Việt Nam có bao nhiêu doanh nghiệp “siêu khổng lồ”, vốn hơn 100 nghìn tỷ?

Nếu góp đầy đủ vốn, CTCP Tư vấn đầu tư quốc tế và dịch vụ thương mại USC mới thành lập có vốn điều lệ 144.000 tỷ đồng là doanh nghiệp thứ 6 có quy mô vốn hơn 100 nghìn tỷ tại Việt Nam.

Theo số liệu từ Cục Quản lý đăng ký kinh doanh, trong tháng 1/2020, có một doanh nghiệp đăng ký thành lập tại Hà Nội với số vốn 144.000 tỷ đồng (khoảng 6,3 tỷ USD), chiếm 53,9% tổng vốn đăng ký thành lập mới của doanh nghiệp cả nước. Mức vốn lớn hơn cả Viettel và bằng 4 ngân hàng quốc doanh Big4 cộng lại.

Doanh nghiệp này có tên là CTCP Tư vấn đầu tư quốc tế và dịch vụ thương mại USC (USC Interco) có địa chỉ tại số 10, ngõ 234 đường Thôn Lai Xá, xã Kim Chung, huyện Hoài Đức, TP Hà Nội.

Thực tế, đây không phải là doanh nghiệp duy nhất tại Việt Nam có số vốn lớn như vậy. Hiện tại, Việt Nam còn có 5 doanh nghiệp có vốn điều lệ trên 100.000 tỷ đồng.

Trong đó, có 3 tập đoàn Nhà nước gồm Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam – PVN, Tập đoàn Điện lực Việt Nam – EVN và Tập đoàn Công nghiệp Viễn thông Quân đội – Viettel.
Hai cái tên còn lại gồm Công ty TNHH Gang thép Hưng nghiệp Formosa Hà Tĩnh – FHS và Công ty TNHH Vietnam Beverage – công ty mẹ sở hữu hơn 53% vốn của Tổng công ty Bia – Rượu – Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco) thuộc quyền chi phối của ThaiBev.

Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam – PVN

PVN tiền thân là Công ty Dầu khí Việt Nam, được Tổng cục dầu khí Việt Nam thành lập từ năm 1977 để thực hiện nhiệm vụ hợp tác với các công ty nước ngoài trong lĩnh vực thăm dò, khai thác dầu khí tại Việt Nam.

Trải qua hơn 40 năm phát triển, ngày nay PVN đã trở thành đầu tàu của nền kinh tế, bên cạnh việc đảm bảo an ninh năng lượng cũng như chủ quyền quốc gia.

Tính đến cuối năm 2017, tổng tài sản hợp nhất của PVN là 784.604 tỷ đồng, vốn điều lệ 281.500 tỷ đồng.

Tập đoàn Điện lực Việt Nam – EVN

Xếp sau PVN là Tập đoàn Điện lực (EVN). EVN là nhà sản xuất điện chính của Việt Nam, chiếm khoảng 2/3 tổng công suất phát điện của cả nước, thông qua các thành viên như 5 Tổng công ty điện lực, 3 tổng công ty phát điện, nhà máy Thuỷ điện Hoà Bình, Thuỷ điện Sơn La, Thuỷ điện Lai Châu…

Tới cuối tháng 6/2018, tổng tài sản hợp nhất của EVN là 702.242 tỷ đồng, vốn điều lệ 191.113 tỷ đồng.

Tập đoàn Công nghiệp Viễn thông Quân đội – Viettel

Viettel tiền thân là Tổng công ty Điện tử thiết bị thông tin (Sigelco) được thành lập từ năm 1989, trước khi đổi tên thành Công ty Viễn thông Quân đội trực thuộc Binh chủng Thông tin. 1 năm sau, cuối năm 2004, doanh nghiệp này chuyển đổi thành Tổng công ty Viễn thông Quân đội trực thuộc Bộ Quốc phòng.

Sản phẩm nổi bật nhất của Viettel là mạng di động Viettel Mobile, và Viettel Telecom hiện đang là nhà mạng giữ thị phần lớn nhất trên thị trường dịch vụ viễn thông Việt Nam.
Ngoài ra, Viettel đã mở rộng sự hiện diện tại 10 quốc gia ở châu Á, châu Mỹ, châu Phi, gồm Campuchia, Lào, Đông Timor, Haiti, Peru, Mozambique, Cameroon, Burundi, Tanzania và Myanmar. Trong đó, Viettel đang giữ vị trí số 1 về thị phần tại 5/10 thị trường quốc tế; tất cả các quốc gia đã kinh doanh 3 năm đều có lãi.

Theo báo cáo doanh thu hợp nhất của toàn tập đoàn năm 2017, vốn chủ sở hữu của tập đoàn tăng lên 131.957 tỷ đồng so với con số 121.521 tỷ đồng của năm 2016.
Kết thúc năm 2019, Viettel đạt tổng tổng doanh thu hơn 251.000 tỷ đồng, tăng trưởng 7,5% so với 2018, chiếm 50% doanh thu toàn ngành viễn thông.

Công ty TNHH Gang thép Hưng nghiệp Formosa Hà Tĩnh – FHS

Dự án của Formosa Hà Tĩnh. Ảnh: Baogiaothong

FHS được thành lập tháng 6/2008, là chủ đầu tư Dự án Khu liên hợp gang thép và cảng Sơn Dương Formosa Vũng Áng Hà Tĩnh với tổng vốn đầu tư đăng ký giai đoạn 1 là 10,55 tỷ USD, gồm 3 hạng mục: Nhà máy gang thép công suất 7,5 triệu tấn/ năm, có thể nâng lên 22,5 triệu tấn/ năm; Cụm cảng Sơn Dương với 11 bến tàu, có thể nâng lên 32 bến tàu và Tổ hợp Nhà máy Nhiệt điện Formosa với tổng công suất 650 MW, gồm 5 tổ máy phát điện.

Tháng 4/2018, FHS tăng vốn từ 105.830 tỷ đồng lên 117.175 tỷ đồng, 100% vốn nước ngoài, trực thuộc Formosa Ha Tinh Limited, một pháp nhân được đăng ký ở Cayman Island và đóng trụ sở chính ở Đài Bắc, Đài Loan.

Công ty TNHH Vietnam Beverage

Công ty TNHH Vietnam Beverage được thành lập ngày 6/10/2017 với tên ban đầu là Công ty TNHH Nga Sơn Beverage, là công ty con 100% vốn của CTCP Đầu tư Nga Sơn – một pháp nhân cũng chỉ mới được thành lập trước đó 10 ngày (27/9/2017, vốn điều lệ ban đầu 200 triệu đồng). 3 cổ đông sáng lập của Đầu tư Nga Sơn là bà Trần Kim Nga góp 99,9%, ông Nguyễn Hải Sơn và bà Trần Thị Thanh Hương.

Ngày 4/12/2017, cả 2 công ty trên đồng loạt đổi tên. Công ty TNHH Nga Sơn Beverage đổi thành Công ty TNHH Vietnam Beverage.

Cuối năm 2017, Vietnam Beverage đã trở thành công ty mẹ của Tổng công ty Bia – rượu – nước giải khát Sài Gòn (Sabeco) sau phiên đấu giá thành công 53,6% phần vốn của Bộ Công thương trong Sabeco, với số tiền phải bỏ ra là 110.000 tỷ đồng.

Ngày 28/12/2018, Vietnam Beverage đã điều chỉnh tăng vốn từ 681,66 tỷ đồng lên 111.890 tỷ đồng, tương đương mức tăng 164 lần. Trụ sở chính được đặt tại quận Hoàn Kiếm, TP Hà Nội.

Hoàng Minh

Theo kienthuc.net.vn