Bộn bề thủ tục cất cánh cho hãng hàng không Tre Việt

BAL dự kiến đội bay sử dụng là 3 chiếc vào năm 2019, 10 chiếc vào năm 2030.

Hãng hàng không Tre Việt – Viet Bamboo Airlines vẫn ở trong chặng đầu của hành trình hoàn tất các điều kiện pháp lý khá phức tạp của cả Luật Đầu tư và Luật Hàng không để có thể cất cánh vận hành thương mại.

Điều kiện cần

Theo thông tin của Báo Đầu tư, Bộ Giao thông – Vận tải (GTVT) vừa hoàn tất việc tham gia ý kiến về Dự án Vận tải hàng không Tre Việt (Dự án Tre Việt) của Công ty TNHH Hàng không Tre Việt (Viet Bamboo Airlines – BAL), công ty thành viên của Tập đoàn FLC.

Tại Văn bản số 66/BGTVT – VT, Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ khẳng định, việc UBND tỉnh Bình Định đề nghị Bộ tham gia ý kiến Dự án Tre Việt của BAL là phù hợp với quy định của Luật Đầu tư.

Bộ GTVT cũng xác nhận, Hồ sơ đề nghị thực hiện dự án đầu tư của BAL đã có các giấy tờ theo quy định của Luật Đầu tư và Nghị định số 118/2015/NĐ-CP ngày 12/11/2015 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Đầu tư. Tuy nhiên, hồ sơ của Công ty Tre Việt còn thiếu nội dung cam kết hỗ trợ tài chính của công ty mẹ, cam kết hỗ trợ tài chính của tổ chức tài chính, bảo lãnh về năng lực tài chính của nhà đầu tư và báo cáo đánh giá tác động môi trường.

Cần phải nói thêm rằng, Bộ GTVT là cơ quan quản lý nhà nước cuối cùng cho ý kiến về dự án này. Cuối tháng 12/2017, trong văn bản tham gia ý kiến, Bộ Tài chính cho rằng, Hồ sơ đề xuất dự án của BAL mới chỉ đề cập các mục tiêu của Dự án, trong khi việc đánh giá hiệu quả kinh tế – xã hội và hiệu quả tài chính còn sơ sài.

“Mục đích chính của BAL là vận chuyển khách du lịch, hàng hóa đi/đến và kết nối các địa điểm du lịch của Tập đoàn FLC. Như vậy, hoạt động của BAL phụ thuộc vào kế hoạch và kết quả kinh doanh của FLC. Đây là điểm cần phải làm rõ trong Hồ sơ đề xuất Dự án của BAL”, Thứ trưởng Bộ Tài chính Huỳnh Quang Hải đề nghị. BAL cũng được đánh giá là chưa làm rõ năng lực, khả năng cạnh tranh, nhất là khi thị trường vận tải nội địa đã có 4 hãng hàng không là Vietnam Airlines, Jetstar Pacific, Vietjet Air và Vasco đang khai thác hiệu quả các đường bay trong nước và quốc tế.

Trước đó, UBND tỉnh Bình Định đã có công văn đề nghị các bộ, ngành tham gia ý kiến đối với Dự án để Bộ Kế hoạch và đầu tư có cơ sở tổ chức thẩm định. Cụ thể, Dự án của BAL xin phép đầu tư trong lĩnh vực vận tải hàng không phạm vi quốc tế và nội địa. BAL dự kiến sử dụng cảng hàng không Phù Cát làm sân bay căn cứ với số lượng đội bay sử dụng là 3 chiếc vào năm 2019, 10 chiếc vào năm 2030.

Điều kiện đủ

Theo các chuyên gia, ngay cả khi đã chỉnh sửa, đáp ứng đủ các yêu cầu của Bộ Tài chính, để có thể bay được, BAL vẫn phải thỏa mãn tiếp hàng loạt các điều kiện pháp lý khác.

Cụ thể, theo yêu cầu tại Điều 30 và 31, Nghị định số 118/2015/NĐ-CP ngày 12/11/2015 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Đầu tư, một trong các yêu cầu là dự án đầu tư phải phù hợp với quy hoạch phát triển ngành.

Tại thời điểm hiện tại, Quy hoạch Phát triển giao thông vận tải hàng không giai đoạn đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030, được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 21/QĐ-TTg ngày 8/1/2009 (Quy hoạch số 21). Tại Mục II.3 của Quy hoạch xác định: “số lượng tàu bay đến năm 2020 từ 140-150 chiếc”.

“Trong khi đó, theo báo cáo của Cục Hàng không Việt Nam, đến hết tháng 12/2017, tổng số tàu bay của các hãng hàng không Việt Nam đã là 170 chiếc. Tức là, số lượng tàu bay hiện có đã vượt số lượng tàu bay được xác định tại Quy hoạch số 21”, Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ phân tích.

Hiện Vietstar Airlines, hãng hàng không có vốn điều lệ 800 tỷ đồng đã công bố kế hoạch bay từ đầu năm 2016 và nhiều lần nộp hồ sơ xin cấp phép bay, nhưng đến nay vẫn chưa được chấp thuận. Trong lần xin cấp phép gần nhất, Vietstar Airlines bị từ chối do phải chờ mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất.

May mắn cho BAL là trong những năm qua, hàng không Việt Nam phát triển rất nhanh, đòi hỏi phải điều chỉnh Quy hoạch Phát triển vận tải hàng không đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và theo Dự án Điều chỉnh Quy hoạch Phát triển giao thông vận tải hàng không giai đoạn đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030 (đã được Bộ GTVT trình Thủ tướng Chính phủ vào cuối năm 2017, nhưng chưa được phê duyệt), quy hoạch số lượng tàu bay khai thác giai đoạn đến năm 2020 đạt trên 220 tàu bay và đến năm 2030 đạt trên 400 tàu bay.

“Đề nghị Công ty Tre Việt tiếp tục nghiên cứu số lượng tàu bay hiện có, kế hoạch phát triển đội tàu bay của các hãng hàng không hiện có và đang xin cấp phép như Hãng hàng không Vietstar, để chọn thời điểm đầu tư nhằm đảm bảo tính khả thi của dự án và phù hợp với quy hoạch phát triển ngành”, lãnh đạo Bộ GTVT khuyến nghị.

Bên cạnh đó, theo quy định tại khoản 2, Điều 5, Nghị định số 92/2016/NĐ-CP về các ngành, nghề kinh doanh có điều kiện trong lĩnh vực hàng không (hướng dẫn Luật Hàng không), thì doanh nghiệp kinh doanh vận chuyển hàng không phải đáp ứng các điều kiện về phương án bảo đảm có tàu bay khai thác, tổ chức bộ máy, vốn, phương án kinh doanh và chiến lược phát triển sản phẩm được quy định tại Điều 6, 7, 8, 9 Nghị định số 92/2016/NĐ-CP.

Theo Bộ GTVT, qua hồ sơ dự án đầu tư của BAL cho thấy với quy mô chỉ có 700 tỷ đồng là vốn cố định, không có vốn lưu động, lỗ hai năm đầu (2019, 2020) là trên 4 triệu USD. Bộ GTVT khẳng định, Công ty sẽ không đủ điều kiện hoạt động kinh doanh vận tải hàng không do không đáp ứng điều kiện về mức vốn tối thiểu để thành lập và duy trì hoạt động vận tải hàng không tại Điều 8, Nghị định số 92/2016/NĐ-CP.

BAL được Sở Kế hoạch và Đầu tư Bình Định cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh vào tháng 5/2017 và có giấy xác nhận số dư tiền gửi của BAL tại Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam – Chi nhánh Thanh Xuân thời điểm ngày 21/8/2017 là 700 tỷ đồng.

 

Theo Anh Minh
Báo Đầu Tư