Có hay không việc tăng trần, áp sàn giá vé máy bay giữa lúc đại dịch?

Covid-19 tác động rất nặng nề tới các hãng hàng không (Ảnh: Tiến Tuấn). 

Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Anh Tuấn cho biết, trong lúc dịch Covid-19 đang tác động lớn tới hoạt động đi lại của hành khách, gây ảnh hưởng rất nặng cho các hãng thì việc áp giá sàn phải đánh giá rất kỹ.

Không rõ…

Mới đây, một số thông tin cho rằng Vietnam Airlines vừa tái đề nghị nâng mức giá trần và áp dụng giá sàn, khung giá vé máy bay. Để có cơ sở nghiên cứu, áp giá sàn giá vé, Bộ Giao thông vận tải (GTVT) và Cục Hàng không Việt Nam sẽ tập trung làm rõ vấn đề chấp hành Luật Cạnh tranh và Luật Giá.

Vì vậy, trong tháng 8 này các hãng hàng không nội địa phải nộp báo cáo tới Cục Hàng không Việt Nam về việc chấp hành Luật Giá, Luật Cạnh tranh trên cơ sở đề xuất của Vietnam Airlines.

Trao đổi với PV Dân trí, đại diện Vietnam Airlines cho biết: “Chúng tôi không rõ thế nào, bởi chưa ai làm gì cả. Kiến nghị liên quan đến giá trần, giá sàn là từ năm trước”.

Trên thực tế, từ tháng 6, Bộ GTVT đã lập Tổ công tác để triển khai, làm việc với các hãng hàng không về chấp hành quy định của pháp luật về Luật Cạnh tranh, Luật Giá đối với giá dịch vụ vận chuyển hàng không nội địa.

Cụ thể, Tổ công tác có nhiệm vụ xây dựng kế hoạch, nội dung và làm việc với các hãng hàng không Việt Nam và kịp thời chấn chỉnh, xử lý vi phạm hoặc đề xuất xử lý vi phạm theo quy định của pháp luật.

Tổ công tác phải báo cáo kết quả làm việc về Bộ GTVT, trong đó làm rõ việc chấp hành các quy định của pháp luật về Luật Cạnh tranh, Luật Giá, đối với giá dịch vụ vận chuyển hàng không nội địa của các hãng hàng không Việt Nam; kiến nghị, đề xuất cấp có thẩm quyền về phương án xử lý những tồn tại, vướng mắc (nếu có).

Chiều 12/8, ông Phạm Văn Hảo – Phó cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam, Tổ trưởng Tổ công tác – nói với PV Dân trí rằng chưa rõ thông tin về nâng trần và áp giá sàn giá vé xuất phát từ đâu. Bởi Tổ công tác vẫn đang làm việc và chưa có kết quả.

Được biết, việc báo cáo về chấp hành quy định của pháp luật về Luật Cạnh tranh, Luật Giá đối với giá dịch vụ vận chuyển hàng không nội địa các hãng sẽ trực tiếp báo cáo lên 3 Bộ là Bộ GTVT, Bộ Công Thương, Bộ Tài chính. Sau khi các Bộ xem xét, đánh giá và cho ý kiến thì Cục Hàng không mới được giao nhiệm vụ thực hiện công tác tiếp theo (nếu có).

“Trong tình hình hiện nay, vấn đề Cục Hàng không quan tâm hàng đầu là công tác phòng, chống dịch Covid-19” – lãnh đạo Cục Hàng không nhấn mạnh.

Phải đánh giá kỹ các tác động

Chiều 12/8, trao đổi với PV Dân trí về thông tin nâng trần và áp sàn giá vé máy bay trong bối cảnh hiện nay, Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Anh Tuấn nói rõ: “Dịch Covid-19 tác động lớn tới việc đi lại của nhân dân, ảnh hưởng rất nặng tới các doanh nghiệp vận tải hàng không. Vì vậy, xem xét việc áp giá sàn phải đánh giá kỹ các tác động và các chủ thể liên quan”.

Trước những ý kiến lo ngại sẽ mất tính cạnh tranh nếu áp dụng sàn giá vé, Thứ trưởng Lê Anh Tuấn cho biết Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thể họp Chính phủ sẽ lĩnh hội tình thần của Chính phủ và chỉ đạo.

“Trong hoàn cảnh đặc thù do Covid-19, phải đánh giá tác động đầy đủ” – Thứ trưởng Bộ GTVT tái khẳng định về vấn đề liên quan đến áp sàn giá vé máy bay.

Thứ trưởng Bộ GTVT nhấn mạnh việc áp sàn giá vé máy bay phải đánh giá đầy đủ tác động và các chủ thể liên quan (Ảnh: Đỗ Linh).

Nêu quan điểm về giá vé và sự cạnh tranh, ông Bùi Doãn Nề – Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội doanh nghiệp hàng không Việt Nam (VABA) – cho rằng giá vé là một trong những yếu tố cạnh tranh giữa các doanh nghiệp hàng không, ngoài ra còn có những vấn đề khác như chất lượng, dịch vụ.

“Tôi cho rằng việc xây dựng giá là do các doanh nghiệp chủ động, nhưng giá vé có được khách hàng đón nhận không, đảm bảo yếu tố thị trường không lại là việc khác. Bởi bản thân thị trường hàng không đã mang tính cạnh tranh, không chỉ trong nước mà cạnh tranh với khu vực, với quốc tế.

Giá vé như thế nào thực chất là do cung – cầu, hãng đảm bảo được chất lượng phục vụ thì sẽ thu hút được hành khách. Bởi chính khách hàng sẽ là người đánh giá và đưa ra lựa chọn sử dụng dịch vụ của hãng hàng không nào. Nhà nước có nhiệm vụ kiểm soát và có cơ chế phù hợp. Nếu hãng nào có sự độc quyền thì Nhà nước sẽ có phương án xử lý” – ông Nề phân tích.

Phó Chủ tịch VABA cũng cho biết, đến nay VABA chưa nhận được thông tin từ các hãng về đề nghị tăng trần và áp giá trần vé máy bay cũng như thông tin phản ánh liên quan tới việc chấp hành quy định của Luật Cạnh tranh và Luật Giá của các hãng. Theo ông Nề, ở góc độ của hiệp hội, những vấn đề liên quan tới xung đột lợi ích của các doanh nghiệp thì hiệp hội sẽ trao đổi để các bên cùng giải quyết và cố gắng không tạo thêm xung đột lớn hơn.

“Tôi ủng hộ quan điểm áp dụng giá vé theo quy luật cung – cầu của thị trường và khuyến khích cạnh tranh, kể cả về chất lượng dịch vụ. Các hãng càng bay nhiều thì việc cạnh tranh càng tốt và khách hàng là người được hưởng lợi” – ông Nề nói và cho rằng “không thể muốn áp giá vé máy bay thế nào cũng được”.

Hiện nay, khung giá vé máy bay nội địa hạng phổ thông cơ bản được ban hành từ năm 2015, quy định giá trần theo cự ly của từng đường bay.

Giá vé áp dụng cho 5 nhóm đường bay với mức giá vé 1,6 – 3,75 triệu đồng/vé/chiều (tùy cự ly), chưa bao gồm các khoản phí và phụ thu khác. Các hãng hàng không xây dựng dải giá với nhiều mức (thông thường có 10 – 15 mức), tương ứng với các điều kiện, giai đoạn khai thác khác nhau.

Việt Nam hiện có 6 hãng hàng không là Vietnam Airlines, Pacific Airlines, Vasco, Vietjet Air, Bamboo Airways và Vietravel Airlines. Vì vậy, tính cạnh tranh giữa các hãng rất cao.

Theo Dantri