Covid-19: Các nước châu Á sẽ chọn vắc xin Trung Quốc hay Mỹ?

Nhiều nước trên thế giới hiện đang liên kết với các tập đoàn dược để có thể sở hữu những lô vắc xin ngừa Covid-19 đầu tiên. Hiện có khoảng 160 vắc xin đang được phát triển trên toàn cầu.

South China Morning Post cho biết một số quốc gia Châu Á đã quyết định chọn vắc xin sản xuất từ Trung Quốc hoặc hợp tác cùng phát triển vắc xin với tập đoàn dược phẩm của nước này, trong khi số khác chọn vắc xin của các tập đoàn dược phương Tây.

Indonesia, nền kinh tế lớn nhất Đông Nam Á, đã chọn phương án đầu. Cụ thể, từ tháng 4, công ty dược quốc doanh Bio Farma của nước này đã hợp tác với tập đoàn Sinovac (Trung Quốc) để phát triển vắc xin chống Covid-19. Vắc xin này theo dự kiến sẽ bước vào giai đoạn thử nghiệm thứ 3 vào cuối tháng 8 và nếu thành công, bước đầu sẽ có thể cho ra 250 triệu liều/năm.

Tương tự, Philippines, quốc gia đang phải ban bố lệnh phong tỏa lần 2 do số ca nhiễm tăng vọt, cũng đang nhắm đến vắc xin Trung Quốc.

Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte hồi tháng trước cho hay đã nhờ Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình ưu tiên giúp đảo quốc này có được những liều vắc xin đầu tiên.

Malaysia cũng đã ngỏ ý muốn mua vắc xin của Trung Quốc, mặc dù chính phủ nước này trước đó từng tuyên bố đang nhắm tới vắc xin của Mỹ và Anh.

Trong khi đó, trong số các nước chọn vắc xin phương Tây, Singapore đang tài trợ cho dự án nghiên cứu vắc xin ngừa Covid-19 của Arcturus Therapeutics, theo tờ South China Morning Post (Hong Kong). Vắc xin của hãng công nghệ sinh học Mỹ này hiện đã bước vào giai đoạn thử nghiệm trên người và nếu thành công, hãng sẽ cho xuất xưởng 30 triệu liều.

Ông Ooi Eng Eong, phó giám đốc chương trình dịch tể thuộc trường đại học y Duke-NUS (Singapore), đối tác của Arcturus, cho biết lô vắc xin đầu tiên nhiều khả năng sẽ vượt hơn số lượng mà Singapore cần và do đó, sẽ được chào bán cho các nước khác.

Hai tập đoàn dược Pfizer (Mỹ) và BioNTech (Đức) đã đồng ý sẽ bán cho Nhật Bản 120 triệu liều vắc xin mà họ đang phát triển vào nửa đầu năm 2021.

Còn tại Thái Lan, ông Siriroek Songsivilai, người đứng đầu Ủy ban Vắc xin Quốc gia Thái, cho biết nước này sẽ mua vắc xin của Pfizer, đồng thời đưa ra mức giá ước tính là khoảng 20 USD/ liều. Thái Lan hiện cũng đang phát triển vắc xin của riêng mình và đang nhắm đến cho ra mắt vào cuối năm 2021.

Kavitha Hariharan, lãnh đạo thuộc tập đoàn đa ngành Marsh & McLennan Advantage (Mỹ), nhận định an toàn và hiệu quả là 2 yếu tố hàng đầu mà các quốc gia trên thế giới dựa vào để lựa chọn vắc xin, nhưng cũng không thể bỏ qua yếu tố giá cả, đặc biệt là đối với các quốc gia đang phát triển với dân số đông đúc và có mức chi tiêu cho y tế tính trên đầu người khá thấp.

Vì sao vắc xin của Trung Quốc hoặc Nga không được đánh giá cao?

Hồi tháng trước, bác sĩ Anthony Fauci, chuyên gia dịch tể hàng đầu của Mỹ, cho rằng khó có khả năng Mỹ sẽ mua vắc xin của Trung Quốc hoặc Nga; vì theo ông, cách giám sát thẩm định dược phẩm của 2 nước này không minh bạch như của phương Tây.

“Tôi rất mong Trung Quốc và Nga thực sự có thử nghiệm vắc xin trước khi đưa ra sử dụng. Việc cứ đưa ra tuyên bố là đã có vắc xin trước khi tiến hành thử nghiệm thì thật là đáng lo”, ông Fauci nói trong phiên điều trần hồi cuối tháng 7.

Leong Hoe Nam, chuyên gia dịch tể Singapore, thì chỉ ra rằng lý do khiến nhiều người hoài nghi vào độ tin cậy của vắc xin Trung Quốc là do các tập đoàn dược nước này dính nhiều tai tiếng về chất lượng trong những năm gần đây.

Chẳng hạn, vào năm 2018, hãng dược Changchun Changsheng đã xuất bán hàng trăm ngàn liều vắc xin bạch hầu, uốn ván và ho gà kém chất lượng ra thị trường, khiến nhiều trẻ em bị liệt.

Còn đối với Nga, ông Leong cho rằng hoài nghi đến từ việc nước này không công khai được các nghiên cứu phát triển vắc xin. Các quốc gia trên thế giới thường cho công bố kết quả nghiên cứu lên báo đài, tạo điều kiện cho giới chuyên gia đưa ra ý kiến đánh giá.

Minh Đức