Bộ Tài chính nói gì về việc sử dụng tiền thoái vốn doanh nghiệp?

Dây chuyền sản xuất bia Sài Gòn tại nhà máy bia Sabeco 187 Nguyễn Chí Thanh, TPHCM. Ảnh: Nhật Minh.

Liên quan tới việc thoái vốn nhà nước tại các doanh nghiệp (DN) lớn, sau đó các DN này rơi vào tay nhà đầu tư nước ngoài, như trường hợp TCty CP Bia – Rượu – Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco) vào tay nhà đầu tư Thái Lan kiểm soát, chúng tôi có cuộc trao đổi với ông Đặng Quyết Tiến, Cục trưởng Tài chính DN (Bộ Tài chính).

Thưa ông, sau việc thoái vốn nhà nước tại Sabeco, có nhiều ý kiến cảm thấy xót xa, tiếc nuối vì thương hiệu lớn của Việt Nam sau bao năm “chăm bẵm” lại rơi vào tay nhà đầu tư nước ngoài, nhà đầu tư trong nước ra rìa, còn ông nghĩ sao?

Trong cuộc chơi này, ai có tiềm lực mạnh hơn người đó sẽ mua được DN lớn. Trước khi thực hiện đấu giá, Chính phủ đã kêu gọi cả nhà đầu tư trong và ngoài nước, không phân biệt ai, và sau đó đấu giá công khai. DN trong nước chúng ta vẫn khuyến khích phát triển, nhưng thương vụ lớn như Sabeco phải có nhà đầu tư tiềm lực lớn mới mua với giá cao như vậy. Chúng ta thoái vốn theo cơ chế thị trường, tất cả cùng có cơ hội đấu giá, giờ nhà đầu tư ngoại họ trả giá cao và mua được thì ta phải chấp nhận. Và chúng ta có khoản tiền lớn dành cho đầu tư phát triển.

Việt Nam cũng có không ít người có tiềm lực lớn, nhưng họ không kinh doanh bia nên không tham gia. Tiếc nuối thì ai cũng tiếc, nhưng tiếc cũng phải phục vụ cho mục tiêu phát triển. Còn tiếc nuối mà ôm cái cũ, không tạo ra gì cho người dân, đất nước không phát triển được thì chúng ta phải chấp nhận kêu gọi nhà đầu tư nước ngoài.

Nhiều ý kiến nghi ngại sau này các thương hiệu DN nhà nước lớn mạnh sẽ bị nước ngoài thâu tóm hết, còn ông nghĩ sao?

Với thương hiệu truyền thống và lớn mạnh phải tạo ra giá trị gia tăng tốt hơn. Một thương hiệu quốc gia lớn mạnh phải ra được thế giới, được thế giới thừa nhận, không chỉ Việt Nam biết. Với sự tham gia của nhà đầu tư lớn, Sabeco có thể mở rộng thị trường ra thế giới, không chỉ riêng Việt Nam. Đây cũng là động lực của Chính phủ khi thoái vốn.

Ngoài ra, hiện đã tới lúc Chính phủ rút lui khỏi các lĩnh vực thành phần kinh tế khác làm được, không thể cứ ôm bia, sữa mãi được. Cũng mong trong tương lai các nhà đầu tư Việt Nam lớn mạnh có thể mua lại các thương hiệu này.

Ông Đặng Quyết Tiến,Cục trưởng Tài chính DN (Bộ Tài chính)

Có người cho rằng, nhà nước nên thoái vốn ở các DN kém hiệu quả, ít hấp dẫn trước, các DN tốt sẽ bán sau để tránh một số DN kém không bán được?

Giờ không phải thoái vốn anh nhỏ hay lớn, hiệu quả hay không, mà sẽ thoái theo danh mục đã được Chính phủ công bố. Ngay cả DN lớn, có hiệu quả Chính phủ cũng sẵn sàng mở cửa kêu gọi nhà đầu tư, đây là mong muốn và cam kết của Chính phủ. Do đó, chúng ta cũng phải thay đổi tư duy là đem cái xấu bán, còn cái tốt không bán. Vì DN kém chúng ta còn không làm cho nó tốt được, nhà đầu tư họ còn vào làm gì. Chưa kể, DN lúc này hiệu quả, nhưng tương lai ai dám chắc sẽ hiệu quả mãi. Do đó, Chính phủ sẽ không ôm các DN ở các lĩnh vực thành phần kinh tế khác làm được, Chính phủ tập trung vào kiến tạo và phục vụ người dân.

Nếu thoái vốn ở DN tốt mang lại hiệu quả cao và có nguồn lực lớn cho đầu tư phục vụ người dân tốt hơn thì càng phải bán. Nhưng chúng ta không bán bằng mọi giá.

Với các thương hiệu lớn, sau thoái vốn nhà nước có cơ chế gì để bảo vệ thương hiệu Việt?

Trước khi chào bán, các nhà đầu tư đăng ký tham gia đều phải cam kết giữ lại các thương hiệu Việt. Nhà đầu tư nếu không thực hiện đúng cam kết sẽ có cơ chế để xử lý. Nhà đầu tư trong hay ngoài nước đều phải tuân thủ pháp luật, vì quyền lợi người dân Việt Nam, nhà nước bảo hộ các quyền đó. Nhà đầu tư nước ngoài họ tuân thủ các quy định đó thì không có lý do gì chúng ta cấm người ta được, cũng không ưu ái gì. Không phải vì nhà đầu tư Việt Nam không mua được mà đánh đổi quyền lợi người dân và không bán cho nước ngoài.

Số tiền lớn thu được sau thoái vốn nhà nước tại DN, như hơn 4,8 tỷ USD tại Sabeco, nhà nước sẽ sử dụng ra sao thưa ông?

Toàn bộ số tiền thu được từ thoái vốn nhà nước sẽ dùng chi cho đầu tư phát triển, an sinh xã hội (như giáo dục, y tế). Giai đoạn 2016-2020, Quốc hội giao kế hoạch thoái vốn nhà nước thu về 250.000 tỷ đồng. Số tiền thu về chi cho kế hoạch năm 2017 là 60.000 tỷ đồng, năm 2018 là 65.000 tỷ đồng, đều có địa chỉ chi cả. Số tiền thu được sau thương vụ Sabeco và Vinamilk tới nay được khoảng 120.000 tỷ đồng, sẽ dùng chi đầu tư phát triển theo các kế hoạch đã được Quốc hội phê duyệt và giám sát. Từ đó tạo xung lực cho nền kinh tế, khuyến khích khởi nghiệp…

Có ý kiến bày tỏ lo ngại rằng, số tiền thu được từ thoái vốn sẽ dùng để trả nợ hoặc bù thâm hụt ngân sách, liệu điều này có xảy ra không, thưa ông?

Không có chuyện dùng vốn đó trả nợ công hay chi thường xuyên. Tiền thu được từ thoái vốn giai đoạn trước đây, một phần dùng chi cho nông thôn mới, một phần xây dựng Bệnh viện Bạch mai cơ sở 2, Ung thư cơ sở 2 ở Hà Nam, Chợ Rẫy ở TPHCM, hay dự án chống ngập cho TPHCM… Các công trình này đều sắp đưa vào sử dụng, sẽ chăm lo cho người dân tốt hơn.

Cảm ơn ông!

‘Số tiền thu được sau thương vụ Sabeco và Vinamilk tới nay được khoảng 120.000 tỷ đồng, sẽ dùng chi đầu tư phát triển theo các kế hoạch đã được Quốc hội phê duyệt và giám sát. Từ đó tạo xung lực cho nền kinh tế, khuyến khích khởi nghiệp…’, Ông Đặng Quyết Tiến,Cục trưởng Tài chính DN (Bộ Tài chính)

 

Theo Lê Hữu Việt

Tiền Phong