Hiện nay, nhiều lãnh đạo doanh nghiệp đang trong xu hướng rời nơi đã làm nên tên tuổi, sự nghiệp của mình để chọn thử thách mới là ngân hàng. Có nhiều lý do được đưa ra để lý giải cho xu hướng này.
>> Bà Thái Hương TH, ông Minh Himlam và ông Phú DOJI quyết chọn ngân hàng
Từ bỏ doanh nghiệp, quyết nắm ngân hàng
Mới đây, ông Dương Công Minh, Chủ tịch HĐQT Sacombank đã chính thức từ bỏ vị trí lãnh đạo ở nhiều doanh nghiệp khác để tập trung cho quá trình tái cơ cấu Sacombank. Cụ thể, ông Minh từ chức Chủ tịch HĐQT tại 4 công ty gồm CTCP Him Lam, CTCP Dụng cụ thể thao Bảo Long, CTCP Phát triển Xín Mần và CTCP Chứng khoán Liên Việt để làm Chủ tịch HĐQT tại Sacombank. Trước đó, tại Đại hội đồng cổ đông thường niên tổ chức hồi tháng 7/2017, ông Minh đã trúng cử vào HĐQT Sacombank và được bầu làm Chủ tịch ngân hàng này.
Việc rời ghế lãnh đạo tại các công ty khác của ông Dương Công Minh được cho là nhằm đáp ứng quy định tại Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Các tổ chức tín dụng có hiệu lực từ ngày 15/1/2018.
Theo đó, Chủ tịch HĐQT, Chủ tịch Hội đồng thành viên, Tổng giám đốc của tổ chức tín dụng không được đồng thời là Chủ tịch, thành viên HĐQT hoặc Chủ tịch, thành viên Hội đồng thành viên, Tổng giám đốc, Phó tổng giám đốc hoặc các chức danh tương đương của doanh nghiệp khác.
Theo ông Dương Công Minh, việc thôi chức ở Him Lam và những công ty do ông từng lãnh đạo sẽ không ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của các công ty này.
Không chỉ từng nắm vị trí chủ chốt tại nhiều doanh nghiệp, ông Minh từng là Chủ tịch HĐQT LienVietPostBank và đã từ nhiệm vì lý do cá nhân trước khi ngồi “ghế nóng” Sacombank. Để “dọn đường”cho việc ông vào HĐQT Sacombank, Him Lam đã bán gần 97 triệu cổ phiếu LienVietPostBank, tương đương 14,98% vốn điều lệ ngân hàng này. Việc thoái vốn cũng là để đáp ứng quy định về hoạt động ngân hàng, tránh tình trạng sở hữu chéo giữa các ngân hàng.
Không chỉ ông Dương Công Minh, mà nhiều lãnh đạo doanh nghiệp khác cũng đang đồng loạt rời bỏ chức vụ hiện tại để chọn vị trí điều hành cấp cao tại ngân hàng.
Chẳng hạn, ông Đỗ Minh Phú, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Doji vừa tuyên bố sẽ từ nhiệm chức vụ này để tiếp tục nắm giữ vị trí Chủ tịch HĐQT TPBank. Tương tự, ông Đỗ Quang Hiển, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn T&T và SHB cũng cho hay sẽ chọn ngân hàng và từ nhiệm tại Tập đoàn T&T.
“Bầu” Hiển cũng sẽ rút khỏi vị trí lãnh đạo cao nhất của nhiều công ty khác như Công ty Quản lý quỹ Sài Gòn – Hà Nội, Công ty Chứng khoán Sài Gòn – Hà Nội, Công ty Bảo hiểm Sài Gòn – Hà Nội.
Một doanh nhân tiếng tăm khác bà Thái Hương đã chính thức tuyên bố rời ghế Chủ tịch HĐQT Tập đoàn TH – chủ thương hiệu sữa TH True Milk sau 10 năm gắn bó và chọn làm Tổng giám đốc BacABank.
Bà Hương chia sẻ rằng, đã hoàn thành sứ mệnh tại Tập đoàn TH và đã đến lúc nhường lại cho lớp trẻ. Tuy nhiên, bà Hương cũng cho biết, sẽ tiếp tục giữ vai trò là người sáng lập, nhà cố vấn và sẽ giám sát bước đường phát triển tiếp theo của TH True Milk.
Mới đây, BacABank đã chính thức đưa 500 triệu cổ phiếu BAB của Ngân hàng lên sàn UPCoM với giá chào sàn 20.000 đồng/cổ phiếu. Tại BacABank, bà Hương kiêm giữ chức vụ Tổng giám đốc và Phó chủ tịch HĐQT, đang trực tiếp nắm giữ 4,325% cổ phần BacABank. Em gái của bà Hương cũng đang nắm giữ 0,384% cổ phần BacABank.
…và còn nhiều doanh nhân phải lựa chọn
Ở thời điểm hiện tại, còn khá nhiều “đại gia” đang ngồi ghế “nóng” Chủ tịch HĐQT ngân hàng, nhưng phía sau còn điều hành nhiều công ty khác. Đơn cử, ông Võ Quốc Thắng, Chủ tịch HĐQT KienLong Bank và Công ty Đồng Tâm; ông Vũ Văn Tiền Chủ tịch HĐQT ABBank và Tập đoàn Geleximco; bà Nguyễn Thị Nga, Chủ tịch HĐQT Seabank và Tập đoàn BRG; bà Lê Thị Băng Tâm, Chủ tịch HĐQT HDBank và Vinamilk…
Như vậy, các chủ doanh nghiệp sẽ phải đưa ra quyết định “đi hay ở” khi quy định mới chính thức có hiệu lực. Tuy nhiên, các lãnh đạo này vẫn còn thời gian để lựa chọn, bởi theo điều khoản chuyển tiếp của Luật Các tổ chức tín dụng sửa đổi, các lãnh đạo này có thể tiếp tục đảm nhận cả 2 vị trí đến hết nhiệm kỳ, hoặc hết thời hạn được bổ nhiệm tại ngân hàng. Trong khi đó, lãnh đạo cấp cao của nhiều ngân hàng cũng cho hay, sẽ đáp ứng yêu cầu trên khi hết nhiệm kỳ.
Theo quan điểm của Ủy ban Kinh tế Quốc hội, trên thực tế, việc một cá nhân đồng thời nắm giữ chức vụ lãnh đạo tại ngân hàng và doanh nghiệp đã phát sinh nhiều hệ lụy, ảnh hưởng xấu đến hoạt động ngân hàng và an toàn hệ thống.
Do đó, quy định mới nhằm thực hiện yêu cầu công khai, minh bạch, phòng chống rủi ro cho cả hoạt động tín dụng và sản xuất. Đó cũng là lý do các sếp ngân hàng phải lựa chọn, cho dù đó là cái nôi đã làm nên tên tuổi, sự nghiệp của họ trước khi gia nhập ngân hàng.
Đơn cử, tên tuổi ông Đỗ Minh Phú gắn liền với thương hiệu vàng Doji trong một phần tư thế kỷ, nơi hình thành phong cách doanh nhân và sự nghiệp của ông.
Trong khi đó, ở TPBank, ông mới gắn bó được 5 năm, song đây cũng là thời gian ông được trải nghiệm nhiều thách thức nhất và còn nhiều việc phải làm, bởi khi ông về, TBBank vẫn đang trong quá trình tái cấu trúc.
Có ý kiến cho rằng, lý do các doanh nhân chọn ngân hàng là bởi họ đã hoàn thành “sứ mệnh” tại doanh nghiệp và muốn dấn thân vào thử thách mới là ngân hàng.
Tuy nhiên, giới chuyên gia nhìn nhận, đa số chủ doanh nghiệp quyết chọn ngân hàng và từ bỏ doanh nghiệp là bởi để sở hữu được ngân hàng không hề dễ dàng, trong khi họ có thể gián tiếp điều hành doanh nghiệp bằng nhiều hình thức.
Trong khi đó, để minh bạch hóa hoạt động ngân hàng, các cơ quản lý quyết xóa sở hữu chéo trong hệ thống, cũng như các công ty “sân sau” của các ông chủ ngân hàng nhằm hạn chế rủi ro mà đã từng để lại nợ xấu lớn cho đến nay.
Theo Vân Linh
Đầu tư Chứng khoán