Campuchia đe dọa vị trí ‘cường quốc điều’ của Việt Nam?

Tại một cơ sở chế biến hạt điều ở Việt Nam - Ảnh: T.MẠNH

Việt Nam hỗ trợ kỹ thuật để Campuchia trồng 500.000ha điều trong 10 năm tới, nhưng rất có thể ngành xuất khẩu trị giá 3,5 tỉ USD trong năm 2017 bị đe dọa.

Theo Vinacas, kim ngạch xuất khẩu hạt điều của Việt Nam trong năm 2017 đạt trên 3,5 tỉ USD, tăng khoảng 20% so với năm 2016. Như vậy, Việt Nam vẫn là quốc gia sản xuất và xuất khẩu điều đứng đầu thế giới năm thứ 12 liên tiếp.

Tuy nhiên, ngành điều đang đối mặt bài toán thiếu nguyên liệu khi phải nhập khẩu chủ yếu từ châu Phi. Ông Hồ Ngọc Cầm, giám đốc Công ty xuất nhập khẩu nông sản Phương Minh, cho biết mua điều của châu Phi rất rủi ro.

Chỉ trong vòng 3-4 năm qua, giá điều thô của châu Phi bán cho Việt Nam tăng từ 1.000 USD/tấn lên mức 2.200-2.300 USD/tấn như hiện nay.

“Gần đây, các doanh nghiệp Việt Nam mua hạt điều châu Phi về chế biến để có việc làm chứ lợi nhuận không có”, ông Cầm nói.

Theo các doanh nghiệp, hạt điều từ châu Phi có thể sẽ tiếp tục bị “làm giá”, còn chi phí vận chuyển – giao nhận lên đến 70-80 USD/tấn trong khi ở Campuchia chỉ hơn 10 USD.

Ông Nguyễn Đức Thanh, Chủ tịch Vinacas, cho biết năng lực chế biến điều của VN sẽ sớm đạt 2 triệu tấn/năm.

Trong khi đó, sản lượng điều trồng tại Việt Nam chỉ ở mức 300.000-350.000 tấn/năm, vì thế việc sớm tìm ra một nguồn nguyên liệu ngoài châu Phi là rất có lợi.

Ông Hồ Ngọc Cầm cũng cho rằng chiến lược lâu dài cho ngành điều Việt Nam là phải lấy Campuchia làm thị trường số 1 để nhập khẩu hạt điều, thay vì châu Phi.

Tại cuộc họp với Vinacas hồi đầu tháng 12-2017, ông Hean Vannhorn – Tổng cục trưởng Tổng cục Nông nghiệp (Bộ Nông lâm ngư nghiệp) Campuchia – rất tự tin nói nước này có đầy đủ mọi yếu tố để phát triển 500.000ha điều, thậm chí hơn.

Theo vị này, nếu năm 2014 chỉ có 30% điều thô Campuchia xuất qua Việt Nam thì nay đã lên tới 98%, vì thế các doanh nghiệp Việt Nam muốn hợp tác phát triển vùng nguyên liệu có thể yên tâm đầu tư.

Theo ông Lê Quang Luyến, Chủ tịch HĐQT Công ty Phúc An (Bình Phước), chính sách của Campuchia cũng định hướng phát triển cây điều và kỹ thuật canh tác điều cũng ở mức “khá cao”.

“Chúng tôi đi tham quan thấy nhiều vườn điều của họ trồng tốt hơn ở Việt Nam do lợi thế đất rộng, bằng phẳng nên dễ chăm sóc và quản lý”, ông Luyến nói.

Trước băn khoăn việc hỗ trợ Campuchia trồng điều có làm mất vị thế ngành điều Việt Nam như Ấn Độ trước đây, ông Thanh cho rằng ngành điều Việt Nam ở vị thế rất mạnh về công nghệ và sức cạnh tranh, đã chuyển sang chế biến sâu, không chế biến thô nữa.

“Đối thủ của chúng ta là Trung Quốc và Ấn Độ, còn Campuchia và châu Phi là đối tác”, ông Thanh nhận định.

Nhập 2,5 tỉ USD hạt điều nguyên liệu/năm

Việt Nam đã tụt xuống vị trí thứ 4 thế giới về sản lượng điều thu hoạch trong nước. Năm 2017, các doanh nghiệp phải bỏ ra hơn 2,5 tỉ USD để nhập khẩu trên 1,3 triệu tấn điều thô về chế biến.

Để hiện thực hóa kế hoạch phát triển nửa triệu hecta điều ở Campuchia, tổ công tác, nghiên cứu, hỗ trợ phát triển điều Việt Nam – Campuchia của Vinacas đã được ra mắt.

Vinacas đã trao tặng nguồn kinh phí 1,5 tỉ đồng hỗ trợ phát triển 1 triệu cây điều tại Campuchia trong giai đoạn 2018-2022.

 

Theo Trần Mạnh

Tuổi Trẻ