Cổ phiếu

Cảnh giác với rủi ro kinh doanh Bitcoin

Thị trường tiền ảo dạng “coin” trong đó nổi bật nhất là đồng Bitcoin đang trở nên sôi động ở Việt Nam, tuy nhiên, hiện chưa có khái niệm rõ ràng về mặt pháp lý “coin” nói chung và Bitcoin nói riêng. Sức nóng của đồng tiền Bitcoin trở thành miếng mồi ngon cho những tên trộm hay những kẻ lừa đảo.

Ngày 27/11, Cơ quan an ninh điều tra Công an tỉnh Bắc Giang đã bắt Thân Thị Toan (50 tuổi, trú tại xã Nghĩa Trung, Việt Yên, Bắc Giang); Nguyễn Tuấn Giảng (63 tuổi, trú phường Thượng Đình, quận Thanh Xuân, Hà Nội) và Nguyễn Thị Thi (54 tuổi, trú phường Giang Biên, quận Long Biên, Hà Nội) về hành vi “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” thông qua hình thức huy động vốn đầu tư tiền Bitcoin. Bước đầu, các đối tượng thừa nhận đã tạo ra một trang web liên quan đến đồng tiền ảo để tuyên truyền, vận động mọi người tham gia sau đó chiếm đoạt tài sản.

Trao đổi với PV Tiền Phong, luật sư Trần Minh Hải – Giám đốc điều hành Cty Luật Basico cho rằng, khó có thể định nghĩa được Bitcoin là gì theo hệ thống pháp luật Việt Nam.

“Nếu Bitcoin là tiền, hoặc là phương tiện thanh toán thì NHNN có quyền cấm. Tuy nhiên, theo pháp luật Việt Nam, Bitcoin không phải là tiền như định nghĩa về tiền, cũng không nằm trong danh mục các phương tiện thanh toán đã được pháp luật về ngân hàng quy định (séc, ủy nhiệm chi, ủy nhiệm thu, thẻ ngân hàng…). Do vậy, nếu như chỉ coi Bitcoin là một dạng tài sản, một dạng hàng hóa, thì hoàn toàn không có quy định pháp luật nào cụ thể có nội dung cấm đào hay giao dịch Bitcoin” – luật sư Hải phân tích.

“Không giống như các đồng tiền quốc gia thông thường, với Bitcoin không xuất hiện vai trò của Nhà nước đứng trung gian giữa đồng tiền và người nắm giữ. Do vậy, khó có thể can thiệp vào giá trị của Bitcoin như in thêm tiền ồ ạt gây lạm phát. Có lẽ vì lý do này mà thị trường trong nước, quốc tế vẫn đang giao dịch Bitcoin. Do vậy, cần một quy định pháp luật dứt khoát cụ thể hướng dẫn về Bitcoin” – luật sư Hải nói.

Theo Thanh Hà

Tiền Phong