Khi doanh nhân là nghệ nhân

Ông Đỗ Văn Bi, Giám đốc doanh nghiệp chế tác vàng bạc, tranh đá quý Kim Bảo Ngọc tại thành phố Hạ Long, Quảng Ninh là doanh nhân. Hẳn rồi, mấy năm qua, cơ sở của ông đã đem đến cho người tiêu dùng hàng ngàn sản phẩm, là một trong những doanh nhân tiêu biểu về thành tích trong sản xuất, kinh doanh, thực hiện nghĩa vụ với nhà nước và những đóng góp cho sự phát triển của ngành thủ công nghiệp.

Nhưng gọi ông là Nghệ nhân cũng không sai. Bởi sản phẩm của ông là để phục vụ nhu cầu thẩm mỹ, thưởng thức nghệ thuật của con người. Làm sao một bức tranh, dù chỉ là sao chép chuyển thể chất liệu sao cho đúng với nguyên tác cũng đòi hỏi không chỉ là sự công phu mà phải có cái tay tài hoa, có mắt nhìn thật tinh tế.

Vậy mà mỗi năm ông cho xuất xưởng hàng trăm bức chân dung, phong cảnh, tĩnh vật các loại. Chúng được chuyển thể từ các chất liệu khác nhau sang chất liệu đá quý và hầu hết đều đúng như nguyên bản.

Gặp ông trong những ngày giáp tết nguyên đán Mậu tuất 2018, mặc dù đang bận rộn cho việc làm tranh, nhưng ông cũng dành ít thời gian với tôi để chia sẻ về môn nghê thuật mà ông đã đam mê và theo đuổi suốt nhiều năm qua.

Doanh nhân, nghệ nhân Đỗ Văn Bi tâm sự, như có duyên nợ với nghề, trước khi đến dòng tranh nghệ thuật này, tôi là thợ cơ khí của Công ty Thi Công và Cấp nước Quảng Ninh (cũ).

Thời kỳ đổi mới, Công ty thiếu việc làm, tôi xin nghỉ chế độ về phụ giúp vợ bán vàng bạc đá quý với một quầy hàng nhỏ ngay trung tâm khu du lịch Bãi Cháy. Để phát triển sản xuất, tôi suy nghĩ nghề bán vàng bạc, đá quý, nhất thiết phải biết chế tác thì mới mang lại hiệu quả cao, năm 1991, tôi vào miền Nam học nghề chế tác vàng bạc, đá quý.

Ông tiếp tục câu chuyện, học xong nghề, trong lúc phụ giúp vợ, rỗi rãi tôi tỉ mẩn nhặt những mẩu đá quý đầu thừa đuôi thẹo bỏ đi ghép thành những hình tượng con thú, cánh buồm, con tàu… bày trong tủ chỉ nhằm làm phong phú tủ hàng, hấp dẫn người mua.

Một lần có ông khách người nước ngoài vào quầy hàng, ông không mua gì nhưng ngắm rất kỹ những đồ vật tôi làm. Ông ta gợi ý, nên ghép những viên đá quý thành bức tranh phong cảnh Hạ Long bày bán cho khách. Hỏi ra mới biết ông khách ấy là một hoạ sĩ tài năng. Ông khách đi rồi tôi bắt đầu ngẫm nghĩ về nghệ thuật tranh đá quý.

“Từ đó, tôi bắt đầu dành nhiều tâm huyết sáng tạo một loại hình nghệ thuật chưa có ở Quảng Ninh. Cái khó của tranh đá quý là không có trường để học, không có thầy để hỏi và không có bạn bè để “hội thảo”. Cứ tự mày mò, tự làm. Hỏng thì bỏ, bỏ lại làm. Tiền của bỏ ra cũng kha khá.

Cứ như thế phải hàng năm sau tôi mới dám trình làng sản phẩm của mình. Đó là bộ tranh Tứ Quý về thầy trò Đường Tăng. Sản phẩm được trưng bày tại triển lãm do Sở Văn hoá – Thông tin và Sở Công nghiệp (cũ) tổ chức vào năm 1998. Bộ tranh được giải nhì và được khách nước ngoài mua với giá khá cao” – Nghệ nhân Đỗ Văn Bi vui vẻ kể.

Thành công bước đầu đã tạo khí thế để ông dồn tâm trí cho loại hình nghệ thuật này. Rồi ông thành lập doanh nghiệp Kim Bảo Ngọc.Theo ông, đã làm nghệ thuật thì người sáng tác phải đặc biệt đam mê, phải thả hết hồn vào từng chi tiết, chỉ mềm hoặc cứng ngón tay khi rắc bột màu là xem như bỏ, không như vẽ tranh, sai thì tẩy, quét sơn đè lên. Trước khi rắc bột phải tĩnh tâm, như ngồi thiền. Khi “nhập thiền” rồi mới rắc.

Một bức tranh, dù to hay nhỏ đều phải sử dụng rất nhiều màu, mà phải là màu tự nhiên, không pha trộn. Không như vẽ tranh, từ 12 màu cơ bản hoạ sĩ có thể pha chế ra rất nhiều màu. Hiện Đỗ Văn Bi đã sử dụng hơn 40 màu đá quý cho các sản phẩm tranh của mình.
Giải thưởng “Bàn tay vàng” và hàng loạt giải nhất, nhì, ba trong các cuộc thi sáng tác hàng thủ công mỹ nghệ của thành phố Hạ Long những năm qua đã khẳng định thêm danh tiếng của ông và doanh nghiệp Kim Bảo Ngọc do ông làm giám đốc.

Những bức tĩnh vật hoa và phong cảnh tự nhiên đã giúp nghệ nhân Đỗ Văn Bi giành nhiều giải thưởng danh giá đặc biệt là “Bàn tay vàng do hội nghệ nhân Việt Nam phong tặng năm 2002.

Trong tờ giới thiệu các sản phẩm của doanh nghiệp có ghi “Đá quý thiên nhiên có vẻ đẹp vĩnh cửu và có ý nghĩa tâm linh trong đời sống tinh thần, nó được kết tinh trong lòng đất và tạo nên những sắc màu huyền bí”.

Nghệ nhân Đỗ Văn Bi nói rằng, chính vì đặc tính này của đá mà ông càng thích làm tranh đá quý. Ông muốn tạo nên những sản phẩm mỹ nghệ có tính độc đáo và lâu bền, muốn mọi người khi ngắm có thể thưởng thức được sự biến ảo đến không cùng của đá. Vì vậy, mà ông đã tốn không ít công sức cùng với những nghệ nhân và những người thợ của cơ sở chọn lựa các loại đá, nghiền ngẫm cách pha màu bột đá sao cho chuẩn.

Tranh làm bằng chất liệu đá quý, giá tất nhiên là không rẻ, thường thì từ một vài triệu đến vài chục triệu đồng cho một bức tranh. Song, nhiều người đã không ngần ngại bỏ tiền mua để trang trí cho căn phòng của mình thêm vẻ sang trọng, tao nhã.

Được ông Bi giới thiệu đến nhà một vị khách trên đường bao biển phường Bạch Đằng, thành phố Hạ Long vừa lấy bộ ảnh tứ quý ngay sau khi căn nhà mới hoàn thành, để trang trí cho phòng khách thêm đẹp.

Trả lời câu hỏi của tôi, tại sao lại chọn tranh đá quý mà không phải những loại tranh điện với ánh sáng hiện đại đang có rất nhiều trên thị trường? Anh Lê Vũ chia sẻ, tôi thích tính triết lý của bức tranh cũng như thích cách xử lý những gam màu của đá tự nhiên, nó thể hiện những sắc màu thiên nhiên đổi thay qua bốn mùa ở bức tranh. Những màu sắc được chuyển thể rất chân thật, khi nhìn vào nó cho tôi cảm giác gần gũi thiên nhiên.

Để bức tứ quý chân thật hoàn hảo và nhân được sự yêu thích của khách hàng, ông Bi phải đi về Yên Tử, đi đến các vùng cao như Bình Liêu, Ba Chẽ hàng chục lần, để khi ngồi trước tấm mê ca tạo hình, hình ảnh núi non, cây cối, chim muông và cả cái lạnh của mùa đông, chút se se của mùa thu hay cái oi nóng của mùa hè cứ lần lượt hiện lên như đang có thật trước mặt, như vậy sản phẩm mới chân thật và có hồn.

Nghệ nhân Đỗ Văn Bi cũng cho biết, một trong những đề tài mà ông yêu thích đó chính là Vịnh Hạ Long, vì vậy rất nhiều tác phẩm về phong cảnh Hạ Long đã được ông chuyển thể ở nhiều góc độ khác nhau bằng đá quý đầy sinh động và nhận được sự đón nhận của rất nhiều khách hàng trên toàn quốc. “Tôi rất vui, vì mình đã góp phần giới thiệu cũng như quảng bá vẻ đẹp của vịnh Hạ Long đến với rất nhiều người thông qua những tác phẩm tranh đá quý của mình” –  nghệ nhân Đỗ Văn Bi chia sẻ.

Trong câu chuyện, Doanh nhân, Nghệ nhân Đỗ Văn Bi đã nói tới nhiều dự định khác. Trong đó có một sự trăn trở, đó là tìm người thật sự có đam mê để kế thừa môn nghệ thuật mà ông tâm huyết này. Đã có nhiều người thử, nhưng rồi không thành công, bởi làm nghệ thuật ngoài đam mê phải có sự khéo léo và mắt thẩm mỹ. Tới tận giờ tôi vẫn chưa tìm được một người như vậy, tôi đang thật sự lo lắng, bới bản thân cũng đã ở độ tuổi không còn dẻo dai, khéo léo nữa rồi, ông Bi tâm sự.

“Bên cạnh đó, tôi cũng muốn biến một đam mê cháy bỏng khác thành hiện thực, đó là xây dựng một bảo tảo mini trưng bày các cổ vật, các tác phẩm nghệ thuật từ đá tự nhiên. Nơi đây sẽ là một không gian, tham quan, chia sẻ  kinh nghiệm của những người yêu cổ vật, của những nghệ nhân yêu tranh đá quý để cùng nhau sáng tạo, cho ra đời nhiều hơn những tác phẩm nghệ thuật giá trị. Và biết đâu đó, tại bảo tàng tôi có thể tìm được một người trẻ tuổi có tất cả tố chất để tiếp tục sự nghiệp tranh đá quý thì sao” – một chút lạc quan và hy vọng của ông Bi.

Mong rằng dự định của ông sẽ thành hiện thực, cũng như hy vọng sản phẩm của Kim Bảo Ngọc ngày càng vươn xa hơn trên thị trường trong và ngoài nước và cơ sở của ông sẽ có những đóng góp nhiều hơn cho mục tiêu phát triển kinh tế, du lịch của thành phố Hạ Long, Quảng Ninh.

Theo Diễn đàn Doanh nghiệp