Bình Thuận: Đừng để lãng phí tài nguyên chỉ vì các nhà máy điện mặt trời vẫn còn trong ‘trứng’

Các công nhân đang thi công điện gió

Như Tầm Nhìn TV đã đưa tin, tỉnh Bình Thuận đang cấp phép triển khai thực hiện xây dựng ngành năng lượng tái tạo, các nhà máy điện gió và điện mặt trời.

Tuy nhiên, đối với Việt Nam, năng lượng tái tạo, điện gió, điện mặt trời là 1 lĩnh vực mới nên việc phát triển ngành này hiện đang còn gặp rất nhiều khó khăn trở ngại.

Thế nhưng, trên thực tế, khi chưa có các giải pháp rõ ràng để giải quyết triệt để hết các vấn đề khó khăn này, thì tỉnh cũng đã và đang cấp phép ồ ạt cho các công ty xây dựng nhà máy điện. Dẫn đến việc hàng loạt các công ty được cấp phép xây dựng nhưng qua nhiều năm vẫn không thể triển khai thực hiện.

1. Những khó khăn thách thức

Ngành năng lượng tái tạo là 1 lĩnh vực mới, nên việc phát triển ngành này của tỉnh Bình Thuận hiện đang gặp phải rất nhiều khó khăn trở ngại như các nhà đầu tư chưa đáp ứng được về năng lực quản lý, năng lực tài chính, dự án chủ yếu phụ thuộc vào việc huy động nguồn vốn vay ngân hàng và các tổ chức tín dụng, do vậy không thể triển khai các công tác chuẩn bị ban đầu như hồ sơ dự án đầu tư, chi phí phục vụ công tác đền bù giải tỏa… dẫn đến việc không thể triển khai thực hiện.

Đối với các dự án điện gió, điện mặt trời, trong quá trình thực hiện, các nhà đầu tư gặp phải nhiều khó khăn, thách thức như thiếu những nguồn thông tin tin cậy về tiềm năng, các nhà đầu tư thường phải lắp đặt các cột do gió riêng tại từng dự án, thiếu số liệu vận hành thực tế, mang tính ổn định của các dự án đã hoàn thành.

Đáng kể nhất là khó khăn về kinh tế và tài chính do chi phí sản xuất, chi phí đầu tư và chi phí vận hành bảo dưỡng cao. Những khó khăn về kỹ thuật, thiếu các chuyên gia lành nghề trong lĩnh vực, thiếu những tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật liên quan, cơ sở hạ tầng chưa phát triển, đường giao thông, cảng biển, thiết bị nâng chuyển chuyên dùng… chưa đáp ứng yêu cầu. Bên cạnh đó, những trở ngại về việc đền bù giải tỏa và giá mua điện, dẫn đến việc các nhà đầu tư điện gió, điện mặt trời thực hiện dự án cầm chừng, kéo dài tiến độ dự án để khi tiếp cận được nguồn vốn vay nhà đầu tư mới bắt đầu triển khai thực hiện.

Ông Đỗ Minh Kính trả lời phỏng vấn phóng viên

Ông Đỗ Minh Kính – Giám đốc Sở Công thương tỉnh Bình Thuận chia sẻ: “Vừa qua sở Công thương đã mời các chủ đầu tư làm việc để yêu cầu cam kết về mặt tiến độ thì cũng có khá nhiều dự án có cam kết khởi công xây dựng năm 2018 để đảm bảo cái tiến độ thực hiện các dự án cho cả điện gió và điện mặt trời đên địa bàn của tỉnh.

Hiện nay ngoài khó khăn chung của các dự án này là về vấn đề công nghệ rất là mới đối với nước ta, cái quan trọng nữa là vấn đề vốn bởi vì cái vốn cho các dự án này rất là lớn, không phải là đơn giản đối với các nhà đầu tư Việt Nam. C

ái thứ 2 là trong đó thì cái giá mua điện của thủ tướng chính phủ phải nói là đang hấp dẫn nhà đầu tư, tuy nhiên giá điện gió thì đang thấp nên theo tính toán của các nhà đầu tư hiệu quả nó thấp cho nên cũng đang rất là tính toán trong việc đầu tư. Hiện nay, ngành điện tái tạo chưa đóng vào ngân sách đồng nào, thậm chí điện gió phong điện 1 đang lỗ.

Các nhà máy điện mặt trời cơ bản sẽ chiếm hết cái phần diện tích (trên mặt đất-PV). Nguyên tắc chung của điện mặt trời lắp những tấm pin, ngoài bộ phận văn phòng điều hành thì chủ yếu là hệ thống pin cho nên nó chiếm đất cơ bản là hết phần diện tích đất, hoàn toàn khác với điện gió.”

Với những khó khăn nói trên trong việc triển khai các nhà máy điện gió, điện mặt trời, việc ồ ạt xây dựng các nhà máy này ở Bình Thuận liệu có khả thi?

2. Việc cấp phép ồ ạt cho các nhà máy điện có hợp lý trong điều kiện hiện nay?

Trao đổi thêm với PV về những mặt hạn chế trong việc xây dựng các nhà máy điện mặt trời trên địa bàn tỉnh, ông Đỗ Minh Kính cho biết thêm: “Cái điện mặt trời cơ bản chiếm hết cái phần diện tích đất ở dưới, qua nghiên cứu các nhà đầu tư người ta sẽ tận dụng làm nhiều việc khác nhau có thể có loại hình phù hợp với lại phần ở dưới đó (mặt bằng đất bên dưới-PV), kể cả họ còn tính toán ví dụ như trồng loại cây trồng gì mà không cần nhiều ánh sáng thì người ta co thể tận dụng ở dưới đó (mặt bằng đất-PV).”

Tuy nhiên, với những khó khăn không dễ gì giải quyết nổi ngay trước mắt như đã đề cập, việc cấp phép cho các công ty đầu tư tràn lan về nhà máy điện không những không có hiệu quả, mà việc kiểm soát ngành này cũng như sự phát triển đồng bộ các lĩnh vực khác trên địa bàn sẽ tiếp tục gặp phải nhiều khó khăn trở ngại. Đừng để ngành năng lượng tái tạo cứ mãi xoay trong vòng luẩn quẩn do thiếu vốn, chậm triển khai, kém hiệu quả gây ảnh hưởng đến tình hình phát triển chung.

Ngành điện gió hiện nay chưa đóng góp cho ngân sách của tỉnh Bình Thuận, chậm chí còn lỗ như điện gió Phong Điện 1

Liệu việc xây dựng các nhà máy điện gió, điện mặt trời vốn đang không dễ gì để triển khai một cách “thuận buồn xuôi gió” như vậy, Bình Thuận liệu có tận dụng được những khoảng đất trống đang có nguy cơ trở nên lãng phí bên dưới các nhà máy điện mặt trời để phát triển thêm các mô hình khác phù hợp.

Việc ưu tiên cấp phép ồ ạt xây dựng các nhà máy điện có trở thành một rào cản cho nền kinh tế Bình Thuận? Thay vì các mô hình công nghiệp khác thuận lợi hơn để tận dụng khai thác hết nguồn tài nguyên thiên nhiên vốn có của tỉnh nhà.

Mong chính quyền địa phương sẽ có những giải giải đúng đắn và hợp lý để không lãng phí nguồn tài nguyên và những thế mạnh hiện có của tỉnh nhà.

Tầm Nhìn TV sẽ tiếp tục thông tin về sự việc.

Nhóm PV (Tầm Nhìn)