Các tỉnh miền Tây đồng loạt ‘đóng cửa’, TP.HCM tính nguồn cung ứng hàng hóa ra sao?

Thời gian tới nếu các địa phương miền Tây đồng loạt áp dụng chỉ thị 16 thì việc mua hàng và vận chuyển sẽ khó hơn. Vậy TP.HCM sẽ tìm nguồn cung hàng hóa như thế nào?

Phát biểu tại cuộc họp báo diễn ra chiều 16-7 tại TP.HCM, ông Nguyễn Nguyên Phương – phó giám đốc Sở Công thương – cho biết trong tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, Sở Công thương không chỉ gặp khó khăn trong việc vận chuyển hàng hóa mà còn gặp khó khăn trong việc thu mua, thu hoạch, sơ chế, chế biến hàng hóa.

Họp báo cung cấp thông tin về tình hình dịch COVID-19 – Ảnh: THẢO LÊ

Theo đó, hiện nay nhiều nơi thực hiện các biện pháp quá khắt khe như áp dụng biện pháp giãn cách xã hội, một số nơi đã không cho phép thực hiện thu hoạch.

Sở Công thương cho rằng Trung ương cần có sự thống nhất phương án hành động giữa các tỉnh, tránh việc mỗi nơi làm mỗi kiểu ảnh hưởng đến việc cung ứng hàng hóa.

Bên cạnh đó, thời gian qua, TP cũng đã ưu tiên tiêm vắc xin cho người sản xuất, vận chuyển hàng hóa. Ông Phương cho rằng các địa phương khác cũng cần có sự ưu tiên này để thuận lợi hơn trong việc sản xuất, cung ứng hàng hóa.

Theo ông Phương, nhiều tỉnh miền Tây đã thực hiện giãn cách theo chỉ thị 16 và trong thời gian tới nếu các địa phương đồng loạt áp dụng chỉ thị 16 thì việc mua hàng và vận chuyển sẽ khó hơn.

Do đó, Sở Công thương cũng đang rà soát các nơi cung ứng, chủ động liên hệ với các doanh nghiệp cung ứng ở những tỉnh phía Đông, Tây Nguyên, phía Bắc để chủ động nguồn hàng khi các tỉnh miền Tây “đóng cửa”.

Phó giám đốc Sở Công thương Nguyễn Nguyên Phương – Ảnh: TRUNG TÂM BÁO CHÍ TP.HCM

Bên cạnh đó, Sở Công thương cũng đề xuất TP có chính sách để các doanh nghiệp bình ổn kịp thời có nguồn vốn để dự trữ hàng hóa.

Liên quan đến năng lực cung ứng hàng hóa, phó giám đốc Sở Công thương cho rằng cho đến nay, TP chỉ còn 46 chợ truyền thống hoạt động.

Với một số mặt hàng, năng lực cung ứng của chợ truyền thống chiếm đến 60-70%, do đó khi các chợ truyền thống dừng hoạt động, các hệ thống mua sắm đã đẩy công suất hàng lên tối đa nhưng vẫn không đủ năng lực cung ứng, dẫn đến việc người dân xếp hàng dài chờ mua hàng.

Sở Công thương phải huy động các doanh nghiệp, hệ thống khác để phân phối hàng hóa. Tuy nhiên giải pháp căng cơ là phải nghiên cứu rà soát mở lại các chợ truyền thống.

Theo ông Phương, nếu mở cửa trở lại, chợ truyền thống sẽ không mở cửa toàn bộ mà chỉ ưu tiên bán các mặt hàng thiết yếu trên cơ sở lựa chọn một số tiểu thương.

Ông Phương cho biết hiện nay TP thiếu hệ thống phân phối khi 3 chợ đầu mối tạm ngưng hoạt động, vì thế nếu 3 chợ này hoạt động trở lại, các thương lái quay lại, dựa vào khả năng thu mua của mình, “thì nguồn hàng sẽ không thiếu”.

Năng lực cung ứng hàng hóa của siêu thị, cửa hàng tiện lợi… chỉ chiếm 25%

Người dân mua sắm tại siêu thị Emart Gò Vấp – Ảnh: DUYÊN PHAN

Trước đó, chiều 16-7, Phó bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Hồ Hải chủ trì cuộc họp về kết quả triển khai thực hiện đảm bảo an sinh xã hội, chăm lo cho người nghèo, người yếu thế khi thực hiện chỉ thị số 16 của Thủ tướng trên địa bàn TP.

Báo cáo về tình hình cung ứng hàng hóa trên địa bàn TP, ông Nguyễn Nguyên Phương cho biết năng lực cung ứng hàng hóa của chợ truyền thống tới 70%.

Trong khi đó năng lực cung ứng của các kênh phân phối hiện đại (siêu thị, cửa hàng tiện lợi…) là 25%, còn lại là các kênh phân phối khác.

Tuy nhiên, do ảnh hưởng của dịch bệnh, TP đã tạm dừng hoạt động 3 chợ đầu mối và hơn 2/3 số chợ truyền thống (chỉ còn 48/234 chợ còn hoạt động). Năng lực cung ứng hàng hóa hiện tại của các chợ truyền thống không bằng 1/5 so với bình thường, từ đó việc cung ứng hàng hóa đè nặng lên hệ thống phân phối hiện đại.

Cũng theo ông Phương, nguồn cung hàng hóa bị đứt gãy do năng lực của các hệ thống phân phối chỉ đáp ứng cho nhu cầu mua sắm của người dân nhưng chưa tính toán được nhu cầu dự trữ hàng hóa cùng lúc.

“Tôi lấy ví dụ mặt hàng trứng gia cầm, người dân miền Tây gần như không dự trữ nhiều, tuy nhiên khi các địa phương thực hiện giãn cách thì người dân bắt đầu thu mua và dự trữ. Các mặt hàng tươi sống khác cũng vậy, dẫn tới việc cung ứng cho TP.HCM giảm, không kịp đáp ứng nhu cầu của người dân TP” – ông Phương phân tích.

Ông Phương cho biết Sở Công thương đã kêu gọi các doanh nghiệp logistics, các doanh nghiệp có hệ thống phân phối các cửa hàng để cùng tham gia bán hàng, cung ứng cho người dân như VnPost, ViettelPost, Biti’s… Hiện có khoảng 754 điểm bán đã đăng ký.

Lãnh đạo Sở Công thương đề xuất 2 phương án, một là phương pháp bán hàng đăng ký trước. Cụ thể, các hệ thống phân phối sẽ thông tin cho địa phương danh mục hàng hóa, số lượng, giá cả. Từ đó, địa phương sẽ thông tin lại cho từng hộ dân trong khu phố để đăng ký. Từ đăng ký này, nhà cung cấp sẽ chuẩn bị nguồn hàng để chuyển đến cho người dân.

Phương án thứ hai, trường hợp các quận huyện nhận thấy các chợ truyền thống có nguy cơ lây nhiễm cao, cần phải xem xét đóng cửa thì tìm mặt bằng gần đó để bố trí các điểm bán lưu động, đồng giá, thông tin cho người dân thời gian, số lượng, chủng loại và giá. Người dân chỉ việc đến mua hàng theo thời gian đã hẹn trước.

“Mới đây, khi làm việc với một số quận huyện, Sở Công thương cũng đề xuất tận dụng các chợ truyền thống đang tạm đóng cửa. Chúng ta chọn một số ít tiểu thương kinh doanh rau củ. Tổ chức cho họ lấy hàng và yêu cầu họ thông báo lại cho địa phương biết lượng hàng, giá cả trong ngày.

Hàng hóa mỗi ngày sẽ đóng gói, khối lượng, giá cả như nhau. Sau đó chính quyền địa phương sẽ thông tin cho người dân, phát phiếu hẹn cho mỗi gia đình cử đại diện đến mua” – ông Phương đề xuất.

Phó bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Hồ Hải đề nghị Sở Công thương cố gắng trao đổi với các tỉnh để giải quyết tình trạng nông sản không thể đến được với TP.HCM.

“Về việc này tôi rất mong muốn Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể phát huy vai trò, mỗi tuần có thể chọn 2-3 buổi để đứng ra tổ chức mua bán rau củ, hàng hóa thiết yếu cho người dân mà không làm tốn thêm sức lực của phường. Đảm bảo làm sao 1 phường ít nhất có 1 điểm mua bán” – ông Hồ Hải đề nghị.

Theo Tuoitre