4 năm cầm quyền của ông Trump đã biến đổi sản xuất toàn cầu như thế nào?

Khi Donald Trump được bầu làm tổng thống Mỹ hồi năm 2016, gần như toàn bộ vải bọc đồ nội thất dành cho các khách sạn hạng sang của tập đoàn MGroup (Mỹ) đều được làm tại Trung Quốc.

Giờ đây, sau 4 năm với các loại thuế đến từ cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung, chỉ còn gần phân nửa sản xuất tại Trung Quốc, sản lượng còn lại được làm rải rác từ các nơi khác như Việt Nam, Malaysia và Đông Âu.

“Chúng tôi rốt cuộc phải tìm cách khác (để có nguồn cung ứng thay thế Trung Quốc) và phía hưởng lợi chính là hãng hàng không. Tôi và con trai đã phải bay gần như toàn bộ thế giới để tìm nguyên liệu”, ông H David Murray, giám đốc MGroup, nhớ lại.

Trang tin Inkstone News (Hong Kong) thống kê đầu tiên ông Trump áp mức thuế chống phá giá 341% lên mặt hàng bàn ốp đá sản xuất tại Trung Quốc, rồi sau đó là thuế đánh lên các thiết bị nội thất nhà bếp.

“Tất cả những mặt hàng đó bị tấn công bởi thuế chống phá giá, vì tình hình chính trị tại Mỹ đang rất thích hợp cho những chuyện như vầy”, ông Murray nói, hàm ý đề cập đến căng thẳng Mỹ-Trung.

Doanh nhân này còn nói thêm rằng ông mong có thể duy trì sản xuất ở Trung Quốc vì những chỗ thay thế chưa thể cạnh tranh về giá, tốc độ, quy mô hay chất lượng. Nhưng nếu chiến tranh thương mại kéo dài qua đợt bầu cử vào tháng 11 tới, ông Murray cho hay có lẽ sẽ buộc phải rời khỏi Trung Quốc vĩnh viễn, dù rằng khó có khả năng sẽ đem hoạt động kinh doanh về lại quê nhà.

“Nhiều đồ nội thất dùng cho khách sạn từng được sản xuất tại bang North Carolina (Mỹ), nhưng đó là 20 năm về trước”, giám đốc MGroup nói.

“Nếu giờ chính phủ có cấp cho tôi 5 triệu USD để mở nhà máy ở North Carolina, nhân công mà tôi có thể tuyển chắc phải 68-70 tuổi vì chỉ có họ mới đủ tay nghề.

“Rồi đến phần dây chuyền cung ứng: ai sẽ làm bản lề, hay hộp, hay sản phẩm hoàn chỉnh? Tôi sẽ phải tốn từ 3 đến 5 năm, với điều kiện phải là doanh nghiệp xuất sắc nhất trong ngành, để đủ sức cạnh tranh trên thị trường. Nhưng ngay cả trong điều kiện như vậy, chi phí của tôi vẫn sẽ cao gấp đôi so với các nhà cung ứng Việt Nam hay Trung Quốc”, ông Murray chỉ ra.

Và công ty của ông Murray chỉ là một trong nhiều doanh nghiệp có hoạt động kinh doanh bị đảo lộn sau 4 năm dưới thời Tổng thống Mỹ Trump, theo trang tin Inkstone News.

Rồi giờ đây, với viễn cảnh ứng viên đảng Dân chủ Joe Biden cũng sẽ có đường lối cứng rắn về thương mại với Trung Quốc, nhiều doanh nghiệp dự đoán thời kỳ bất ổn vẫn đang trước mắt bất kể là ai sẽ trúng cử vào năm tới.

Ông Larry Sloven, lãnh đạo công ty sản xuất đèn LED Capstone International, đã di dời dây chuyền sản xuất từ Trung Quốc sang Thái Lan ngay trước khi đại dịch Covid-19 bùng lên. “Nếu không có vụ thuế, có lẽ tôi vẫn còn ở Trung Quốc”, ông này nhớ lại.

“Thách thức lớn nhất chính là dây chuyền cung ứng. Tất cả các thứ như linh kiện, pin, chíp xử lý, dây cáp đều được nhập từ Trung Quốc… nhưng những ai không rời khỏi Trung Quốc, thì giờ bị kẹt rồi, vì bất kể ai lên làm tổng thống sắp tới, các loại thuế má vẫn sẽ còn đó thôi”, ông Sloven nhận định.

Doanh nhân này cho biết thuế suất 25% đánh vào các mặt hàng của công ty khiến chúng quá mắc đối với người tiêu dùng Mỹ. Ông nhớ lại thời điểm khi vẫn còn bàn tính chưa quyết chuyện dời hoạt động sản xuất ra khỏi Trung Quốc vì chi phí nhân công cứ tăng, nhưng “một khi các thuế suất được công bố, tôi lập tức quyết ngay”.

“Trump đã hoàn toàn thay đổi cuộc sống của nhiều người – ông ta đã hoàn toàn thay đổi ngành sản xuất”, Sloven nhận định khi đang có mặt tại nhà máy của mình ở Thái Lan.

Giới làm kinh doanh thường nói rằng rất khó từ bỏ Trung Quốc vì cơ sở hạ tầng, dây chuyền cung ứng và lực lượng lao động lành nghề của nước này.

Khảo sát mới đây của Phòng Thương mại Mỹ ở Thượng Hải cho thấy bất chấp áp lực từ chính quyền ông Trump, có đến 92,1% doanh nghiệp Mỹ tại đó không có ý định từ bỏ Trung Quốc.

“Trung Quốc vẫn là nơi dễ làm ăn nhất thế giới. Bạn có thể có mọi linh kiện, nguyên liệu thô mà bạn cần và chúng rất dễ kiếm”, ông Murray cho biết, đồng thời cũng nói thêm những nơi khác khó có thể đáp ứng được như vậy.

Tuy nhiên, nhiều công ty dựa vào đối tác sản xuất bên ngoài (outsource) trong suốt nhiệm kỳ đầu của ông Trump lại tự hỏi liệu hoạt động kinh doanh của mình có được hưởng sự an tâm về chính trị và có chi phí rẻ hơn không nếu từ bỏ Trung Quốc, theo Inkstone News.

Đôi lúc, quyết định của các doanh nghiệp này bị ảnh hưởng bởi nhu cầu tiêu dùng tại Mỹ, chẳng hạn như khi khảo sát của Pew Research hồi tháng 9 cho thấy có đến 78% người Mỹ không có thiện cảm với Trung Quốc, mức cao kỷ lục trong vòng 15 năm qua.

“Đối với toàn bộ các loại hàng hóa ngoài các mặt hàng điện và điện tử, người tiêu dùng hiện đang cố tìm hàng không có xuất xứ từ Trung Quốc”, ông Hiten Shah, giám đốc công ty tìm kiếm nguồn hàng MES (Mỹ), cho biết.

“Họ có lo ngại về chuyện thuế hồi năm ngoái, nhưng giờ đây họ chuyển sang lo ngại về khả năng nổ ra xung đột quân sự và mối quan hệ ngày một xấu đi nhanh chóng giữa 2 nước”, ông này nói thêm.

Cách đây 1 năm, hãng sản xuất xe đạp Kent International (Mỹ) là một trong những doanh nghiệp có tính đến chuyện đi khỏi Trung Quốc. Hoạt động kinh doanh của công ty bị thiệt hại nặng vì căng thẳng thương mại Mỹ-Trung.

Minh Đức

Theo Inkstone News