Là trung tâm gia công cho các mặt hàng Mỹ, thuế nhập khẩu từ cuộc chiến tranh thương mại Mỹ – Trung khiến các công ty Trung Quốc phải chuyển hướng xuất khẩu.
Tuần qua, 400 doanh nghiệp đã làm chứng trước Văn phòng Đại diện Thương mại Hoa Kỳ (USTR). Họ cố gắng bảo vệ sản phẩm được sản xuất tại Trung Quốc của mình khỏi mức thuế quan 25% khi nhập khẩu về nước. Trung Quốc là nơi gia công phần lớn các mặt hàng tiêu dùng, trong số đó có rất nhiều thiết bị thông minh. Những sản phẩm này không chỉ gắn bó với việc xây dựng những thành phố thông minh, mà còn giải quyết nhiều vấn đề về môi trường.
Tại thời điểm này, hàng hoá công nghiệp Trung Quốc vẫn là đối tượng hứng chịu các hành vi, biện pháp (hoặc hành động) trả đũa từ Mỹ. Theo Forbes, chính quyền Tổng thống Donald Trump chuẩn bị áp mức thuế 10% lên thêm 200 tỷ USD hàng nhập khẩu từ Trung Quốc. Một động thái có nguy cơ làm tổn thương ngành hàng tiêu dùng, thiết bị điện tử của chính quốc gia này.
Phân tích của tạp chí kinh tế trên cho thấy việc tăng giá nhân công tại Trung Quốc đang khiến các công ty chuyển hướng đến các quốc gia Đông Nam Á. Ông Nathan Resnick – Giám đốc điều hành Sourcify – nhận định ông Trump sẽ phải lưu ý vấn đề này, bởi việc doanh nghiệp rời khỏi Trung Quốc thì quyền lực của ông cũng sẽ ảnh hưởng.
Theo Resnick, một chuyên gia về các hoạt động kinh doanh trực tiếp giữa doanh nghiệp với nhau (B2B), chi phí nhân công tại Trung Quốc đang theo đà tăng lên, và các công ty ở đây đang tìm cách hướng nguồn hàng về các nước như Thái Lan, Philippines và Việt Nam.
Ví dụ đơn cử là Freitos, một công ty công nghệ có trụ sở tại Hong Kong, cung cấp dịch vụ hỗ trợ vận chuyển hàng hoá cho hàng trăm hãng tàu trên toàn thế giới. Theo giám đốc tiếp thị Etan Efrati, Freitos không có nhiều quan hệ gắn bó với Trung Quốc, nên nếu giá tại thị trường này tăng, công ty ông sẽ di dời đến nơi khác. Và với Efrati, Đông Nam Á sẽ là lựa chọn cho các doanh nghiệp trong bối cảnh thuế quan gây ảnh hưởng tới hàng tiêu dùng.
Ông đặc biệt nhấn mạnh: “Các dạng thuế quan này sẽ làm tăng nhu cầu ở những nơi như Việt Nam và Philippines”.
Tính tới nay, cuộc chiến thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc vẫn chưa có tín hiệu lạc quan hay hướng giải quyết khả thi nào. Việc này dĩ nhiên làm xáo trộn hoạt động, chuỗi cung ứng của rất nhiều doanh nghiệp liên quan. Dù vậy, một số doanh nghiệp cũng không thể giải quyết vấn đề bằng cách chuyển toàn bộ nhà máy của họ khỏi Trung Quốc. Họ cần thời gian và tiền bạc để làm điều đó. Đối với số khác, họ hướng đến việc xây dựng một bộ máy vận hành linh hoạt hơn.
/ Doanh nhân Sài Gòn Online