Tình trạng thường xảy ra tại các mùa ĐHCĐ là một số doanh nghiệp không gửi thư mời họp hoặc gửi nhưng cổ đông không nhận được, không gửi tài liệu họp tới cổ đông đúng thời hạn, trình tự, thủ tục họp không đúng quy định…
Trong bối cảnh nhà đầu tư nước ngoài ngày càng đầu tư mạnh vào thị trường chứng khoán Việt Nam, tham gia sâu vào hoạt động của doanh nghiệp niêm yết, nhưng nhiều công ty không cung cấp thông tin bằng tiếng Anh, hoặc tiếng nước ngoài phổ biến khác, khiến cổ đông ngoại gặp khó khăn trong nắm bắt thông tin về hoạt động của doanh nghiệp nói chung, họp ĐHCĐ nói riêng. Đáng chú ý, có những trường hợp cổ đông ngoại ủy quyền dự họp nhưng không được doanh nghiệp chấp thuận.
Mới đây, cổ đông ngoại tại Công ty cổ phần Đầu tư châu Á – Thái Bình Dương (API) là Asean Deep Value Fund đã khởi kiện API ra Tòa án nhân dân TP. Hà Nội vì cho rằng Công ty vi phạm quy định về họp ĐHCĐ. Asean Deep Value Fund thắng kiện sau khi Tòa án chấp nhận đơn yêu cầu của quỹ này và ra phán quyết hủy Nghị quyết ĐHCĐ thường niên năm 2017 của API.
Nguồn cơn khiến Asean Deep Value Fund khởi kiện API là trước cuộc họp ĐHCĐ, Quỹ đã đăng ký tham gia cuộc họp dưới hình thức ủy quyền cho các cá nhân dự họp và biểu quyết. Cổ đông nước ngoài này cũng gửi bản fax để API xác nhận. Tuy nhiên, khi các đại diện ủy quyền đến họp ĐHCĐ thì không được Ban kiểm tra tư cách cổ đông của API chấp thuận, với lý do giấy ủy quyền chưa được hợp pháp hóa lãnh sự, nên chưa xác minh được tính hợp pháp của những người được ủy quyền.
Trong quá trình giải quyết vụ việc, Tòa án nhân dân TP. Hà Nội đã ra quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời: Buộc API phải tạm dừng thực hiện 9 nội dung tại Nghị quyết ĐHCĐ thường niên 2017.
Liên quan đến giấy ủy quyền dự họp, Thông tư 95/2017/TT-BTC của Bộ Tài chính hướng dẫn một số điều của Nghị định 71/2017/NĐ-CP về quản trị công ty áp dụng đối với công ty đại chúng không có mẫu giấy ủy quyền dự họp cho các công ty đại chúng tham khảo. Vì vậy, các công ty đại chúng tự đưa ra các mẫu giấy ủy quyền dự họp với các yêu cầu khác nhau, dẫn đến gây khó dễ cho nhà đầu tư nước ngoài trong việc đáp ứng các yêu cầu này thì mới được dự họp.
Việc cổ đông ngoại gặp khó khăn khi tham gia ĐHCĐ không chỉ ảnh hưởng đến nỗ lực nâng hạng thị trường chứng khoán Việt Nam từ cận biên lên mới nổi, mà còn ảnh hưởng đến nỗ lực thu hút dòng vốn đầu tư gián tiếp nước ngoài vào Việt Nam.
Khối ngoại ngóng kiến nghị được thực hiện
Do trở ngại về khoảng cách địa lý và ngôn ngữ, nên nhà đầu tư nước ngoài đang rất cần được các công ty đại chúng, các doanh nghiệp niêm yết Việt Nam có các hình thức hỗ trợ họ để thuận lợi trong nắm bắt thông tin về hoạt động của doanh nghiệp nói chung, họp ĐHCĐ nói riêng.
Một số kiến nghị từ Nhà đầu tư nước ngoài gửi Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã đề nghị cơ quan này khuyến khích các công ty đại chúng chấp nhận giấy ủy quyền của nhà đầu tư nước ngoài cho thành viên lưu ký của họ và cho phép bỏ phiếu gửi bằng điện SWIFT, thay cho giấy ủy quyền dự họp của nhà đầu tư nước ngoài. Công ty đại chúng nên chốt chung một mẫu giấy ủy quyền dự họp và nêu rõ trong quy chế nội bộ về quản trị công ty của công ty, từ đó giúp nhà đầu tư ngoại chủ động chuẩn bị giấy ủy quyền dự họp một cách kịp thời và hiệu quả.
Để thuận lợi cho cổ đông ngoại biểu quyết tại ĐHCĐ, cơ quan quản lý cần khuyến khích các công ty đại chúng, công ty niêm yết quy mô vốn lớn, có tỷ trọng nhà đầu tư nước ngoài cao trong cơ cấu cổ đông sử dụng hệ thống bỏ phiếu điện tử (E-voting) của Trung tâm Lưu ký chứng khoán Việt Nam để lấy ý kiến cổ đông.
Ông Lê Công Điền, Vụ trưởng Vụ Giám sát công ty đại chúng, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước chia sẻ, Ủy ban ghi nhận những ý kiến trên là xác đáng. Bởi vậy, Ủy ban sẽ nghiên cứu để có hướng tháo gỡ, nhằm tạo thuận lợi cho nhà đầu tư nước ngoài tham gia dự họp ĐHCĐ, thực hiện quyền hợp pháp và chính đáng tại doanh nghiệp.