Loạt đề xuất miễn, giảm thuế hỗ trợ ôtô sản xuất lắp ráp trong nước được doanh nghiệp nêu tại hội nghị ngành Công Thương ngày 15/1.
Theo ông Lê Ngọc Đức – Tổng giám đốc Tập đoàn Thành công, các doanh nghiệp sản xuất lắp ráp đang chịu nhiều chi phí khác nhau liên quan đến đầu tư, vận hành nhà máy, kho bãi để đáp ứng được khối lượng linh kiện nhập khẩu rất lớn. Vì thế, với các ưu đãi theo Nghị định 125 sửa đổi, bổ sung một số điều về biểu thuế xuất khẩu, nhập khẩu, thuế nhập khẩu ưu đãi, doanh nghiệp sản xuất lắp ráp vẫn còn gặp rất nhiều khó khăn để cạnh tranh với các sản phẩm nhập khẩu nguyên chiếc từ ASEAN.
Ông đề nghị Bộ Công Thương phối hợp với Bộ Tài chính miễn thuế tiêu thụ đặc biệt cho phần giá trị sản xuất trong nước áp dụng với sản phẩm ôtô. Đây là biện pháp đã được các quốc gia trong khu vực Đông Nam Á như Malaysia, Indonesia,… hay Ấn Độ áp dụng từ khá lâu nhằm khuyến khích các doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp trong nước đẩy mạnh đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp phụ trợ, nâng cao tỷ lệ nội địa hóa của sản phẩm.
Hiện tại tỷ lệ nội địa hóa các sản phẩm ôtô tại Việt Nam, ngoại trừ các loại xe tải dưới 7 tấn và xe khách từ 25 chỗ trở lên, còn khá thấp. Với thực trạng đó, sẽ rất khó để các sản phẩm sản xuất, lắp ráp trong nước có thể xuất khẩu sang các thị trường lân cận.
“Miễn thuế tiêu thụ đặc biệt cho phần giá trị sản xuất trong nước là giải pháp rất tối ưu. Các doanh nghiệp sẽ phải tự chủ động nâng cao tỷ lệ nội địa hóa, không dừng ở việc lắp ráp đơn thuần, nếu muốn tiết kiệm chi phí trong dài hạn và nâng cao tính cạnh tranh của sản phẩm”, ông Đức phân tích.
Liên quan tới chính sách phát triển công nghiệp ôtô, tại hội nghị tổng kết lãnh đạo Bộ Công Thương cũng khẳng định sẽ đưa ra loạt chính sách để hỗ trợ xe lắp ráp trong nước, hạn chế xe nhập khẩu. Một trong giải pháp được Bộ đưa ra là cùng Bộ Tài chính đề xuất miễn thuế tiêu thụ đặc biệt phần linh kiện sản xuất trong nước.
Trước đó, đề xuất này đã nhận được ủng hộ từ Bộ Tài chính. Bộ này đưa ra 2 phương án. Phương án 1, giá tính thuế tiêu thụ đặc biệt với ôtô từ 9 chỗ ngồi trở xuống sản xuất trong nước là giá bán ra trừ đi giá trị linh kiện, phụ tùng sản xuất trước. Phương án 2, giá tính thuế tiêu thụ đặc biệt sẽ giữ nguyên như hiện hành, tức là không trừ giá trị linh kiện, phụ tùng sản xuất trong nước. Bộ Tài chính đề xuất chọn phương án 1, nghĩa là giá bán ra trừ đi giá trị linh kiện, phụ tùng sản xuất trước.
Cũng liên quan tới chính sách hỗ trợ doanh nghiệp ôtô trong nước, ông Lê Ngọc Đức cũng kiến nghị miễn, giảm thuế nhập khẩu nguyên, vật liệu cho các nhà sản xuất linh kiện đầu tư tại Việt Nam cùng các cam kết của doanh nghiệp về đầu tư dài hạn, sản lượng và sử dụng nhân lực, chuyển giao công nghệ.
Đối với các linh kiện phức tạp, việc chế tạo sản xuất sẽ hoàn toàn phụ thuộc vào hãng xe sở hữu bản quyền linh kiện đó, vì vậy quyết định đầu tư tại một thị trường cần phân tích rất kỹ về dung lượng cũng như khả năng xuất khẩu trong dài hạn.
“Miễn giảm thuế linh kiện cùng với chiến lược chung của toàn ngành nhằm bảo hộ thị trường, cả hai yếu tố đầu vào và đầu ra đều đã được Chính phủ hỗ trợ cho doanh nghiệp, sẽ giúp các hãng xe tự tin để đầu tư sâu, rộng tại Việt Nam và xuất khẩu trong tương lai gần”, ông Đức nói.
Giải pháp khác về thuế trong ngắn hạn được Tổng giám đốc Tập đoàn Thành công đề cập để doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ôtô trong nước đủ sức cạnh tranh với các hãng xe ngoại, là áp dụng bảo lãnh thanh toán thuế thời hạn 8 tháng thay vì 30 ngày như hiện tại, đảm bảo giảm bớt gánh nặng về thủ tục hành chính cho cơ quan thuế, lợi ích doanh nghiệp. Bộ Công Thương đã nêu rõ các nhiệm vụ giải pháp cụ thể cho từng ngành khi bước sang năm 2018, trong đó có ngành sản xuất ôtô.
Giải pháp dài hạn với ngành công nghiệp ôtô, theo Bộ Công Thương, sẽ có các cơ chế chính sách thu hút đầu tư từ các tập đoàn đa quốc gia đầu tư các dự án có quy mô lớn tại Việt Nam, trong đó tập trung vào các thương hiệu và dòng xe chưa có tại khu vực ASEAN nhằm tạo điều kiện để các doanh nghiệp trong nước tham gia sâu nhất vào chuỗi sản xuất ôtô đa quốc gia.
Theo Anh Minh
VnExpress