Đang trên đà phục hồi, du lịch Việt Nam tiếp tục rơi vào khủng hoảng

Đang trên đà hồi phục, ngành du lịch trong nước trở lại khủng hoảng sau khi xuất hiện các ca nhiễm COVID-19 trong cộng đồng.

Theo Tổng cục thống kê, 7 tháng đầu năm nay, doanh thu du lịch, lữ hành ước đạt hơn 11.000 tỷ đồng, giảm 55% so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, đây cũng là con số khả quan trong tình hình dịch bệnh.

Chỉ tính riêng trong tháng 7, doanh thu đạt 1.500 tỷ đồng, tăng gần 30% so với tháng trước, giảm 60% so với cùng kỳ năm ngoái.

Riêng khách quốc tế, trong tháng 7, có 13.900 lượt khách nhập cảnh, giảm 99% so với cùng kỳ năm ngoái và khách chủ yếu là các chuyên gia, lao động kỹ thuật cao,…

Theo nhận định của ông Nguyễn Trùng Khánh, Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch thì chính sách kích cầu “Người Việt Nam đi du lịch Việt Nam” đã nhận được sự hưởng ứng tích cực từ phía người dân, doanh nghiệp và các địa phương. Với 8 triệu lượt khách, tháng 7 được ghi nhận có mức tăng trưởng cao nhất từ đầu năm nay.

Tuy nhiên, đang trên đà ‘hồi sinh” từ thị trường nội địa, ngành du lịch tiếp tục rơi vào khủng hoảng sau khi xuất hiện các ca lây nhiễm COVID-19 trong cộng đồng.

Tại Đà Nẵng, nơi phát hiện ra ca nhiễm 416 được công bố hôm 25.7, ca nhiễm COVID-19 đầu tiên sau 99 ngày Việt Nam không có ca nhiễm trong cộng đồng thì thành phố du lịch của miền Trung đã tạm dừng hết các hoạt động đông người, dừng đón khách du lịch từ 13g ngày 26.7. Các điểm đến thuộc các địa phương xuất hiện dịch bệnh như Quảng Nam, Quảng Ngãi… cũng dừng đón khách.

Tiếp theo đó, du khách ở các địa phương đồng loạt hủy tour đến vùng dịch Đà Nẵng là 100%, và có xu hướng hủy tour lan dần ra các địa điểm khác như Phú Quốc, Sapa, Nha Trang, Đà Lạt, Vũng Tàu… khiến nhiều doanh nghiệp lữ hành rơi vào khó khăn.

Đỉnh điểm là trong 2 ngày 26 và 27.7, Vietravel có 20.970 khách hủy tour; Lữ hành Saigontourist hơn 10.000 khách hủy… Ngay các doanh nghiệp khác như BenThanh Tourist, Fiditour, Hòa Bình, TST, Đất Việt… cũng có từ 5.000 khách hủy trở lên.

Giám đốc một doanh nghiệp lữ hành nhận xét “Các tour miền Trung xem như đóng hết, nhưng xu hướng này sẽ còn lan ra các điểm đến khác”.

Theo một doanh nghiệp trong ngành du lịch, thị trường du lịch nội địa mới được phục hồi, giá tour khách đi thời điểm này đều là giá ưu đãi, và các hãng hàng không, công ty du lịch, khách sạn… hầu như chưa có lợi nhuận. Vì thế, lần dịch bệnh bùng phát này khiến du lịch Việt Nam tiếp tục du lịch rơi vào khủng hoảng, doanh nghiệp khó khăn chồng chất khó khăn.

Hiện tại nhiều tỉnh thành cũng thông báo ngưng đón khách ở một số địa điểm du lịch như Bình Định, Phú Yên, Thừa Thiên Huế… Kiên Giang cũng tạm ngưng đón các đoàn khách đến từ Đà Nẵng.

Trong 2 ngày cuối tuần 1 – 2.8, một số điểm du lịch luôn nhộn nhịp như Đà Lạt, Vũng Tàu, Mũi Né, Phan Thiết… đã rơi vào tình trạng vắng bóng du khách. Du lịch bắt đầu “kích hoạt” trạng thái ngủ đông.

Theo đánh giá của sở Du lịch TP.HCM, đợt bùng phát dịch trong cộng đồng lần này tác động vô cùng lớn tới ngành du lịch, khi mà hầu hết các doanh nghiệp lữ hành đều vừa quay lại hoạt động rất “yếu ớt”, “cầm hơi” sau mấy tháng đóng băng vì dịch bệnh.

Theo Motthegioi