Cổ phiếu

CTCK nhận định thị trường 29/11: Tận dụng nhịp điều chỉnh để gia tăng tỷ trọng cổ phiếu

Áp lực chốt lời ở cả nhóm vốn hóa lớn và các nhóm vốn hóa trung bình khiến các chỉ số rung lắc mạnh và đà tăng của các chỉ số có thể sẽ tiếp tục thu hẹp trong thời gian tới. Tuy vậy, điểm tích cực là dòng tiền rút ra không đáng để và vẫn luân chuyển tốt trong các nhóm cổ phiếu.

CTCK VCBS

Hai chỉ số tăng giảm trái chiều trong phiên hôm nay. Khối lượng giao dịch nhích nhẹ trong khi giá trị giao dịch giảm (đã loại trừ ảnh hưởng từ cổ phiếu DIG) cho thấy tâm lý nhà đầu tư thận trọng hơn đi kèm với áp lực bán chốt lời ngắn hạn. Thị trường phân hoá rõ nét với số cổ phiếu giảm điểm áp đảo số cổ phiếu tăng điểm.

Chỉ số trong phiên hôm qua chịu áp lực điều chỉnh ngắn hạn đáng kể khi các nhóm ngành dẫn dắt có dấu hiệu tạm thời chững lại. Tuy vậy, chúng tôi nhận định dòng tiền được duy trì và bối cảnh kinh tế vĩ mô ổn định vẫn là động lực để hỗ trợ chỉ số trong trung và dài hạn. Do vậy, nhà đầu tư được khuyến nghị tận dụng các nhịp điều chỉnh để gia tăng tỷ trọng cổ phiếu trong danh mục, ưu tiên đối với các cổ phiếu có nền tảng cơ bản tốt, triển vọng kinh doanh sáng trong năm 2018.

CTCK VPBS

VN-Index: Giằng co mạnh trong phiên nhưng vẫn giữ vững ngưỡng 940 điểm.

Diễn biến điều chỉnh diễn ra rõ ràng hơn trên HNX với chỉ số HNX-Index quay đầu giảm nhẹ và sắc đỏ lan tỏa rộng kéo độ rộng thị trường về lại trạng thái tiêu cực chỉ đạt 86 mã tăng/102 mã giảm. Các mã vốn hóa lớn trên sàn này phân hóa điều chỉnh như ACB, PVS, VGC,.v.v…. VCG cũng quay đầu giảm khi có thông tin chính thức về mức giá khởi điểm chào bán cạnh tranh là 25.600đ/cp. SHB cũng đã giảm nhiệt đi nhiều và chỉ đứng tham chiếu trong phiên hôm nay. Bên cạnh đó, cổ phiếu VPI của CTCP Đầu tư Văn Phú đã tăng trần trong phiên giao dịch đầu tiên mặc dù lượng khớp chỉ đạt 5.000 đơn vị. Với mức giá 35.800đ cuối phiên hôm nay, HNX sẽ có thêm một cổ phiếu vốn hóa lớn có thể chi phối đáng kể lên chỉ số chung của sàn này trong thời gian tới.

Áp lực chốt lời ở cả nhóm vốn hóa lớn và các nhóm vốn hóa trung bình khiến các chỉ số rung lắc mạnh và đà tăng của các chỉ số có thể sẽ tiếp tục thu hẹp trong thời gian tới. Tuy vậy, điểm tích cực là dòng tiền rút ra không đáng để và vẫn luân chuyển tốt trong các nhóm cổ phiếu để tìm kiếm cơ hội ở các mã đang được định giá thấp. Bên cạnh đó, chúng tôi cho rằng lượng tiền sau khi chốt lời và mặt bằng định giá mới được thiết lập sẽ trở lại với nhóm cổ phiếu tăng trưởng và các mã có tính trú ẩn an toàn cao trong thời gian tới…

CTCK BSC

Thị trường đã có những dấu hiệu chững lại sau đà tăng mạnh và tập trung tại một số cổ phiếu. Nổi bật trong ngày là mã cổ phiếu DIG khi tăng trần với giá trị khớp lệnh lên đến 2,468 tỷ đồng với thông tin thoái vốn của Bộ Xây Dựng. Bên cạnh đó, một mã cổ phiếu khác cũng có diễn biến tương tự là SAB sau khi có thông tin chào bán cổ phần của Bộ Công Thương. Sau khi dao động quanh mức tham chiếu thì SAB đã tăng hơn 5% trong phiên ATC và đóng góp 2.9 điểm vào chỉ số thị trường.

Ở chiều ngược lại, Ngân hàng là nhóm ngành giảm điểm mạnh nhất trong phiên hôm nay (ngoại trừ VCB, các mã còn lại đều giảm điểm hoặc đóng cửa mức tham chiếu), tiếp đến là sự điều chỉnh của nhóm Dầu khí, trong khi sự phân hóa đang diễn ra trên diện rộng. BSC nhận định, nếu loại bỏ đi 2 mã cổ phiếu đột biến là DIG và SAB thì thị trường đã có một phiên giao dịch khá ảm đạm, nhưng cũng là sự hợp lý khi giá của các mã cổ phiếu đã được đẩy lên khá cao.

Nhìn chung, cơ hội của các nhà đầu tư vẫn còn nhiều khi dòng tiền mới chỉ đang bắt đầu quay trở lại với thị trường chứng khoán.

CTCK Rồng Việt

Hai chỉ số đóng cửa với hai sắc thái trái chiều, biên độ dao động hẹp dần cho thấy đà tăng có thể sẽ chững lại và xuất hiện các nhịp điều chỉnh, nhìn chung xu hướng tăng giá vẫn đang tích cực, do vậy nhà đầu tư có thể tiếp tục nắm giữ và tận dụng các nhịp điều chỉnh để gia tăng tỷ trọng cổ phiếu.

Theo Cafef