Cuộc đời đức Phật qua nghệ thuật sân khấu truyền thống

Đại lễ Phật đản Liên Hiệp Quốc 2008 vừa qua, các nghệ sĩ TP.HCM đã ra Hà Nội biểu diễn cúng dường vở cải lương Cuộc đời Đức Phật tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia vào ngày 15-5-2008.

Vở cải lương này sẽ được diễn trong 7 ngày từ ngày 22 đến 29-6-2008 tại Nhà hát Đại Đồng, 132 Cao Thắng, Q.3, TP.HCM gây quỹ ủng hộ các nạn nhân trong cơn bão Nargis tại Myanmar và động đất tại Tứ Xuyên – Trung Quốc. Nhân dịp này GN có cuộc trao đổi với NSƯT đạo diễn Trần Ngọc Giàu và tác giả Tuệ Quang.

– Xin anh cho biết có phải đây là lần đầu tiên anh dựng một kịch bản về Phật giáo (PG)? Anh có chịu nhiều áp lực hay không? Và anh có từng nghiên cứu PG, hay chỉ mới thâm nhập cửa thiền bằng trái tim thiện cảm của mình?     

NSND Trần Ngọc Giàu và NSƯT Trịnh Kim Chi

– NSƯT Trần Ngọc Giàu: Thú thật là tôi chưa từng nghiên cứu Phật giáo, chỉ mến mộ cửa thiền như một tôn giáo của dân tộc, như cha mẹ ông bà mình bao đời vẫn gắn bó với mái chùa làng quê.

Cho nên khi được mời dàn dựng vở cải lương Cuộc đời Đức Phật, tôi chịu áp lực rất lớn. Áp lực về tâm linh là dĩ nhiên, nhưng còn áp lực về thời gian nữa. Như chúng ta đã biết, nghệ sĩ TP.HCM có rất nhiều sô, mời họ cộng tác thì phải chờ đợi.

Tập tuồng chỉ trong vòng một tuần là phải bay ra Hà Nội. Nhờ ở Hà Nội 4 ngày, không ai chạy sô được nên tập trung lên sàn tập tiếp. Nhưng sân khấu phải làm hội nghị suốt, có hôm mình vừa mới leo lên tập một tiếng đồng hồ là bị mời ra. Cuối cùng, nhờ sự hỗ trợ của Nhà hát Cải lương Việt Nam, do anh Triệu Trung Kiên chỉ đạo, giúp chúng tôi về phần sàn tập, rồi múa minh họa, phối cảnh…

Khó khăn cũng qua, khi nhận được những tràng pháo tay của khán giả trong lẫn ngoài nước, thấy bao nhiêu vất vả tan biến. Mà lạ, khán giả miền Bắc không cần đợi xuống câu vọng cổ mới vỗ tay như miền Nam, mà họ nghe kỹ từng câu, từng chữ, câu nào hay là cứ vỗ tay thoải mái.

Diễn viên cũng ý thức được sự trang trọng nên thuộc thoại từng chữ, không dám qua loa. Và vui nhất là các tỉnh mời đoàn ở lại diễn cho họ, nhưng mình không ở lại được, đành tặng hết dàn cảnh trí cho tỉnh Nghệ An, chứ tiền xe chở về còn tốn kém hơn.

– Trong quá trình làm việc, anh có tiếp thu bài học nào thực tế từ Phật giáo hay không?

NSƯT Trần Ngọc Giàu: Bài học đầu tiên là chữ nhẫn. Thú thật, khi ra Hà Nội, vì công tác tổ chức quá bộn bề nên không khỏi xảy ra va chạm. Lẽ thường thôi, vì ai cũng là chúng sinh mà. Nhưng nhờ ý thức mình làm việc cho Phật, nên ráng nhẫn, vậy là qua hết. Bài học thứ hai là… ăn chay. Trời ơi, suốt cả tuần không ra khỏi khuôn viên, đành phải ăn đồ chay của Hội nghị đãi.

Chưa quen nên… cào ruột quá chừng. Ăn riết thì thấy ngon! Bài học thứ ba, tôi cảm thấy mình cũng có thay đổi chút ít, tự  nhủ lòng phải sống tử tế hơn, vì sợ người ta nói “Ông đó làm tuồng Phật mà ổng thế này, thế kia…”. Coi như tự giáo dục mình, biết đâu mai mốt có cơ hội làm tiếp tuồng Phật thì sao!

– Chào tác giả Tuệ Quang. Rất bất ngờ khi biết anh là dân ngành dược nhưng lại sáng tác cải lương thành công như vậy. Anh có thể cho biết đôi nét về bản thân?

Tác giả Tuệ Quang

Tác giả Tuệ Quang: Tôi tên thật là Võ Phú Nông, từ nhỏ yêu cải lương, đã thọ giáo với nhạc sĩ Văn Giỏi và một số nhạc sĩ khác để học bài bản cải lương. Tôi đã thực hiện 7 album ca cổ PG và 2 trích đoạn. Nay được ĐĐ.Thích Nhật Từ gợi ý viết cả tuồng dài, tôi thử làm, không ngờ được đi diễn cho Đại lễ Vesak, quả là một vinh hạnh.

– Theo tôi biết, đã có rất nhiều vở cải lương về cuộc đời Đức Phật, tại sao anh lại sáng tác kịch bản với đề tài trùng lập như thế?

Tác giả Tuệ Quang: Tôi thấy các vở kia chỉ nhấn mạnh một số thời điểm trong cuộc đời Đức Phật, chưa được đầy đủ. Tôi muốn làm trọn vẹn 4 thời kỳ đản sanh, thành đạo, hoằng pháp và Niết bàn. Đặc biệt tôi chú ý xây dựng hình tượng Đức Phật lịch sử chứ không ẩn chứa huyền thoại như trước.

– Anh chắc là Phật tử thuần thành có nghiên cứu giáo lý PG một cách kỹ lưỡng? Làm thế nào anh bước sang lĩnh vực sáng tác sân khấu suôn sẽ như thế?

Tác giả Tuệ Quang: Từ 20 tuổi tôi đã ăn chay và đọc sách Phật. Khi tôi đọc đến kinh Viên Giác, tự nhiên nước mắt ứa ra, vì thương Đức Phật tìm đạo gian khó, rồi 49 năm đi hoằng pháp cũng gian nan, vất vả. Bây giờ mình ngồi đọc một lúc đã hết cuốn kinh, coi như mình hưởng tất cả công lao của Phật. Vậy mình phải làm cái gì đó để đền ơn Phật, đền ơn Tam bảo. Thế là tôi thử sáng tác những bài ca cổ. Từ đó duyên lành cứ đến với tôi.

– Sắp tới anh có dự định gì cho việc sáng tác? Anh có mơ ước chuyển tải những câu chuyện trong kho tàng truyện cổ PG hoặc tiền thân Đức Phật, chuyện nhà thiền v.v…

Tác giả Tuệ Quang: Tôi sẽ viết tiếp phần 2 vở Cuộc đời Đức Phật (giai đoạn hoằng pháp và Niết bàn). Sau đó, viết tuồng về Hòa thượng Tông Diễn với biệt danh là Hòa thượng Cua, vì câu chuyện hiếu thảo của ngài rất cảm động, sẽ thích hợp cho sân khấu mùa Vu lan. Rồi viết vở Quan Âm Thị Kính, Quan Âm Diệu Thiện.

Cái khó chỉ là kinh phí thôi, mong quý vị mạnh thường quân tiếp sức cho chúng tôi có tiền dàn dựng. Riêng tôi, không lấy tiền tác quyền mà còn bỏ thêm tiền ra in đĩa tặng mọi người. Chúng ta chung tay góp sức cho PG phát triển nghĩa là xây dựng một cộng đồng xã hội lành mạnh, hiểu biết, yêu thương nhau. Niềm vui đó lớn hơn tất cả.

Theo giacngo.vn