Dấu ấn ngành ngân hàng 2017: Gỡ nút thắt nợ xấu, sự trở lại của cổ phiếu vua

Cổ phiếu ngân hàng trở thành cái tên nổi bật trên sàn chứng khoán năm qua đã phần nào cho thấy sự phục hồi mạnh mẽ nhất của lĩnh vực này.

1. Nghị quyết 42 – gỡ nút thắt xử lý nợ xấu

Nghị quyết thí điểm xử lý nợ xấu được thông qua tại kỳ họp thứ 3 Quốc hội khóa XIV đã tháo gỡ các nút thắt trong việc xử lý nợ xấu, trao quyền bên cho vay, đẩy nhanh quá trình xử lý nợ xấu nhờ các thủ tục rút gọn tại tòa.

Không lâu sau khi Nghị quyết có hiệu lực, VAMC và các ngân hàng đã tiến hành thu giữ và đấu giá các tài sản là bất động sản để thu hồi nợ… Các khoản nợ cũng bắt đầu được các tổ chức thực hiện mua bán trên thị trường như VAMC mua hơn 2.580 tỷ đồng nợ xấu của Sacombank bằng tiền, DATC ký hợp đồng mua hơn 1.000 tỷ đồng nợ xấu từ một ngân hàng hay loạt buổi đấu giá nợ do Vietinbank tổ chức gần đây…

Hoạt động xử lý nợ xấu đang được các nhà băng rốt ráo thực hiện bởi ngoài việc cơ chế thí điểm trong Nghị quyết chỉ áp dụng với các khoản nợ có từ trước 15/8 thì các cơ chế này cũng chỉ được áp dụng trong 5 năm Nghị quyết có hiệu lực.

2. Thông qua Luật sửa đổi bổ sung Luật các TCTD

Chính thức có hiệu lực từ ngày 15/01/2018 tới, Luật sửa đổi bổ sung Luật các TCTD được Quốc hội thông qua vào kỳ họp tháng 11 vừa qua được kỳ vọng sẽ giúp nâng cao năng lực quản trị điều hành, làm rõ thuật ngữ “người có liên quan”, minh bạch hóa nguồn vốn góp, ngăn ngừa, hạn chế sở hữu chéo.

Luật quy định các cổ đông phải chịu trách nhiệm về tính hợp pháp của nguồn vốn đầu tư vào ngân hàng, thêm giới hạn sở hữu tại TCTD khác của cổ đông lớn và người liên quan là 5%, cấm dùng vốn vay TCTD để góp vốn vào TCTD.

Kết quả hình ảnh cho ndh lê minh hưng quốc hội luật

Khuôn khổ pháp lý về xử lý TCTD yếu kém cũng được hoàn thiện trong Luật sửa đổi này với việc trao thêm quyền áp dụng biện pháp can thiệp sớm để xử lý sớm TCTD có dấu hiệu yếu kém, giải thích thuật ngữ TCTD được kiểm soát đặc biệt, 5 phương án cơ cấu lại tổ chức tín dụng trong đó chấp nhận việc cho phá sản như là phương án xấu nhất, được áp dụng cuối cùng.

3. Cổ phiếu ngân hàng dậy sóng trên sàn chứng khoán

Khác hẳn tình trạng “ngủ đông” vài năm trước, cổ phiếu dòng ngân hàng năm 2017 ghi nhận những đợt sóng liên tiếp thu hút lượng giao dịch lớn. Tính đến 26/12, giá trị vốn hóa thị trường của nhóm cổ phiếu ngân hàng tăng gấp 1,84 lần từ 307.681 tỷ đồng cuối năm 2016 lên 567.349 tỷ đồng.

Riêng bốn ngân hàng mới lên sàn trong năm 2017 là VPBank, LienVietpostbank, KienLongbank và VIB cũng đã giúp vốn hóa ngành này tăng thêm 84.095 tỷ đồng. Hơn 175.573 tỷ đồng tăng thêm nhờ hoạt động tăng vốn và giá cổ phiếu “thăng hoa”.

Nhận được sự quan tâm của giới đầu tư, thanh khoản cổ phiếu nhóm ngành này tăng vọt. Không kể các ngân hàng mới lên sàn, giá trị giao dịch khớp lệnh của dòng ngân hàng đã nhảy vọt gấp 3,36 lần.

Cổ phiếu ngân hàng tăng giá, hút mạnh thanh khoản trong năm 2017

2017 cũng chứng kiến sự chuyển dịch của khối ngoại tìm về cổ phiếu ngân hàng. Hai thương vụ chào bán khủng của HDBank và VPBank trị giá 600 triệu USD đã được các tổ chức quốc tế tên tuổi đặt mua với lượng đăng ký gấp nhiều lần lượng chào bán. Trong khi đó, năm qua chứng kiến thương vụ “chia tay” của HSBC khỏi Techcombank.

Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia ước tính lợi nhuận sau thuế của hệ thống ngân hàng tăng 44,5% so với năm trước. ROE tăng mạnh từ 8,05% lên 10,2%. Nền kinh tế phục hồi cùng những tháo gỡ về mặt chính sách đã giúp đẩy nhanh quá trình xử lý nợ xấu không những giúp ngành ngân hàng cải thiện kết quả kinh doanh còn nâng cao chất lượng tài sản của ngành.

4. NHNN mua thêm 10,5 tỷ USD dự trữ ngoại hối

Theo con số mới nhất được Phó thống đốc Nguyễn Thị Hồng công bố, dự trữ ngoại hối tính đến 21/12 đã tăng lên mức kỷ lục 51,5 tỷ USD!

Việc mua thêm ngoại tệ của NHNN năm nay được hỗ trợ từ làn sóng góp vốn mua cổ phần mà tiêu biểu là thương vụ mua cổ phần Sabeco mang về 5 tỷ USD và sự ổn định của tỷ giá USD/VND. Trong khi chỉ số DXY đo sức mạnh USD với 6 rổ tiền tệ đã giảm mạnh 9,2% thì tỷ giá ngân hàng chỉ giảm 0,17%, tỷ giá trung tâm tăng 1,24%.

Cũng chính nhờ việc đẩy mạnh mua ngoại tệ tăng dự trữ ngoại hối, NHNN đã đồng thời cung ứng thêm hơn 124.000 tỷ đồng nội tệ vào nền kinh tế. Nhờ đó, thanh khoản trên thị trường liên ngân hàng vẫn dồi dào. Lãi suất liên ngân hàng đã giảm mạnh so với đầu năm trước, biến động lên xuống thời điểm quý IV này nhưng nhìn chung vẫn ổn định.

5. Hạ trần lãi suất cho vay ngắn hạn đối với một số lĩnh vực ưu tiên

Ngày 7/7, Ngân hàng Nhà nước đã có quyết định giảm trần lãi suất cho vay ngắn hạn bằng VND đối với 5 lĩnh vực ưu tiên từ 7,0%/năm xuống còn 6,5%/năm. Tuy nhiên, với lĩnh vực thông thường, lãi suất cho vay không có nhiều biến động so với cuối năm trước, vẫn ở mức 6,8-9%/năm với ngắn hạn và 9,3-11%/năm với trung và dài hạn.

NHNN cũng đồng thời giảm 0,25% đối các lãi suất điều hành, nhằm phát đi tín hiệu với thị trường, tiết kiệm chi phí đầu vào cho các TCTD, đồng thời cũng dựa trên sự cân nhắc thận trọng.

Sau đợt hạ một loạt lãi suất trên, Chính phủ vẫn tiếp tục giao cho ngành ngân hàng giảm thêm 0,5% lãi suất cho vay. Nhưng điều này đến nay vẫn chưa được thực hiện do cần đảm bảo tỷ lệ NIM hợp lý cho các ngân hàng.

6. Ngân hàng ngoại – nội: Những cuộc hợp tan

Đồng loạt nhiều thương vụ bán vốn của các ngân hàng ngoại được thực hiện trong năm 2017. ANZ thoái toàn bộ mảng bán lẻ tại Việt Nam sau khi nhượng lại mảng kinh doanh này tại phần lớn các quốc gia. Thương vụ này đã thu hút tới 5 nhà đầu tư đăng ký tham gia và Shinhan Bank Việt Nam đã được lựa chọn. Sau cuộc “bén duyên” trên, ngân hàng đến từ Hàn Quốc này tiếp tục mở rộng mạng lưới, lĩnh vực hoạt động của mình tại Việt Nam. Ngân hàng Commonwealth Bank of Australia (CBA) bán Chi nhánh TP. Hồ Chí Minh của mình sang cho VIB – ngân hàng mà CBA cũng đang giữ vai trò cổ đông chiến lược.

Không riêng việc thoái một phần vốn tại các chi nhánh, một số ngân hàng ngoại cũng bán vốn tại các nhà băng Việt sau nhiều năm đầu tư. 20% vốn Techcombank do HSBC nắm giữ đã được bán lại cho chính ngân hàng, nhập vào cổ phiếu quỹ. Gần đây, thông tin từ OCB cho biết, cổ đông chiến lược từ Pháp BNP Paribas cũng sắp bán toàn bộ 20% vốn sau 10 năm đầu tư vào nhà băng này.

7. Ngân hàng số và fintech đón đầu xu hướng không dùng tiền mặt

Đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt giai đoạn 2016 – 2020 chính thức được thông qua vào cuối năm trước, hướng mục tiêu tỷ trọng tiền mặt trên tổng phương tiện thanh toán cuối năm 2020 dưới 10%. Tỷ trọng sử dụng tiền mặt để thanh toán giảm so với cùng kỳ dù chưa thật sự mạnh, từ mức 11,59% tháng 9/2016 xuống 11,47% cùng kỳ năm nay.

Từ phía cung cấp dịch vụ, các tổ chức tín dụng cũng đang đón đầu xu hướng này. Phần lớn các ngân hàng đều có internet banking, mobilebanking. Ứng dụng số được các ngân hàng sử dụng tăng trải nghiệm người dùng như việc hàng loạt ngân hàng cho phép khách hàng thanh toán thậm chí rút tiền bằng mã QR, MBBank đưa vào vận chatbot trợ lý ảo chăm sóc khách hàng 24/24 qua mạng xã hội, TPBank tiếp tục mở rộng hệ thống ngân hàng tự động Livebank có thể thực hiện hầu hết các giao dịch, VIB bổ sung thêm “Social keyboard” giúp khách hàng thực hiện giao dịch trực tuyến nhanh chóng, LienVietpostbank ra mắt Ví Việt…

Không riêng các ngân hàng đầu tư nhiều hơn vào lĩnh vực số, thị trường tài chính còn đón nhận sự tham gia mới của nhiều fintech. Từ 8 đơn vị không phải là ngân hàng được cấp phép trở thành trung gian thanh toán, số lượng tổ chức đến ngày 30/10 đã tăng lên 25 đơn vị.

8. Giảm sở hữu chéo đã thực chất hơn

Chính thức thừa nhận sự phổ biến của tình trạng sở hữu chéo và có những bước đi đầu tiên “tuyên chiến” tình trạng này từ cuối năm 2014 với sự ra đời của Thông tư 36, số cặp sở hữu chéo đã giảm từ 7 cặp trong năm 2015 còn 2 cặp hiện nay.

Các năm trước, việc đưa tỷ lệ sở hữu chéo giữa các ngân hàng về dưới 5% chủ yếu nhờ các phương pháp gián tiếp như chào bán phát hành riêng lẻ, tăng vốn qua mua lại công ty tài chính, sáp nhập ngân hàng. Tuy nhiên, nhờ sự hồi phục mạnh của TTCK năm 2017, nhiều ngân hàng đã có thể trực tiếp giảm sở hữu thông qua đấu giá, bán vốn trên sàn.

Tháng 12 vừa qua, Vietcombank đã thoái thành công 100% vốn góp tại Saigonbank và công ty tài chính Xi măng (CFC), đồng thời, tiếp tục đấu giá vốn OCB ngay tuần cuối cùng của năm. Eximbank cũng đã bán được một phần vốn Sacombank và dự kiến sẽ còn phải bán thêm 85,2 triệu cổ phiếu STB để đáp ứng quy định Thông tư 36.

9. Xét xử đại án tại 3 ngân hàng 0 đồng

Cách đây 2-3 năm, lãnh đạo cấp cao của ba ngân hàng Xây dựng Việt Nam (VNCB), OceanBank, GPBank vướng vòng lao lý, ngân hàng rơi vào tình cảnh lao đao. Biện pháp mua bắt buộc 0 đồng đã được NHNN thực hiện ngay sau đó để đảm bảo an toàn hệ thống. Đến năm nay, lần lượt cả 3 vụ án liên quan đến các ngân hàng 0 đồng được đưa ra xét xử.Kết quả hình ảnh cho ngân hàng 0 đồng.

Tại GPBank, mặc dù Tòa chưa chính thức tuyên án nhưng theo mức án đề nghị từ Viện Kiểm sát, nguyên Phó chủ tịch GPBank Đoàn Văn An có thể sẽ phải đối diện mức án 14 năm tù. Nguyên Chủ tịch Tạ Bá Long bị đề nghị mức án 7-8 năm tù. Để có thể tăng vốn đạt mức vốn pháp định 1.000 tỷ đồng (2008) và 3.000 tỷ đồng (2010), hai cá nhân này qua các công ty thuộc sở hữu đã phát hành trái phiếu cho ENVFC để làm nguồn tiền tăng vốn “ảo” rồi sử dụng vốn của GPBank để thanh toán.

Phạm Công Danh, nguyên Chủ tịch VNCB, nhận y án 30 năm tù giam theo quyết định của tòa phúc thẩm và tiếp tục “hầu tòa” trong vụ án “Vi phạm quy định cho vay” tại OceanBank với mức án sơ thẩm nhận thêm là 14 năm tù giam. Hứa Thị Phấn nhận mức phạt tù 17 năm và chịu trách nhiệm dân sự bồi thường 500 tỷ đồng. Câu chuyện tái cơ cấu một TrustBank vốn đã có 95% nợ xấu sẽ chưa dừng lại ở đây mà còn tiếp tục được cơ quan tư pháp mổ xẻ làm rõ trong các phiên xét xử giai đoạn 2 tổ chức tháng 1/2018.

Còn tại OceanBank, Hà Văn Thắm bị tuyên án với 4 tội danh với tổng mức án tù chung thân, nguyên Tổng giám đốc Nguyễn Xuân Sơn nhận án tử hình. Bên cạnh hành vi cho vay sai quy định công ty của Phạm Công Danh, sai phạm xảy ra tại nhà băng này còn là hoạt động huy động lãi suất vượt trần tạo điều kiện để khoản chênh lệch rơi vào túi cá nhân, tổ chức. Đây cũng trở thành nguyên nhân khép cựu Tổng giám đốc Nguyễn Xuân Sơn vào tội Lạm dụng chức vụ quyền hạn chiếm đoạt tài sản, Tham ô tài sản với vai trò chủ mưu, còn Hà Văn Thắm và nhiều bị cáo khác được xét với vai trò đồng phạm tích cực.

10. Khởi tố nguyên Phó thống đốc Đặng Thanh Bình

Không riêng các ông chủ nhà băng, năm 2017 chứng kiến quyết định gây bất ngờ giới ngân hàng của cơ quan tư pháp. Ngày 8/9, Nguyên Phó thống đốc NHNN Đặng Thanh Bình bị khởi tố về hành vi “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại Tổ giám sát của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đặt tại Ngân hàng Xây dựng.

Nguyên Phó thống đốc là người có thâm niên hơn 30 năm công tác trong lĩnh vực ngân hàng và giữ các vị trí cao tại các vụ thuộc NHNN.

Việc mở rộng điều tra các vụ án trong ngành ngân hàng cũng tiếp tục là cơ sở khởi tố thêm nhiều bị can khác như nguyên Phó Chủ tịch Sacombank Trầm Bê tại vụ án VNCB giai đoạn 2, nguyên Trưởng ban Kế hoạch Tài chính, BHXH Việt Nam – Nguyễn Phước Tường tại vụ án ALC II giai đoạn 2.

11. Tiền gửi “không cánh mà bay”

Tiếp diễn năm trước đó, tình trạng không ít thẻ ATM, sổ tiết kiệm của khách hàng bỗng dưng “mất tiền” dù không giao dịch vẫn tiếp tục xảy ra. Bên cạnh các vụ việc riêng lẻ, tình trạng mất tiền trong tài khoản còn diễn ra ở quy mô lớn như trường hợp xảy ra tại các cây ATM Agribank trung tuần tháng 12 vừa qua.

Bằng việc cài đặt thiết bị để trộm cắp dữ liệu thẻ, tổng cộng đã có 100 khách hàng bị mất trộm thông tin dữ liệu và 10 khách hàng bị rút trộm với tổng số tiền trên 300 triệu đồng tại ATM ở thành phố khác. Các thiết bị đã bị cơ quan chức năng thu hồi nhưng đối tượng nghi vấn vẫn đang nằm ngoài vòng pháp luật.

Bên cạnh “giặc ngoài” là tội phạm công nghệ cao, những vụ việc mất tiền trong tài khoản ngân hàng còn đến từ rủi ro đạo đức của một số cán bộ ngân hàng. Điển hình như vụ việc 24 sổ tiết kiệm trị giá 500 tỷ đồng gửi tại OceanBank không khớp với thông tin hạch toán trong hệ thống phát hiện hồi tháng 10. Ba đối tượng tại OceanBank chi nhánh Hải Phòng liên quan đến vụ án này trong đó có quyền Giám đốc Trần Thị Kim Chi đã bị khởi tố hình sự, truy nã và bắt giam sau đó. Cơ quan điều tra tỉnh Đồng Nai cũng đã khởi tố vụ án liên quan đến việc Giám đốc Quỹ Tín dụng Nhân dân (QTDND) Thái Bình – Vũ Công Liêm cho vay sai quy định trên 50 tỷ đồng. Đối tượng này hiện đang bỏ trốn.

12. “Đồng tiền” chưa được công nhận – Bitcoin

Liên tục tăng giá và trở thành cơn sốt trong năm nay, Bitcoin và các loại tiền ảo tương tự khác được kỳ vọng có thể trở thành phương tiện thanh toán. Một số đơn vị cũng đánh tiếng chấp nhận các loại tiền ảo này để chi trả sản phẩm, dịch vụ của mình. Tuy nhiên, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, cũng như một số quốc gia khác, đã khẳng định các đồng tiền ảo này không phải là tiền tệ và phương tiện thanh toán hợp pháp.

Dưới góc nhìn như một sản phẩm đầu cơ, sự tăng trưởng quá nóng của bitcoin và các loạt tiền này đang trở thành mối lo ngại của các nhà quản lý trong trường hợp xảy ra bong bóng vỡ hay các vụ lừa đảo thu hút tiền của người dân vào các tài sản đầu cơ.

Theo Thanh Thủy
NDH