Bình Thuận: Nên thận trọng trong việc cấp phép đầu tư ngành năng lượng

Những năm qua, tỉnh Bình Thuận đã có chủ trương quy hoạch các nhà máy điện gió và điện mặt trời. Tuy nhiên, đây là một ngành rất mới mẻ đòi hỏi các cơ quan chuyên môn đề xuất cấp phép các dự án tại tỉnh Bình Thuận phải hết sức thận trọng trước làn sóng đầu tư ồ ạt.

>>Bình Thuận: Quy hoạch ngành Du lịch cần tránh mở rộng diện tích để không lãng phí tài nguyên thiên nhiên

Đừng để cấp phép đầu tư cho các công ty tràn lan nhưng sau đó không chịu triển khai vì thiếu vốn, thiếu công nghệ, chiếm đất…làm ảnh hưởng đến môi trường đầu tư và các ngành nghề khác.Mời quý vị cùng theo dõi những thông tin cụ thể qua loạt phóng sự của Tầm Nhìn TV.

Trong thời gian qua, UBND tỉnh Bình Thuận đã có các văn bản chấp thuận chủ trương cho các nhà đầu tư đăng ký dự án điện mặt trời khảo sát, đo nắng, lập hồ sơ bổ sung quy hoạch điện lực, lập dự án đầu tư…

UBND tỉnh cũng đã có các tờ trình gửi Bộ Công thương đề nghị thẩm định, phê duyệt, điều chỉnh bổ sung quy hoạch phát triển điện lực tỉnh Bình Thuận giai đoạn 2011-2015 có xét đến năm 2020 cho các dự án điện mặt trời.

Đến nay đã có 78 dự án điện mặt trời trên địa bàn tỉnh, với 19 dự án điện mặt trời đã được Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công thương phê duyệt bổ sung quy hoạch phát triển điện lực quốc gia, quy hoạch phát triển điện lực tỉnh với tổng vốn đầu tư dự kiến 30.920 tỷ đồng.

Trong đó, UBND tỉnh Bình Thuận đã cấp quyết định chủ trương đầu tư cho 9 dự án với tổng vốn đầu tư dự kiến là 15.878 tỷ đồng. Còn lại 10 dự án đã được phê duyệt bổ sung quy hoạch, nhà đầu tư đã và đang lập, trình hồ sơ cấp quyết định chủ trương đầu tư.

47 dự án UBND tỉnh đã trình Bộ Công thương thẩm định, phê duyệt bổ sung quy hoạch phát triển điện lực tỉnh với tổng vốn đầu tư dự kiến là 76.548 tỷ đồng.

12 dự án đã lập xong hồ sơ bổ sung quy hoạch phát triển điện lực tỉnh với tổng vốn đầu tư dự kiến là 11.267 tỷ đồng.

Riêng điện gió có 19 dự án đã được UBND tỉnh chấp thuận chủ trương khảo sát, nghiên cứu, lập dự án đầu tư. Trong đó, có 12 dự án đã được UBND tỉnh cấp giấy chứng nhận đầu tư, 7 dự án đang hoàn hoàn chỉnh hồ sơ trình xin cấp quyết định chủ trương đầu tư.

Hiện nay mới chỉ có 3 dự án điện gió đi vào hoạt động, bao gồm: dự án Phong Điện 1 – Bình Thuận, dự án điện gió Phú Lạc, dự án điện gió đảo Phú Qúy và dự án điện gió Thuận Nhiên Phong đang triển khai thi công.

Ông Đỗ Minh Kính – Giám đốc Sở Công thương tỉnh Bình Thuận cho biết: “Tỉnh Bình thuận đã quy hoạch điện gió từ năm 2012 và đã triển khai cho đến nay.

Qua quá trình thực hiện đã có 3 dự án đã đầu tư xây dựng và đi vào hoạt động còn lại có 8 dự án đã được tỉnh cấp chứng nhận đầu tư, còn 7 trường hợp khác đang xem xét và làm các thủ tục để được cấp chứng nhận đầu tư.

Riêng phát triển điện mặt trời trên địa bàn, thực hiện chủ chương năng lượng tái tạo, tỉnh Bình thuận đã tiến hành xây dựng quy hoạch điện mặt trời giao cho sở công thương và đơn vị tư vấn đã hoàn chỉnh để trình cho bộ công thương phê duyệt.

Tuy nhiên, hiện nay bộ công thương cũng chưa phê duyệt tổng thể quy hoạch, chỉ mới tiến hành xem xét để phê duyệt bổ sung một số các nhà máy điện mặt trời ở trên địa bàn của tỉnh Bình thuận vào quy hoạch điện lực của tỉnh.

Thời gian vừa qua có rất nhiều nhà đầu tư đến đặt vấn đề là khảo sát để lập hồ sơ bổ sung huy hoạch cũng như tiến hành thủ tục đầu tư phát triển năng lượng mặt trời.

Cho đến hiện nay tỉnh đã chuyển cho bộ Công thương hơn 60 dự án, Bộ Công thương đã phê duyệt khoản 20 dự án điện mặt trời, trong đó UBND tỉnh cấp chủ chương đầu tư cho 11 dự án.

Hiện nay, các dự án chưa được chấp thuận chủ chương đầu tư thì tiếp tục tiến hành các bước quy hoạch thủ tục còn các dự án chấp thuận chủ chương đầu tư đang tiến hành các bước tiếp theo như là phải làm thiết kế cơ sở, các thủ tục đất đai, rồi phải đàm phán đấu nối, buôn bán điện cũng như đánh giá tác động môi trường, tiến đến xin giấy phép xây dựng, rồi tiến hành khởi công xây dựng thì số này hiện nay đang xúc tiến.”

Với làn sóng đăng ký đầu tư ồ ạt còn hiệu quả thì vẫn còn là một ẩn số, song đối với Việt Nam thì Năng lượng tái tạo, điện gió, điện mặt trời là 1 lĩnh vực mới nên việc phát triển ngành này hiện đang còn gặp rất nhiều khó khăn trở ngại.

Bên cạnh đó việc cấp phép đầu tư tràn lan như hiện nay sẽ dẫn đến rất nhiều bất cập làm ảnh hưởng đến môi trường đầu tư. Cụ thể các doanh nghiệp khi được cấp phép không có vốn để triển khai, thiếu hiểu biết về công nghệ, quản lý…

Liệu với những khó khăn trở ngại đặc trưng của lĩnh vực này, tỉnh Bình Thuận có kiểm soát nổi việc xây dựng và phát triển khi cấp phép ồ ạt cho các dự án triển khai?

Tầm Nhìn TV sẽ tiếp tục chuyển đến quý vị thông tin về những khó khăn trở ngại lớn nhất trong việc xây dựng và phát triển lĩnh vực này trong phóng sự tiếp theo. Mời quý vị cùng quan tâm theo dõi.

Nhóm PV