Cắt giảm điều kiện kinh doanh và “mặt sau” của những con số

Mặc dù các phương án cắt giảm đều đã đạt được mục tiêu nhưng, khi xem xét chi tiết hơn của từng phương án thì đôi khi "con số chỉ là con số"...

Chủ tịch Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam, ông Nguyễn Thanh Hưng đề nghị VCCI cần điểm ra mặt sau những con số cắt giảm điều kiện kinh doanh.

Điểm lại pháp luật kinh doanh 6 tháng đầu năm 2018 là hội thảo được Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức sáng 31/7 tại Hà Nội.

Theo báo cáo của VCCI thì đầu năm 2018 chứng kiến sự ra đời của nhiều nghị định, tháo gỡ nhiều khó khăn cho doanh nghiệp.

Đến tháng 6 năm nay, 11 bộ đã đưa ra rất nhiều phương án dự kiến cắt giảm, đơn giản hóa đều trên 50% tổng số điều kiện kinh doanh – phù hợp với mục tiêu của Chính phủ đặt ra từ đầu năm.

Đáng chú ý, có nhiều phương án đưa ra các đề xuất cắt giảm, đơn giản hóa một cách rất quyết liệt, trong đó con số bãi bỏ điều kiện kinh doanh khá cao.

Ví dụ phương án của Bộ Giao thông vận tải: tổng số điều kiện kinh doanh đối với ngành nghề kinh doanh có điều kiện trong lĩnh vực đường bộ là 127, đề xuất bỏ 80 điều kiện, sửa 7 điều kiện, đạt tỷ lệ 68,5%.

Hay tổng số điều kiện kinh doanh đối với các ngành nghề kinh doanh có điều kiện trong lĩnh vực đường thủy nội địa là 49, đề xuất bỏ 34, sửa 2, bổ sung 3, đạt tỷ lệ 67,34%;

Bảng thống kê tỷ lệ cắt giảm, đơn giản hoá cuả các bộ cũng cho thấy những con số không chỉ trên 60% mà còn trên 70%, cá biệt như Bộ Xây dựng có đến 89,4% điều kiện kinh doanh được đề nghị cắt giảm, đơn giản hoá.

Thế nhưng, một số ý kiến tại hội thảo cho rằng những con số thống kê tuyệt vời này chưa hẳn toàn là màu sáng.

Phó chủ tịch Hiệp hội kinh doanh vàng, ông Đinh Nho Bảng nói, danh mục ngành nghề kinh doanh có điều kiện của Luật Đầu tư 2014 có ba lĩnh vực của ngành này. Đó là kinh doanh mua, bán vàng miếng; sản xuất vàng miếng, xuất khẩu vàng nguyên liệu và nhập khẩu vàng nguyên liệu để sản xuất vàng miếng; sản xuất  vàng trang sức, mỹ nghệ.

Khi danh mục này được sửa đổi (có hiệu lực thi hành từ năm 2017) thì chỉ còn lại “kinh doanh vàng”. Một,  nhưng theo ông Bảng thì lại là tất cả. Trước thì chỉ ba lĩnh vực như trên, còn nay thì cả sản xuất và chế tác đều là kinh doanh có điều kiện, như vậy thì là cắt giảm hay mở rộng?, vị Phó chủ tịch Hiệp hội đặt vấn đề.

Ông Bảng cho biết, sau khi danh mục mới được thông qua thì Hiệp hội đã gửi công văn đến Chủ tịch Quốc hội, có ý kiến gửi VCCI nhưng từ cuối năm 2016 đến nay cũng chưa có thay đổi gì.

Ông Bảng cũng khẳng định là trong làn sóng cải cách hành chính doanh nghiệp vàng chưa được hưởng lợi gì cả.

Nhìn vào những con số thống kê giảm đến trên 50% điều kiện kinh doanh, Chủ tịch Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam, ông Nguyễn Thanh Hưng đề nghị VCCI cần điểm ra mặt sau những con số cắt giảm điều kiện kinh doanh. Bởi, nếu cứ đếm số lượng thì “buồn cười  kinh khủng”, như thực tế 3 là 3 còn 1 là tất cả vừa được vị Phó chủ tịch Hiệp hội vàng đề cập chẳng hạn.

Báo cáo của VCCI cũng chỉ ra rằng, mặc dù các phương án cắt giảm đều đã đạt được mục tiêu nhưng, khi xem xét chi tiết hơn của từng phương án thì đôi khi “con số chỉ là con số”.

Báo cáo phân tích, theo nghị quyết của Chính phủ thì tỷ lệ 50% được tính chung cho cả các điều kiện kinh doanh bị cắt giảm (bãi bỏ) và đơn giản hóa (sửa đổi). Có nghĩa, một điều kiện kinh doanh được bãi bỏ cũng được tính tương đương với một điều kiện được sửa đổi.

Điều kiện được sửa đổi, đơn giản hóa khá đa dạng: có những đề xuất chỉ sửa đổi một vài câu chữ trong khi bản chất không thay đổi/tính chất đơn giản hóa không đáng kể; có những đề xuất có tính sửa đổi theo hướng hạ thấp điều kiện …

Khá nhiều những ví dụ minh chứng cho nhận định trên được dẫn tại báo cáo. Đơn cử, về điều kiện kinh doanh hàng miễn thuế, kho bãi địa điểm làm thủ tục hải quan, tập kết, kiểm tra, giám sát hải quan, quy định hiện hành là “có hệ thống camera đáp ứng các tiêu chí sau: quan sát được các vị trí của các kho bãi, địa điểm. Hình ảnh quan sát được vào tất cả các thời điểm trong ngày (24/24 giờ); dữ liệu về hình ảnh ca-mê-ra được lưu giữ tối thiểu 12 (mười hai) tháng; dệ thống camera được kết nối trực tiếp với cơ quan hải quan quản lý.

Còn đề xuất sửa đổi : “Có hệ thống camera đáp ứng kết nối trực tiếp với cơ quan hải quan quản lý. Hình ảnh quan sát được các vị trí trong cửa hàng miễn thuế vào tất cả các thời điểm trong ngày (24/24 giờ), dữ liệu về hình ảnh lưu giữ trong 12 tháng”.

Có thể thấy, điều kiện trước khi được đơn giản hóa và điều kiện được đơn giản hóa là không thay đổi đáng kể. Và đề xuất này được tính là 1 điều kiện được đơn giản hóa, VCCI bình luận.

Nguyên Vũ /VNeconomy