Dân tình đặt tên mới cho các tỉnh nếu sáp nhập: Có cả tỉnh Phúc Long

Hà Nam - nơi có chùa Tam Chúc cũng nằm trong danh sách các tỉnh thành thuộc diện sáp nhập. (Ảnh: Người Lao Động)

Mới đây, Bộ Nội vụ đã công bố danh sách 21 tỉnh, thành sẽ thuộc diện sáp nhập thời gian tới. Thông tin này đã khiến cho cộng đồng mạng xôn xao, bàn tán. Nhiều người còn nhiệt tình ghép các tỉnh lại với nhau, từ đó tạo nên loạt cái tên mới lạ và độc đáo.

Hà Nam – nơi có chùa Tam Chúc cũng nằm trong danh sách các tỉnh thành thuộc diện sáp nhập. (Ảnh: Người Lao Động)

Theo Tuổi Trẻ, để lập ra danh sách này, Bộ Nội vụ đã xét trên nhiều tiêu chí, trong đó quan trọng nhất là diện tích và mật độ dân số.

Cụ thể, 10 tỉnh, thành phố có diện tích tự nhiên nhỏ, không đạt chuẩn diện tích tự nhiên, có thể bị sáp nhập gồm: tỉnh Bắc Ninh (822.7km2); tỉnh Hà Nam (860.5km2); tỉnh Hưng Yên (926km2); tỉnh Vĩnh Phúc (1.238,6km2); TP. Đà Nẵng (1.285,4km2); tỉnh Ninh Bình (1.378,1km2); TP. Cần Thơ (1.409km2); tỉnh Vĩnh Long (1.475km2); tỉnh Thái Bình (1.570,5km2); tỉnh Nam Định (1.652km2).

Bên cạnh đó còn có 10 tỉnh, thành phố dân số thấp nhất cả nước (số liệu 2019), không đạt tiêu chuẩn có thể thuộc diện sáp nhập gồm:

tỉnh Bắc Kạn (313.905 người), tỉnh Lai Châu (460.196 người), tỉnh Cao Bằng (530.341 người), tỉnh Kon Tum (540.438 người), tỉnh Ninh Thuận (590.467 người), tỉnh Điện Biên (598.856 người), tỉnh Đắk Nông (622.168 người), tỉnh Quảng Trị (632.375 người), tỉnh Lào Cai (730.420 người), tỉnh Hậu Giang (733.017 người).

Bộ Nội vụ là đơn vị đã lập danh sách. (Ảnh: Báo Gia Lai)

Sau khi sáp nhập, rất có thể các tỉnh thành sẽ phải đổi lại tên mới. Cũng chính vì điều này mà ngay khi biết đến thông tin, nhiều cư dân mạng đã thi nhau đặt tên mới.

Đáng nói, dù chỉ ghép từ tên của các tỉnh với nhau nhưng lại có thể cho ra nhiều kết quả khiến bao người không khỏi bật cười, thích thú.

  “May Hà Nội với Bà Rịa – Vũng Tàu không gần nhau. Chứ không thì lại có thành phố Bà Nội cũng nên. Nghe oai phết”.

“Có khi nào đến Hà Nội nhưng được ăn đặc sản cá kho làng Vũ Đại không ta. Hay chạy qua Bắc Ninh ăn bánh đậu xanh ạ”.

“Ai đi du học lâu về nước thì việc đầu tiên là phổ cập tên quê, chứ không lạc không về được”.

 

Những bình luận từ phía cộng đồng mạng. (Ảnh: Chụp màn hình)

 

Nhiều cái tên thú vị được dân tình đưa ra. (Ảnh: Chụp màn hình)

Thực tế, danh sách các tỉnh, thành sáp nhập hiện chỉ là đề xuất của Bộ Nội vụ dùng để thí điểm thực hiện trong thời gian tới. Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Vũ Đăng Minh – chánh Văn phòng Bộ Nội vụ – cho biết, trong giai đoạn 2022-2025 tới, Bộ sẽ cố gắng hoàn thiện khung thể chế để thực hiện việc sáp nhập các tỉnh.

Theo lộ trình cụ thể, vào tháng 8 này, Bộ sẽ báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc sửa đổi nghị quyết về tiêu chuẩn đơn vị hành chính (ĐVHC), phân loại ĐVHC và việc sắp xếp các ĐVHC cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2019-2021.

Đến tháng 9 sẽ xây dựng đề án sắp xếp ĐVHC cấp huyện, cấp xã và thực hiện thí điểm sáp nhập một số tỉnh trong giai đoạn 2022-2026. Năm 2030 định hướng sẽ trình Thủ tướng xem xét.

Như vậy, công tác sáp nhập tỉnh thành dự kiến sẽ diễn ra từ năm 2022-2030. Hiện tại, ngoài danh sách, Bộ Nội vụ cũng chưa đưa ra bất kỳ thông tin gì khác.

Theo Thể thao & Văn hóa