Cty CP Giày Sài Gòn (ông lớn ngành da giày một thời, gần đây vướng vào tai tiếng cho hãng xe lập bến xe lậu ngay tại Trung tâm TP HCM) đang thua lỗ nặng nề, âm vốn chủ sở hữu vừa đề nghị Thủ tướng và lãnh đạo TP HCM được tiếp tục thuê đất, chuyển đổi quy hoạch sử dụng đất. Công ty này cũng vừa đăng ký thêm ngành nghề kinh doanh bất động sản.
Đầu tháng 12 vừa qua, Cty cổ phần Giày Sài Gòn tiếp tục gửi đơn lần thứ 2 lên Thủ tướng và lãnh đạo TP HCM đề nghị cho doanh nghiệp này gia hạn thời gian thuê và chuyển đổi quy hoạch sử dụng khu đất vàng gần 11.000 m2, nằm ngay trung tâm quận 10.
Nghị quyết đại hội cổ đông của công ty này cũng nêu rõ mục tiêu chuyển đổi diện tích đất này từ “công nghiệp sạch” sang “thương mại dịch vụ” và sẽ đề nghị cơ quan chức năng được thuê đất dài hạn, trả tiền một lần.
Tham vọng tiếp tục giữ khu đất vàng này để kinh doanh bất động sản bộc lộ rõ hơn khi mới đây, công ty này thông báo đến Uỷ ban Chứng khoán nhà nước việc bổ sung ngành nghề “kinh doanh bất động sản, quyền sử dụng đất thuộc chủ sử hữu, chủ sử dụng hoặc đi thuê”.
Điều đó cho thấy, Cty Giày Sài Gòn đang dần xa rời mục tiêu kinh doanh chính là sản xuất kinh doanh giày, muốn thâu tóm diện tích đất vàng để kinh doanh bất động sản trong điều kiện tài chính kiệt quệ.
Cty CP Giày Sài Gòn là doanh nghiệp Nhà nước được cổ phần hoá (tiền thân là Cty Giày Ba Ta thuộc Bộ Công nghiệp cũ). Công ty này được sử dụng hơn 10.000 m2 đất tại 419 Lê Hồng Phong, quận 10, TP.HCM theo Hợp đồng thuê của Nhà nước (kế thừa từ Cty Giày Ba Ta), trả tiền hàng năm, để làm văn phòng, nhà xưởng sản xuất giày dép, túi xách.
Giá thuê đất hàng năm, Cty Giày Sài Gòn phải trả cho Nhà nước là 100.000 đồng/m2, tức mỗi tháng chưa đến 10.000 đồng/m2. Giá thuê không tưởng cho khu đất vàng này này được áp dụng từ năm 2007, giữ nguyên suốt 10 năm.
Đến ngày 31/12/2015, Cty Giày Sài Gòn còn hơn 650 người lao động. Một năm sau, Cty Giày Sài Gòn chỉ còn 16 nhân viên. Doanh nghiệp này đã ngừng hoạt động các ngành nghề truyền thống, cho công nhân nghỉ việc. Nhiều đối tác kiện Giày Sài Gòn ra toà, đối tác truyền thống không ký hợp đồng. Các tổ chức tín dụng không cho vay vì công ty này bị âm vốn chủ sở hữu.
Công ty này phải đi vay cá nhân (trong đó vay giám đốc một hãng xe -đơn vị đang thuê đất 9 tỷ đồng) để trả tiền thuê đất và giải quyết chế độ cho công nhân nghỉ việc.
Theo tài liệu đại hội cổ đông của Giày Sài Gòn tổ chức vào tháng 6/2017, doanh nghiệp này lỗ luỹ kế hơn 55 tỷ đồng tính đến hết năm 2016. Công ty này tiếp tục xây dựng kế hoạch lỗ năm 2017 thêm 10 tỷ đồng.
Theo quy định, Cty Giày Sài Gòn không được cho thuê lại hoặc sử dụng đất sai mục đích. Thế nhưng, doanh nghiệp này đã cho Cty Thành Bưởi sử dụng đến 4.500 m2 đất của Nhà nước để kinh doanh vận tải.
Ông Nguyễn Toàn Thắng, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM cho hay: Thanh tra Sở TN&MT đã tiến hành xử phạt hành vi cho thuê đất trái quy định và truy thu hơn 720 triệu đồng vào tháng 6 vừa qua. Đồng thời yêu cầu Cty Giày Sài Gòn phải chấm dứt ngay việc cho thuê trái quy định.
UBND quận 10, TP HCM cho rằng, do địa bàn thiếu cơ sở trường học nên đề nghị thu hồi đất của Cty Giày Sài Gòn để xây dựng cơ sở giáo dục, nhất là thời hạn thuê đất của Giày Sài Gòn sẽ kết thúc vào năm 2020. UBND TP HCM mới đây đã xem xét chuyển đổi thành đất giáo dục theo đề nghị của Tập đoàn Nguyễn Hoàng.
Đứng trước tình thế này, dù không sản xuất kinh doanh ngành nghề chính, nguồn lực cạn kiệt, công ty Giày Sài Gòn vẫn cố níu kéo bằng cách xin chuyển đổi mục đích sử dụng đất để kinh doanh bất động sản ?
Liên quan đến hoạt động của hãng xe Thành Bưởi tại khuôn viên của Cty Giày Sài Gòn, cuối tháng 11 vừa qua, Thanh tra Sở GTVT TP HCM cho hay: Cơ quan chức năng đã yêu cầu chấm dứt hoạt động, ngoài xử phạt, truy thu số tiền cho thuê đất sai quy định của Giày Sài Gòn; ngoài ra xử phạt Cty Thành Bười vì hành vi lập bến xe trái phép, không theo quy hoạch. Hiện tại, TP HCM đang giao các cơ quan chức năng giám sát hoạt động tại tụ điểm hoạt động xe trá hình này.
Thanh tra Sở GTVT cũng cho hay, sau khi có chỉ đạo của Bộ GTVT về kiểm tra, xử lý xe khách hợp đồng nhưng hoạt động xe trá hình như tuyến cố định tại TP HCM, hãng xe Thành Bưởi bị xử phạt 59 trường hợp với số tiền hơn 43 triệu đồng.
Thanh tra Sở GTVT cũng cho biết, hiện Chi Cục thuế Quận 5, TP HCM đang kiểm tra thông tin phản ánh việc cung cấp dịch vụ vận chuyển nhưng không bán vé, trốn thuế của Cty Thành Bưởi.
VietnamNet