Căng thẳng Trung-Mỹ, Covid-19 khiến công ty Mỹ ‘hết ham’ nguồn cung ứng Trung Quốc

Khốn đốn với chiến tranh thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc, đồng thời lại phải nghĩ cách đối phó với ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, đại đa số các doanh nghiệp Mỹ đang tìm nguồn cung ứng ngoài Trung Quốc.

Tuy nhiên, với việc phần lớn các nước trên thế giới vẫn đang trong tình trạng “bế quan tỏa cảng” vì Covid-19, và số lượng thị trường có khả năng cạnh tranh với Trung Quốc về chất và lượng chỉ đếm trên đầu ngón tay, các chuyên gia kinh tế nhận định việc thay Trung Quốc không dễ như “bật tắt công tắc”.

Khảo sát từ 200 tập đoàn có hoạt động dựa vào nguồn cung ứng toàn cầu của hãng tư vấn Qima hồi tháng trước cho thấy 95% công ty Mỹ đã có kế hoạch tìm nguồn cung ứng mới ngoài Trung Quốc vì lo ngại cho tình hình căng thẳng hiện tại, cũng như lo ngại về sự bất ổn trong quan hệ giao thương với Bắc Kinh trong tương lai.

Khảo sát của Qima cũng chỉ ra chưa tới phân nửa các tập đoàn châu Âu được phỏng vấn có động thái tương tự, chứng tỏ lo ngại nói trên chỉ xuất phát từ căng thẳng giữa Trung Quốc và Mỹ.

Trên thực tế, việc nhiều công ty quốc tế muốn tìm nguồn cung cấp giá rẻ hơn để thay thế Trung Quốc đã có từ nhiều năm qua; nhưng theo khảo sát, nhu cầu này đã tăng đột biến, đặc biệt là đến từ các tập đoàn sừng sỏ của Mỹ mà không có hàng hóa được sản xuất tại Trung Quốc. Điều này cho thấy mối quan hệ giữa hai nền kinh tế hàng đầu thế giới đang ngày càng xấu hơn.

Điều trớ trêu là ngành công nghiệp Trung Quốc lại đang hồi phục mạnh mẽ sau khi phải phong tỏa trong 2 tháng đầu năm vì dịch Covid-19, trong khi nhiều thị trường có thể thay thế lại vẫn đang loay hoay tìm cách khống chế dịch bệnh để mở cửa trở lại.

“Chúng tôi đã tư vẫn cho nhiều khách hàng, chủ yếu là doanh nghiệp Mỹ, tìm nguồn cung ứng mới trong suốt 2 năm qua. Căng thẳng Mỹ-Trung và virus corona đã làm tăng mạnh xu hướng này”, tờ South China Morning Post (Hồng Kông) dẫn lời ông Simon Archer Perkins, giám đốc hoạt động của hãng tư vấn cung ứng ET2C, cho biết.

“Tuy nhiên, hiện tại yêu cầu cấp bách hiện tại mà nhiều khách hàng quan tâm là làm sao thâm nhập vào các nước có nguồn cung ứng thay thế, khi mà họ (công ty khách hàng) không có chi nhánh nào ở quốc gia sở tại, đồng nghĩa với việc họ hoàn toàn không thể tiếp cận nguồn cung ứng đó trong thời buổi phong tỏa như hiện nay”, ông Perkins nói thêm.

Ông Julien Brun, lãnh đạo thuộc công ty tư vẫn nguồn cung ứng CEL, cho biết việc đi lùng nhà cung cấp nguyên vật liệu thích hợp có thể trở nên rất khó khăn. Đơn cử, Apple, Samsung và Nintendo đã rục rịch chuyển một số lượng lớn dây chuyền hoạt động từ Trung Quốc sang Việt Nam, vốn là quốc gia đang hồi phục rất mạnh mẽ sau khi kiểm soát được đại dịch.

Tuy nhiên, nước cờ như trên lại là một thách thức không nhỏ đối với các công ty có quy mô nhỏ hơn, đặc biệt là vào thời điểm hiện tại, theo ông Brun.

“Rất nhiều công ty muốn chuyển từ Trung Quốc sang Việt Nam, nhưng việc này có rất nhiều thách thức. Nó sẽ tốn thời gian”, ông Brun nói.

Số liệu từ Phòng Thương mại Mỹ Trung ở Thượng Hải vào tháng 5 cho thấy có đến 74,9% thành viên lo ngại việc cả 2 nước thi nhau tăng thuế đang ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động kinh doanh của họ. Hơn 40% đã hoặc cân nhắc dời nhà máy ra khỏi Trung Quốc.

Hans Till, một tư vấn viên về nguồn cung ứng tại Hồng Kông, cũng xác nhận ông gần đây nhận được nhiều yêu cầu từ các hãng Mỹ muốn tìm thị trường cung ứng thay thế Trung Quốc.

“Đa số thực sự chỉ nghĩ có thể thực hiện ngay (việc thay thế Trung Quốc), nhưng bạn không thể hoàn thành nó trong một ngày được. Làm thì cũng được thôi, nhưng không phải hôm nay rồi hôm sau nữa là xong. Ngày nay, mọi thứ rất mù mờ, nhiều người lo ngại về nguồn cung ứng, nhưng không có nhiều người có chiến lược cụ thể”, ông này bình luận.

Alan Scanlan, nhà sáng lập hãng tư vấn nguồn cung ứng Newlands Sourcing tại Hồng Kông, cho biết công ty của ông không nhận được yêu cầu di dời từ các khách hàng Mỹ, “vì Mỹ đang trong tình trạng phong tỏa và họ (các khách hàng) cũng chẳng thể đặt được hàng hóa gì”.

“Nhưng chuyện tìm nguồn cung ứng thay thế tốn rất nhiều thời gian, bạn cần phải tìm ra công ty cùng nhân công ở thị trường nước ngoài, rồi cho vận hành chạy thử… Nó là cả một quá trình phức tạp có thể tốn từ 6 đến 12 tháng”, ông Scanlan cho hay.

Minh Đức