Cục trẻ em lên tiếng về 23 con nuôi của cố ca sĩ Phi Nhung

Các trẻ em trước đó ca sĩ Phi Nhung nhận nuôi sẽ được địa phương và ngành LĐ-TB&XH chăm sóc trong trường hợp không còn ai đứng ra lo cho các em. (Ảnh Nguyễn Hằng).

Đại diện Cục Trẻ em, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) và Sở LĐ-TB&XH TPHCM vừa lên tiếng trấn an dư luận về số phận các con nuôi của cố ca sĩ Phi Nhung.

Sau sự việc ca sĩ Phi Nhung qua đời do mắc Covid-19 ngày 28/9 tại TPHCM, người thân, gia đình, bạn bè và công chúng yêu âm nhạc đau đớn, xót xa. Bên cạnh đó, nhiều người quan tâm đặc biệt, lo lắng đến số phận của 23 trẻ em được cố ca sĩ nhận nuôi lại một lần nữa gặp cảnh mất người mẹ đỡ đầu.

Trao đổi với PV Dân trí về những băn khoăn, thắc mắc của dư luận về việc nuôi dạy nhóm trẻ em mồ côi, con nuôi của ca sĩ Phi Nhung, ông Đặng Hoa Nam (Cục trưởng Cục Trẻ em, Bộ LĐ-TB&XH) khẳng định trong các quy định của pháp luật đều có đầy đủ các phương án giải quyết.

Theo đó, 2 hướng giải quyết hiện nay là xem xét các cơ sở mà trước đó ca sĩ Phi Nhung nuôi dạy các em có đủ điều kiện chăm sóc như nhóm người quản lý, chăm sóc hỗ trợ em còn tiếp tục không. Nếu còn thì vẫn sẽ tiếp tục.

Nếu cơ sở đó không đủ điều kiện chăm sóc các cháu bé, địa phương phải chuyển các cháu về cơ sở công lập để nuôi dạy.

Ông Nam cũng lưu ý, Chính phủ có quy định rõ ràng và rất chi tiết về các cơ sở chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ em, trẻ cơ nhỡ, mồ côi tại Nghị định 103/2017/NĐ-CP của Chính phủ. Bởi vậy, dư luận không nên quá lo lắng cho các cháu bé.

Trường hợp thứ 2: “Ca sĩ Phi Nhung nhận đỡ đầu, chăm sóc và gửi ở một số nơi khác, có hỗ trợ chi phí hàng tháng tiền ăn ở, chi phí sinh hoạt. Khi ca sĩ mất đi, các quỹ hoặc nguồn tiền nuôi dạy các cháu bé nếu còn hoặc có người khác đảm nhiệm, thì họ vẫn hoạt động bình thường”, ông Nam nêu ý kiến.

Theo lãnh đạo Cục Trẻ em, khi ca sĩ Phi Nhung mất đi, nếu quỹ này không còn thì phải đưa các cháu bé về cơ sở công lập.

Ông Nam cho biết, hiện trong các văn bản quy phạm pháp luật như Thông tư, Nghị định và Luật đều có. Về trách nhiệm, địa phương phải hướng dẫn cho các cá nhân, tổ chức thực hiện đúng, đủ các quy định, đồng thời có khó khăn, vướng mắc để cùng giải quyết.

“Các tình huống nuôi dạy trẻ đều đã được cụ thể hóa trong quy định pháp luật. Đảm bảo không có yếu tố bất ngờ và phải làm sao để yên ổn tâm lý cho các trẻ nhỏ. Trước đây, chúng ta đã từng giải quyết nơi ăn chốn ở của những em bé tại những cơ sở công lập, tư thục bị giải thể, đình chỉ”, ông Nam cho hay.

Cũng liên quan tới vấn đề này, trả lời PV Dân trí, đại diện Sở LĐ-TB&XH TPHCM cho biết, hiện nay, phía đại diện của đại ca sĩ Phi Nhung vẫn cử người chăm sóc, còn trường hợp phát sinh địa phương nơi có các trẻ em sẽ phải hỗ trợ.

“Nguyên tắc là trẻ ở địa bàn quận, huyện nào, thì địa phương đó phải có trách nhiệm chăm lo trước mắt. Công tác chăm sóc cho trẻ hiện nay có đầy đủ các quy định của pháp luật, đảm bảo tính bền vững nên dư luận không quá lo lắng”, đại diện Sở LĐ-TB&XH TPHCM khẳng định.

Trong thời gian ca sĩ Phi Nhung phải điều trị tích cực tại bệnh viện và sau khi ca sĩ qua đời, các cháu nhỏ sống cùng nhà với ca sĩ, một số sống tại chùa Phước Lạc, tỉnh Bình Phước.

Theo thông tin chia sẻ của ca sĩ Trizzie Phương Trinh, bạn thân thiết của ca sĩ Phi Nhung, việc chăm sóc các nhóm trẻ em mồ côi, con nuôi ca sĩ Phi Nhung sẽ được ca sĩ Trizzie Phương Trinh thay thế Phi Nhung nuôi dưỡng và sử dụng nguồn tiền từ quyên góp từ thiện từ cố nghệ sĩ.

Theo Dantri