Rõ ràng thị trường phản ứng với chuyện mất tiền của bà Chu Thị Bình không quá nghiêm trọng. Vào ngày 23-2, bà Bình nắm trong tay tổng giá trị tài sản lên đến 1.777 tỉ đồng.
Sau khi cái tên Chu Thị Bình, người mất 245 tỉ đồng trong vụ Eximbank, lộ diện là Phó tổng giám đốc Công ty Minh Phú (MPC), đồng thời là vợ của ông Lê Văn Quang, Chủ tịch Hội đồng quản trị MPC, thì thị trường chứng khoán đã có phản ứng nhẹ với cổ phiếu MPC vào sáng nay (26-2) giảm 0,49% giá trị, tương đương 500 đồng.
Đang nắm trong tay 1.777 tỉ đồng
Mặc dù không phải là người đứng đầu MPC nhưng bà Bình là cổ đông lớn nhất MPC với số lượng cổ phiếu hơn 17,4 triệu, chiếm tỷ lệ sở hữu là 24,96%.
Ông Lê Văn Quang là cổ đông lớn thứ 2 tại MPC, có số lượng cổ phần gần 16 triệu cổ phiếu, chiếm tỷ lệ sở hữu 22,80%.
Như vậy, vợ chồng bà Bình có tiếng nói quan trọng về mọi chiến lược kế hoạch kinh doanh nếu nhìn về tỷ lệ sở hữu.
Trước đó, khi những thông tin về vụ mất tiền chưa rõ ràng, vào ngày 23-2, giá trị cổ phiếu MPC đạt đỉnh rất cao là 101.731 đồng/cổ phiếu. Với giá trị này, bà Bình đang nắm trong tay tổng giá trị tài sản lên đến 1.777 tỉ đồng. Và đến ngày hôm nay 26-2, với việc mất 500 đồng cổ phiếu thì tài sản của bà chỉ suy giảm nhẹ là 8,7 tỉ đồng.
Thực tế, nhìn về tổng giá trị tài sản của bà Bình so với việc mất khoản tiền trong ngân hàng là 245 tỉ đồng (trong tương lai có khả năng lấy lại nếu chứng minh được lỗi do ngân hàng) là rất nhỏ.
Mặt khác, mức độ tăng trưởng kinh doanh của Minh Phú đang hết sức khả quan. Tính hết năm 2017, doanh thu thuần của công ty đạt gần 17.000 tỉ đồng, tăng trưởng hơn 40% so với năm trước. Lợi nhuận sau thuế của công ty đạt 642 tỉ đồng, gấp gần 9 lần so với cùng kỳ.
Rõ ràng thị trường phản ứng với chuyện mất tiền của bà Bình không quá nghiêm trọng, khi nhìn về kết quả kinh doanh trong năm 2017 và tầm nhìn dài hạn cả năm 2018.
Chỉ có điều mọi người ngạc nhiên về bà Bình, một người có sự từng trải trong kinh doanh và mức độ lão luyện trên thương trường lại dễ dàng bị “lừa” đến như vậy.
Nếu nhìn về quá trình khởi nghiệp của bà, một người bắt đầu sự nghiệp kinh doanh từ vị trí nhân viên thu mua vào năm 1981, và từng bước leo lên những vị trí cao, và là cánh tay đắc lực cho chồng đưa Minh Phú trở thành “vua tôm” và là công ty có vị thế trên thị trường quốc tế. Thì việc nói bà Bình bị lừa là rất ngạc nhiên. Có lẽ sự uẩn khúc trong đây vẫn còn nhiều điều chưa giải đáp.
Cú “thoát sàn” và ngày trở về của Minh Phú
Việc bà Bình dính vào vụ mất tiền liên quan đến ngân hàng lớn lại khiến cổ đông nhớ lại những cú va vấp của chính Minh Phú trong giai đoạn vừa qua. Minh Phú vừa trở lại sàn chứng khoán vào cuối năm 2017, sau khi quyết định hủy niêm yết tự nguyện trên sàn HOSE năm 2014.
Lý do quyết định rời sàn chứng khoán là do Minh Phú muốn gọi vốn với mục đích xây dựng chuỗi giá trị khép kín cho ngành tôm, có thêm dòng tiền mới để đầu tư hướng đến mục tiêu doanh thu chạm mốc 1 tỷ USD.
Lúc đó, Minh Phú có 2 lựa chọn là phát hành thêm cổ phiếu hoặc gọi vốn từ nhà đầu tư nước ngoài. Thời điểm đó, thị giá cổ phiếu của Minh Phú dao động quanh mốc 30.000 đồng/cổ phiếu, và nếu phát hành thêm cổ phiếu công ty sẽ có ngay phần thặng dư cổ phần sử dụng cho các mục đích của mình.
Tuy nhiên cùng lúc đó, một nhà đầu tư nước ngoài trả giá 50.000 đồng/cổ phiếu. Tất nhiên, khi trả giá cao hơn thị trường, họ muốn có vai trò chi phối, nhưng thời điểm đó lại vướng quy định trần room ngoại chỉ 49%.
Minh Phú đã chọn cách hủy niêm yết tự nguyện để né quy định trần room ngoại này, đồng thời kỳ vọng có nguồn vốn lớn hơn so với phát hành thêm cổ phiếu trên thị trường chứng khoán, mà theo ông Lê Văn Quang, Chủ tịch HĐQT Minh Phú chia sẻ với báo chí lúc đó là phát hành thêm chỉ thu về 900 tỷ đồng, nhưng hủy niêm yết để phát hành có thể thu được 1.500 tỉ đồng.
Thế nhưng người tính không bằng trời tính. Hệ quả là chỉ sau một năm rời sàn chứng khoán, kết quả kinh doanh của Minh Phú lao dốc, từ chỗ có lợi nhuận sau thuế gần 1.000 tỷ đồng đã xuất hiện khoản lỗ gần 7 tỷ đồng.
Cơ cấu sở hữu của Minh Phú vẫn không mấy thay đổi so với trước đây, không xuất hiện cổ đông nước ngoài mới và dĩ nhiên không có dòng tiền ngàn tỉ đồng như kỳ vọng.
Khác với lần trước khi rời sàn chứng khoán với những thông tin tươi sáng, cuộc trở về lần này của Minh Phú khá trầm lắng. Ông Lê Văn Quang cho biết việc quay trở lại là do theo quy định của luật pháp, Minh Phú vẫn đạt điều kiện là công ty đại chúng (theo quy định là có vốn trên 10 tỉ đồng và có trên 100 cổ đông).
Tuy nhiên, theo Nghị định 60/2015 NĐ- CP, cổ phiếu của những công ty hủy niêm yết (nhưng vẫn đáp ứng điều kiện là công ty đại chúng) phải đăng ký giao dịch trên hệ thống UpCom, để đảm bảo lợi ích cho cổ đông nhỏ.
Nhưng kết quả kinh doanh trong thời gian gần đây của Minh Phú là khá tốt. Cơ sở cho điều này là thị trường Hoa Kỳ mà Minh Phú đang chiếm đến 41% tổng giá trị kim ngạch, đã đưa Minh Phú ra khỏi diện bị áp thuế chống bán phá giá, đồng thời, công ty còn được hoàn trả hàng triệu USD đã tạm nộp các năm trước.
Các thị trường khác như: Canada, Nhật, Hàn Quốc, châu Âu vẫn tăng trưởng tốt, với mức giá tốt, nhờ chuyển dịch cơ cấu các sản phẩm có giá trị gia tăng. Đồng thời, thị trường Trung Quốc đang trở thành thị trường tiềm năng, hứa hẹn sẽ là bệ đỡ tăng trưởng của Minh Phú trong thời gian đến.
Minh Phú đã có những nỗ lực hoàn thiện chuỗi giá trị khép kín từ sản xuất đến bán tận tay người tiêu dùng, khi đã nắm trong tay chuỗi logistics và hệ thống bán lẻ tại một số thị trường nước ngoài.
Phương Minh
PLO