Bắt mạch dòng tiền

Dự báo nền kinh tế tăng trưởng tốt khiến nhà đầu tư lạc quan, đổ tiền vào TTCK - Ảnh: Như Ý

Sau vài lần vượt ngưỡng 1.200 điểm rồi tụt dốc, từ phiên giao dịch ngày 1/4, chỉ số VN-Index đã trụ vững trên mốc mới, kéo tiền của cả nhà đầu tư nội ngoại ồ ạt đổ vào chứng khoán.

Các chuyên gia cho rằng, tình hình kinh tế năm 2021 đang có nhiều điểm sáng, hoạt động doanh nghiệp phục hồi, trong khi thị trường vàng trầm lắng, “cơn sốt” bất động sản bị “siết” lại… là những yếu tố “thiên thời, địa lợi” để thị trường chứng khoán hút tiền.

Tiền vào ồ ạt

Kết thúc phiên giao dịch ngày 1/4, VN-Index ở mốc 1.216,1 điểm, tăng 24,66 điểm. Phiên giao dịch sáng ngày 2/4, nối tiếp đà tăng giá, VN-Index tăng 11 điểm lên mốc 1.227 điểm. Chỉ trong phiên giao dịch buổi sáng này, thanh khoản thị trường đạt gần 12.000 tỷ đồng.

Sự tăng trưởng của thị trường đến từ sức kéo của nhóm cổ phiếu VN30, nhiều cổ phiếu tăng trần như SSI, APS, HBS, IVS, SHS, VIG, MBS, WSS… Thực tế cho thấy, tâm lý hưng phấn của nhà đầu tư sẵn sàng “xuống tiền”.

Diễn biến này cho thấy, trạng thái dòng tiền bắt đầu có sự chuyển hướng. Nếu cách đây hơn 1 tháng, thị trường chứng khoán (TTCK) chững lại, tiền được hút một phần sang bất động sản (BĐS) thì nay đã khác.

Tuy nhiên, với sự vào cuộc cảnh báo của cơ quan chức năng và nhiều địa phương trên cả nước, cơn “sốt đất” đã bắt đầu hạ nhiệt và tiền dường như muốn quay đầu trở lại chứng khoán.

Bên cạnh đó, vàng liên tiếp giảm giá khiến nhà đầu tư lỗ nặng, lãi suất huy động tiết kiệm ở mức thấp… đã tạo đà thuận lợi cho tiền đổ vào TTCK.

Khối ngoại liên tục bán ra trên thị trường còn khối nội đã “cân” cả. Dòng tiền vào TTCK lần này đến từ nhà đầu tư mới gồm nhà đầu tư F0 và cả những nhà đầu tư đã từng rời thị trường, giờ quay trở lại. Thanh khoản trên 3 sàn đạt khoảng hơn 20.000 tỷ và sẽ còn tăng rất mạnh”, ông Lê Đức Khánh, Giám đốc Phát triển năng lực đầu tư (Công ty Cổ phần Chứng khoán VPS) nói.

Còn theo ông Trần Hoàng Sơn, Giám đốc chiến lược thị trường (Cty Chứng khoán MB) hơn 90% tài khoản mới là tài khoản của nhà đầu tư cá nhân.

Ông Sơn dự báo, TTCK thời gian tới vẫn biến động tương đối lớn, vì nhà đầu tư cá nhân vẫn chi phối thị trường. VN- Index sẽ dao động trong khoảng 1.100-1.275 điểm.

Cùng quan điểm, Chủ tịch Trung tâm Lưu ký Chứng khoán (VSD) Nguyễn Sơn nhận xét , thanh khoản đang rất tốt, thị trường sẽ có đợt tăng mới, ông Sơn nói.

Tiền không quay lại ngân hàng?

Tại Diễn đàn “Phát triển thị trường vốn – Cơ hội trong kỷ nguyên mới” vừa diễn ra, ông Nguyễn Tú Anh, Vụ trưởng Vụ Tổng hợp (Ban Kinh tế Trung ương) lưu ý: Trong những năm vừa qua, có luồng tiền rất lớn đi từ ngân hàng ra ngoài thị trường và không quay về hệ thống ngân hàng.

Nó tạo thành dòng tiền chạy trong khu vực phi chính thức như doanh nghiệp vay lẫn nhau, người dân vay lẫn nhau…

Khi xảy ra dịch COVID-19, hoạt động ở khu vực phi chính thức gần như bị đình trệ, giảm xuống. Do đó, dòng tiền trên quay trở lại các kênh đầu tư chính thức, một là quay vào ngân hàng, hai là vào thị trường chứng khoán.

Phiên giao dịch sáng ngày 2/4, nối tiếp đà tăng giá, VN-Index tăng 11 điểm lên mốc 1.227 điểm. Chỉ trong phiên giao dịch buổi sáng 2/4, thanh khoản thị trường đạt gần 12.000 tỷ đồng.

Nhìn nhận về TTCK, bà Tạ Thanh Bình, Vụ trưởng Vụ Phát triển thị trường, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) cho biết, TTCK năm 2021 tiếp tục có nhiều yếu tố hỗ trợ, như: Nền kinh tế Việt Nam năm 2021 được đánh giá là có cơ hội phục hồi cao hơn so với nhiều nước khác nhờ công tác quản lý, kiểm soát tốt đại dịch COVID-19.

Việc Việt Nam tham gia các hiệp định thương mại song phương, đa phương sẽ giúp nền kinh tế đất nước phục hồi nhanh.

Việt Nam cũng có nhiều khả năng hưởng lợi từ sự dịch chuyển hiện nay của các chuỗi cung ứng sang những quốc gia có chi phí sản xuất thấp. Nội tại TTCK trong nước năm 2021 sẽ có nhiều thay đổi tích cực về chất.

Cũng theo bà Bình, yếu tố nội tại của doanh nghiệp niêm yết cũng tương đối tốt. Kết quả kinh doanh của doanh nghiệp niêm yết theo báo cáo tài chính quý IV/2020 (chưa kiểm toán) ghi nhận 82% doanh nghiệp có lãi. Mức lãi tương đương với quý IV/2019.

Một trong những điểm trừ của TTCK năm 2020 đến nay là khối ngoại liên tục bán ròng. Ông Trần Hoàng Sơn cho hay, năm 2020, nhà đầu tư nước ngoài đã rút hơn 100 tỷ USD khỏi các thị trường mới nổi.

“Để hấp dẫn nhà đầu tư trong thời gian tới, yếu tố níu chân chính là chất lượng lợi nhuận doanh nghiệp”, ông Sơn cho biết.

TS Vũ Bằng, nguyên Chủ tịch Uỷ ban Chứng khoán nhà nước dự báo, trong năm nay, thị trường sẽ tốt hơn nhờ nhiều yếu tố tích cực.

Triển vọng và năng lực xử lý dịch COVDI-19 tốt hơn, giúp hồi phục nền kinh tế đấy là yếu tố rất quan trọng tác động đến thị TTCK toàn cầu. Trên thị trường Việt Nam, khối ngoại vẫn giữ tiền trên tài khoản, cho thấy họ vẫn ngắm nghía, chờ đợi cơ hội.

Ngọc Linh – Việt Linh

Theo Tiền Phong