona (SARS-CoV-2) gây bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19. Theo IRNA, ông Larijani đã được xét nghiệm sau khi có những triệu chứng về hô hấp. Hiện nhà lãnh đạo này đang được cách ly và điều trị.

Cho đến nay, Chủ tịch Quốc hội Larijani là quan chức cấp cao nhất trong hàng ngũ lãnh đạo của Iran mắc COVID-19.

Theo số liệu thống kê mới nhất, đến nay Iran đã có 50.468 người mắc COVID-19 và 3.160 người tử vong vì căn bệnh này.

Các bệnh viện tại Mỹ thiếu trầm trọng máy thở

Mỹ 24 giờ qua ghi nhận thêm 708 ca tử vong, nâng tổng số ca tử vong lên 5.810. Số người mắc bệnh hiện đã lên tới 240.511, tăng thêm 25.508 ca so với trước đó 1 ngày. Mỹ vẫn là quốc gia có số ca bệnh nhiều nhất thế giới.

Chịu thiệt hại nặng nề nhất là bang New York, “tâm dịch” tại Mỹ. Ông Andrew Cuomo, thống đốc bang New York ngày 2/4 cho biết với tốc độ sử dụng máy thở cho bệnh nhân nhiễm SARS-CoV-2 nhiều như hiện nay, tiểu bang chỉ còn đủ máy dùng cho người bệnh thêm 6 ngày nữa.

Tình trạng thiếu trầm trọng máy thở khiến tổng thống Donald Trump ngày hôm qua đã phải tuyên bố kích hoạt Đạo luật Sản xuất Quốc phòng để giúp các công ty sản xuất máy thở cho bệnh nhân COVID-19 nhận được nguồn cung cấp nguyên liệu họ cần.

“Đạo luật sẽ giúp cứu mạng nhiều người bằng cách loại bỏ những trở ngại trong chuỗi cung ứng đe dọa đến quá trình sản xuất máy thở”, ông Trump nói.

Châu Phi ghi nhận hơn 6.200 ca mắc và 221 ca tử vong

Ngày 2/4, Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh châu Phi (ACDC) có trụ sở tại thủ đô Addis Abeba, Ethiopia, cho biết châu Phi đã ghi nhận tổng cộng 6.213 trường hợp mắc bệnh dịch viêm đường hô hấp cấp (COVID-19) và 221 ca đã tử vong.

ACDC cho biết thêm rằng, dịch bệnh COVID-19 đã xuất hiện ở 49/55 quốc gia và vùng lãnh thổ ở châu lục này. Số người mắc bệnh và tử vong do dịch bệnh này đang tăng nhanh. Cụ thể, châu Phi ghi nhận thêm 427 ca nhiễm mới virus SARS-CoV-2 trong vòng 24 giờ qua. Ngoài ra, tổng số ca được chữa khỏi được ghi nhận đến thời điểm hiện tại là 469 người.

Một số quốc gia có số ca nhiễm cao nhất và có số lượng nhiễm mới tăng nhanh nhất trong vòng 24 giờ ở châu lục này gồm Nam Phi với tổng cộng 1.462 ca nhiễm; Algeria với 986 ca; Ai Cập với 865 ca nhiễm…

“Quan niệm cho rằng COVID-19 chỉ ảnh hưởng đến người cao tuổi là thực sự sai lầm”

Giám đốc Văn phòng Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tại châu Âu, ông Hans Kluge cho biết tuổi tác không phải là yếu tố rủi ro duy nhất khiến cho các trường hợp nhiễm COVID-19 nghiêm trọng, đã khiến hàng tỷ người bị phong tỏa và làm chao đảo nền kinh tế thế giới. Ông nhấn mạnh: “Quan niệm cho rằng dịch bệnh COVID-19 chỉ ảnh hưởng đến người cao tuổi là thực sự sai lầm. Người trẻ tuổi không phải là trường hợp ngoại lệ”.

Phát biểu trên của ông Hans Kluge tái khẳng định tuyên bố trước đây của Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus. Cơ quan y tế của LHQ cho biết có từ 10 – 15% những người dưới 50 tuổi mắc COVID-19 nằm trong tình trạng bệnh từ trung bình đến nghiêm trọng.

Người đứng đầu Văn phòng WHO tại châu Âu nhấn mạnh các trường hợp mắc COVID-19 nghiêm trọng đã được phát hiện ở những người trong độ tuổi thiếu niên hoặc độ tuổi 20, có nhiều trường hợp cần được chăm sóc y tế đặc biệt và một số trường hợp kém may mắn đã không qua khỏi.

Theo VTV

+ Xem thêm:

Bệnh nhân 17 vừa xuất viện đối mặt với mức phạt nào?

+Khẩn cấp: Thủ tướng lệnh cách ly toàn xã hội 15 ngày từ 1.4, đóng cửa biên giới 2 nước

+Người được chữa khỏi COVID-19 vẫn phải cách ly thêm 14 ngày

+Cách ly cả nước 15 ngày, ủng hộ hoàn toàn nhưng thắc mắc: Ai đi làm, chợ có bán?


Comments

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *