Văn phòng Chính phủ vừa chỉ đạo Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) “trao trả” dự án Khu công nghiệp (KCN) dịch vụ dầu khí Soài Rạp, tỉnh Tiền Giang về cho UBND địa phương này quản lý.
Chính phủ để nghị PVN “trao trả” dự án KCN Soài Rạp về UBND tỉnh Tiền Giang. Ảnh minh họa: baoapbac.vn |
Tại công văn số 8655/VPCP-CN về việc chuyển giao dự án KCN dịch vụ dầu khí Soài Rạp, tỉnh Tiền Giang do Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng ký ngày 11-9-2018, Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý với đề nghị của UBND tỉnh Tiền Giang về việc chuyển giao dự án về cho địa phương quản lý, khai thác.
Theo đó, UBND tỉnh Tiền Giang sẽ tổ chức thu hồi đất KCN dầu khí Soài Rạp theo đúng quy định pháp luật về đất đai, đầu tư và ý kiến chỉ đạo của Chính phủ, tức đồng ý về nguyên tắc việc chuyển giao nguyên trạng dự án cho tỉnh Tiền Giang để sử dụng theo đúng Quy hoạch phát triển các KCN ở Việt Nam đến năm 2015 và định hướng đến năm 2020 đã được phê duyệt tại Quyết định số 1107/QĐ-TTg ngày 21-8-2006 của Thủ tướng.
PVN có trách nhiệm giải quyết dứt điểm nghĩa vụ tài chính liên quan với Tổng công ty cổ phần xây lắp dầu khí Việt Nam; kiểm toán giá trị dự án bàn giao trước khi chuyển giao cho UBND tỉnh Tiền Giang.
Trước đó, Chính phủ cũng đã nhiều lần yêu cầu PVN chuyển giao dự án trên về cho UBND tỉnh Tiền Giang quản lý, khai thác, tuy nhiên, việc chuyển giao vẫn cứ đình trệ. Về nguyên nhân, theo Trung tâm xúc tiến đầu tư thương mại và du lịch tỉnh Tiền Giang, do vướng ở khâu thẩm định và xác định giá trị của dự án.
Tuy nhiên, hiện việc xác định giá trị dự án để chuyển giao về cho địa phương quản lý cơ bản đã thống nhất. Vì vậy, khả năng việc chuyển giao theo đề nghị lần này của Chính phủ liên quan dự án KCN Soài Rạp sẽ thành công.
Ông Trần Thanh Đức, Phó chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang trao đổi với báo chí liên quan đến việc tổ chức Hội nghị xúc tiến đầu tư mới đây cũng đã nhắc đến dự án nêu trên và cho biết địa phương sẽ nhận tiếp quản dự án để kêu gọi nhà đầu tư.
Được biết, tổng diện tích dự án KCN dịch vụ dầu khí Soài Rạp là khoảng 285 héc ta. Ban đầu dự án được xác định là nơi có vị trí thuận tiện trong việc phát triển nền kinh tế biển, đặc biệt cho ngành công nghiệp dầu khí Việt Nam, và cũng được xác định là địa điểm tập trung xây dựng các nhà máy chế tạo phục vụ cho ngành dầu khí như Nhà máy chế tạo ống thép dầu khí (PV Pipe), Nhà máy chế tạo bình bồn dầu khí, Nhà máy sản xuất kết cấu kim loại dầu khí, Nhà máy sản xuất que hàn dầu khí, Khu cảng dịch vụ tổng hợp…
Trung Chánh/SaigontimesOnline