Mỗi lúc nhắc đến sự đột phá, vượt rào, mạnh mẽ tìm kiếm những đường hướng mới, bạo dạn đề xuất chính sách đột phá…, nhiều người lại nhắc đến tên cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt – ông Sáu Dân.
10 năm ông ra đi nhưng những ý kiến, tư tưởng, thái độ để lại vẫn còn tươi mới. Ấy là vì đến ngày cuối cùng của cuộc đời, ông vẫn còn đau đáu với những bài toán cho dân, cho nước mình.
Và những ngày này, trong cuộc tranh luận về những mâu thuẫn giữa bảo tồn và phát triển, giữa một khu đô thị mới và khu dân cư cũ, nhiều người lại nhớ đến ông: Thủ tướng Võ Văn Kiệt – ông Sáu Dân.
Người nghèo sống với người nghèo
Cùng với một người anh em, đồng chí thân thiết của ông Kiệt là ông Võ Viết Thanh, cựu chủ tịch UBND TP.HCM, đến Thủ Thiêm gặp những người dân vùng giải tỏa, ông Thanh kể nhiều về những kinh nghiệm khi TP.HCM hạ quyết tâm để xây dựng Khu chế xuất Tân Thuận, đường Nguyễn Văn Linh, khu đô thị mới Phú Mỹ Hưng, cải tạo kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè, mở đại lộ Đông Tây… Tất cả đều có sự ủng hộ nhiệt thành từ ông Võ Văn Kiệt và cả sự theo dõi sâu sát của ông.
“Ông Sáu Dân và tôi, cùng tất cả những người lãnh đạo thành phố khi ấy, đều xuất thân từ nông dân, đều đã là người nghèo, sống với người nghèo cả đời. Chúng tôi hiểu một mảnh ruộng gắn bó với nông dân như thế nào, một mái lá có giá trị với một gia đình ra sao. Thành phố phải phát triển, điều đó không có gì bàn cãi, nhưng người dân cố cựu cũng phải có chỗ của mình” – ông Võ Viết Thanh nhấn mạnh.
Mỗi lần gặp các lãnh đạo đương nhiệm, câu hỏi đầu tiên của ông Sáu Dân: “Sao, công trình tiến hành đến đâu rồi?” và tiếp theo là câu dặn dò: “Dân chúng ổn chứ? Mấy người phản đối nay đã hiểu ra chưa? Các cậu phải tính phương án cho người dân thật kỹ”.
“Dân chúng ổn chứ? Mấy người phản đối nay đã hiểu ra chưa? Các cậu phải tính phương án cho người dân thật kỹ”, Cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt. |
“Tính”, nhưng ông lại vẫn hiểu: “Về lâu dài không thể nào thay đổi địa vị nghèo khó của nông dân”.
Ông Võ Viết Thanh kể lại những gì mà ông đã “tính” ấy: “Tôi yêu cầu các ban quản lý dự án phải tìm cách hoán đổi đất cho dân bằng hoặc hơn nơi ở cũ, phải xây dựng cho họ căn nhà mà các anh có thể để cho vợ con, cha mẹ, anh em của các anh ở được, không được hối thúc người dân phải xây nhà hai, ba tấm cho đúng quy hoạch vì như vậy cũng là ép buộc họ phải bán suất tái định cư”.
Ngày ấy, ông Thanh đã cam kết: “Nếu không đảm bảo được như vậy, tôi sẽ không thể làm chủ tịch thành phố nữa”, như những ngày buộc phải “xé rào” bao cấp, ông Bí thư Sáu Dân đã nói với các thuộc cấp của mình: “Dân đói mà các anh còn nguyên chức, dân no mà các anh mất chức, chọn cái nào?…”.
Những người đồng chí, anh em của ông khi ấy đều đã chọn mất chức.
Học hỏi dân, tin vào dân
Dịp tưởng niệm ông năm nay, những nhà khoa học, kinh tế, nhà báo từng cùng ông bàn thảo, tranh luận, từng được ông tham vấn về đủ mọi chủ đề thiết thân với sự phát triển của đất nước lại tiếp tục sôi nổi với những chuyện thời sự nóng bỏng. Ai đó thốt lên: “Nếu còn ông Sáu…”.
Nếu còn ông Sáu Dân, ắt ông sẽ rất hoan nghênh quyết định của Chính phủ lùi thời hạn trình Dự luật đặc khu hành chính – kinh tế đặc biệt lần này vì ông chính là vị thủ tướng nổi tiếng về đức lắng nghe, nghe những phân tích khoa học, nghe những phản biện nhiều chiều, nghe cả những ý kiến trái chiều gai góc thẳng thừng nhất.
Ông Trần Đức Nguyên nhắc lại những ấn tượng về ông Sáu Dân với tổ tư vấn của Thủ tướng: “Ai cũng biết anh Sáu Dân là người quyết đoán, song khi làm việc với tập thể hoặc cá nhân các chuyên gia tư vấn, anh không áp đặt ý kiến trước, không cắt ngang hoặc bỏ ngoài tai các ý kiến phản biện. Thái độ đó bắt nguồn từ tâm nguyện một lòng vì dân, vì nước cùng với ý thức gắn bó máu thịt với dân, tin vào dân, học hỏi dân mà anh Sáu Dân đã tôi luyện suốt quá trình hoạt động cách mạng”.
Nhà báo Trần Ngọc Châu lật lại nhật ký tác nghiệp trong những ngày làm phóng viên Tuổi Trẻ và được phân công theo dõi công trình thủy điện Trị An.
Chuyến khảo sát thực địa Trị An tháng 10-1981 do Bí thư Thành ủy TP.HCM Võ Văn Kiệt dẫn đầu được ghi chép tỉ mỉ: “Ông nhanh nhẹn và dáng đi tất tả như chạy, nhất là đi xuyên rừng, tự mình vẹt cây lá để mở lối đi riêng, băng băng về phía trước. Ông đứng trước dòng sông ào ào chảy, thoáng chút lo âu…”.
“Ông Võ Văn Kiệt mạnh mẽ ủng hộ cái mới, tin tưởng người trẻ và bên cạnh đó ông cũng rất biết cân nhắc nhiều phía, nhiều mặt, luôn luôn tôn trọng những phản biện khoa học của các chuyên gia và cả những ý kiến, câu chuyện của người dân. Để làm thủy điện Trị An, ngoài các nhà chuyên môn trong nước, các kỹ sư chuyên gia Nga, ông còn nghe cả các chuyên gia – giáo sư từng làm việc dưới chế độ Việt Nam cộng hòa.
Ông cũng yêu cầu phải giải thích với dân, khi nào dân hiểu mới làm. Nghe hết, suy ngẫm hết, cân nhắc hết rồi mới quyết. Vì thế mà đời lãnh đạo của ông không phải tuyệt đối đúng nhưng rất ít những quyết sách sai lầm…” – ông Trần Ngọc Châu nhắc lại.
“Ông Sáu Dân cũng yêu cầu phải giải thích với dân, khi nào dân hiểu mới làm. Nghe hết, suy ngẫm hết, cân nhắc hết rồi mới quyết. Vì thế mà đời lãnh đạo của ông không phải tuyệt đối đúng nhưng rất ít những quyết sách sai lầm…” , Nhà báo Trần Ngọc Châu. |
Cả đời làm việc, cống hiến của ông đều một phong cách ấy, nguyên tác ấy, tư duy ấy. Chúng tôi tìm được bài trả lời phỏng vấn của cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt với tạp chí Xây Dựng Đảng năm 2005.
Trả lời câu hỏi: “Trong điều kiện hội nhập quốc tế, cơ chế thị trường tác động thế nào đến mối quan hệ máu thịt Dân với Đảng?”, ông nói: “Kinh tế thị trường hàm chứa cả thời cơ và thách thức. Vấn đề là ta phải nhận thức đúng, kịp thời bối cảnh mới mà đất nước ta đang phải đương đầu, tỉnh táo và có bản lĩnh tạo mọi điều kiện cho sự bừng nở lành mạnh và rộng khắp các hoạt động của thị trường nhằm chuyển đổi diện mạo kinh tế…
Càng hội nhập quốc tế càng phải phát huy sức mạnh nội lực. Nội lực phải tìm trong Dân, sát Dân, dựa vào Dân, phát huy hết sức Dân thì Đảng và Nhà nước mới có thể khai thác được vận hội mà kinh tế thị trường đem lại…”.
Ông chọn cho mình, cho con mình cái tên Dân là như thế.
Người nông dân chịu thiệtChúng tôi tìm lại được bài báo cuối cùng ông đăng trên Tuổi Trẻ ngày 12-4-2008, chỉ hai tháng trước khi ông ra đi: “Đừng để người nghèo bị gạt ra bên lề”. Đọc lại những dòng, những chữ, cứ ngỡ ông mới chỉ viết hôm qua, tháng trước đây thôi khi nghe những người dân Thủ Thiêm rơi nước mắt kể chuyện mình: “Đầu tư phát triển, một mặt không thể thiếu những giải pháp bảo tồn tài nguyên thiên nhiên, giữ gìn bản sắc văn hóa, mặt khác phải có chính sách để người nghèo, đặc biệt là nông dân, bà con các vùng nông thôn, vùng dân tộc… không bị gạt ra bên lề tiến trình phát triển, nhất là tiến trình xây dựng các khu đô thị, nhà máy trên làng bản, ruộng đất lâu đời của họ”. “Người nông dân chịu thiệt một cách trực tiếp trong quá trình công nghiệp hóa. Mỗi khi có những nhà máy, khu công nghiệp, đô thị mọc lên, những phúc lợi xã hội mà sự phát triển mang lại cho nông dân chỉ chiếm một giá trị rất nhỏ so với lợi nhuận mà đất đai của nông dân đem lại cho những tầng lớp khác”. Với ông, ủng hộ phát triển, đô thị hóa không phải là bằng mọi giá, nhất là khi cái giá ấy là đời sống và niềm tin của người dân. Người nghèo – những hộ thu nhập thấp, những người phải chạy ăn từng bữa – trên thực tế chỉ được thụ hưởng rất ít các kết quả tăng trưởng, trong khi chính họ phải gần như lãnh trọn những hậu quả do lạm phát đang diễn ra. Muốn đất nước phát triển bền vững, tôi cho rằng chúng ta không thể thiếu những chính sách cốt lõi để giải quyết căn cơ vấn đề dân nghèo. Cố Thủ tướng VÕ VĂN KIỆT |