Hàng tỷ USD đổ vào thị trường trong một thời gian ngắn, sôi sục không kém gì thời kỳ đỉnh cao 10 năm trước đây. Những kỷ lục mới đang hình thành, nhưng có rất nhiều điểm khác biệt so với đợt bong bóng hồi 2007.
Dòng tiền tỷ USD
Thị trường chứng khoán tập trung của Việt Nam đang nóng lên và trở nên sôi động bất ngờ trong tháng 5/2017, một hiện tượng lạ, hiếm có ở vào một tháng mà thường thì người bán nhiều hơn người mua (Sell in May).
Đã lâu rồi, sức hút của thị trường chứng khoán (TTCK) lại mạnh mẽ và bền bỉ như vậy. Hàng loạt các cổ phiếu tăng lên mức cao kỷ lục chưa từng có vẫn đang tăng tiếp. Chỉ số chứng khoán lên mức cao nhất 9 năm nhưng vẫn đang trên đà đi lên. Tính từ đầu năm đến nay, chỉ số VN-Index đã tăng hơn 11%, gấp đôi so với cùng kỳ 2016.
Giao dịch trên thị trường là một điểm nhấn. Giá trị giao dịch đang đứng ở mức cao kỷ lục trong lịch sử, với bình quân giao dịch trong tháng 5 đạt hơn 5 ngàn tỷ đồng (có những phiên lên tới 7 ngàn tỷ đồng), tăng gấp 2-3 lần so với cách đây vài năm, cao gấp khoảng 1,5-2 lần so với trung bình giao dịch 2016.
Như vậy, chỉ trong khoảng 3-4 ngày, thị trường chứng khoán đón nhận khoảng 1 tỷ USD giao dịch trên 2 sàn TP.HCM và Hà Nội. Kỷ lục mới về giao dịch thường xuyên được xác lập. Đây là điều chưa từng có và là một điểm khác biệt.
Sắp tới đây, kỷ lục thanh khoản 10 tỷ đồng/phiên hay 1 tỷ USD cho 2 phiên được đánh giá hoàn toàn có thể đạt được khi mà quy mô TTCK vẫn đang tăng lên hàng ngày, room ngoại đang được mở rộng ra và hơn hết thời điểm hiện tại vẫn được đa số các NĐT coi là cơ hội tốt tham gia thị trường.
Cho dù thị trường đã tăng nhanh trong 5 tháng đầu năm, nhưng dòng tiền chưa có xu hướng suy giảm. Khối ngoại gần đây thậm chí còn tăng mạnh mua vào, mỗi phiên đều đạt vài ba trăm tỷ đồng.
Quy mô vốn của thị trường cũng tăng vọt. So với 10 năm trước, số lượng cổ phiếu tăng gấp 10 lần. Vốn hóa trên thị trường có thể tăng gấp cả trăm lần do số lượng cổ phiếu lớn lên sàn rất nhiều như: Sabeco, Habeco, VietJetAir, ACV,… trong khi đa số các DN lớn nhiều lần phát hành thêm cổ phiếu tăng vốn trong thập kỷ qua.
Chỉ số VN-Index trong 5 tháng đầu năm chứng kiến sự gia tăng mạnh mẽ, hiện đứng rất vững trên ngưỡng 700 điểm và đang chinh phục ngưỡng 750 điểm.
Kỳ vọng mới
Một điểm khác biệt so với đợt sôi sục 10 năm trước đây là dòng tiền hiện rất bền vững, niềm tin trên thị trường hiện rất lớn, trái với dòng tiền nóng và hiện tượng tâm lý bầy đàn bao phủ trên khắp thị trường trong giai đoạn 2007.
Ông Lê Quang Trí – Giám đốc khối kinh doanh của CTCP Chứng khoán Trí Việt (TVB) cho biết, TTCK đang phát ra những tín hiệu rất tích cực và có dấu hiệu tăng trưởng bền vững hơn rất nhiều so với 10 năm trước đây.
“Hàng loạt các tài khoản cũ, không giao dịch 5-7 năm giờ đồng loạt hoạt động trở lại. Rất nhiều nhà đầu tư cũ đang quay trở lại thị trường, trong khi đó số lượng nhà đầu tư mở tài khoản mới rất nhiều”, ông Lê Quang Trí chia sẻ.
Theo chuyên gia đến từ TVB, điều đáng ghi nhận là dòng tiền ở vào thời điểm này “thật hơn nhiều”, chủ yếu là “tiền tươi”, chứ không phải đi vay. “Margin ở các CTCK không căng, không chịu áp lực giải chấp. Dòng tiền đến từ các NĐT cũ mới và cả các NĐT ngoại với lượng mua ròng gần như liên tục từ Tết Nguyên đán tới giờ”.
Ông Bùi Tiến Đức, chuyên viên tư vấn đầu tư, Team Phân tích Biên an Toàn, VnDirect Securities TP.HCM cũng có cùng nhận định cho rằng, TTCK đang rất tích cực.
“Hiện tại, sự kỳ vọng Việt Nam được vào danh sách xem xét nâng hạng của tổ chức MSCI đã khiến dòng vốn khối ngoại đổ vào TTCK Việt Nam từ đầu năm tới giờ khá nhiều. Lý do thứ 2 là: đang có 1 lượng NĐT cũ, đã ngưng giao dịch từ trước, và lớp NDT mới bắt bắt đầu tham gia lại thị trường. Cùng với đó là tín dụng tăng trưởng tốt từ đầu năm đến nay. Giúp lượng tiền được giải ngân nhiều hơn. Các yếu tố này đang giúp thị trường giao dịch tích cực, thanh khoản của thị trường tăng lên rất nhiều”, ông Bùi Tiến Đức phân tích.
Theo ông Bùi Tiến Đức, tín hiệu tích cực bắt đầu tư sau Tết nhưng sự bùng nổ bắt đầu từ khoảng 2 tháng gần đây.
Tín hiệu mà ông Đức đánh tích cực nhất là dòng vốn ngoại và nếu Việt Nam vào được danh sách xét xem xét nâng hạng, thì dòng vốn nước ngoài sẽ còn tiếp tục đón đầu đổ vào thị trường Việt Nam.
Về sâu xa, theo đánh giá của nhiều chuyên gia, niềm tin vào triển vọng kinh tế nhờ có các động thái hỗ trợ kinh tế tư nhân, nỗ lực xử lý cục nợ xấu tồn đọng… đã khiến dòng vốn đổ mạnh vào TTCK.
Ông Đức cũng xác nhận chu kỳ 10 năm đang lặp lại. Trước hết đó là sự trở lại của dòng tiền đầu tư. Điểm khác nhau có lẽ nằm ở chỗ: trình độ của NĐT hiện giờ đã cao hơn rất nhiều, cổ phiếu được sự báo sẽ tiếp tục phân hóa sâu sắc , không còn cùng đồng loạt lên hay xuống. Tâm lý mua bán bầy đàn sẽ không còn nhiều.
“10 năm trước là bong bóng chứng khoán do tiền nóng đổ vào, trong đó đòn bẩy lớn. Rât nhiều công ty bị đánh giá vượt giá trị rất nhiều. Còn bây giờ, dòng tiền phân hóa. DN nào làm ăn tốt, có triển vọng tốt thì thị trường đánh giá cao hơn. Do đó, thị trường sẽ bền vững, giảm đi tình trạng bong bóng”.
Còn hiện tại, dòng tiền vay kinh doanh cổ phiếu được kiểm soát rất chặt chẽ. Thông tư 36 có hiệu lực từ đầu 2015 đã quy định các NHTM không cho vay kinh doanh cổ phiếu quá 5% vốn điều lệ.
Theo Cafef