Điều gì xảy ra cho Trung Quốc nếu hoàn toàn ngừng làm ăn với Mỹ?

FILE PHOTO: Delivery workers wearing face masks ride scooters in front of Lujiazui financial district, in Shanghai, following the coronavirus disease (COVID-19) outbreak, China July 10, 2020. REUTERS/Aly Song/File Photo

Căng thẳng thương mại leo thang giữa Mỹ và Trung Quốc đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến thương mại song phương; nhưng nếu 2 nền kinh tế hàng đầu thế giới hoàn toàn cắt đứt quan hệ giao thương, thì Bắc Kinh sẽ là phía chịu tổn thất nặng nề hơn, theo phân tích của trang tin tài chính Bloomberg (Mỹ).

Trong tình huống hoàn toàn “chia tay” với Mỹ, tăng trưởng kinh tế Trung Quốc có thể sẽ giảm xuống mức 3,5% trong năm 2030, Bloomberg dẫn lời 2 chuyên gia kinh tế Tom Orlik và Bjorn van Roye nhận định.

Tốc độ tăng trưởng kể trên thấp hơn so với 4,5%, mức dự đoán hiện tại được giới phân tích đưa ra trong tình huống quan hệ 2 nước không có nhiều thay đổi.

Kịch bản 2 cường quốc cắt đứt giao thương – cụ thể là sẽ ngưng mạch giao dịch thương mại và chuyển giao công nghệ, vốn là những yếu tố thúc đẩy tăng trưởng kinh tế – sẽ tạo ra một tác động mà Trung Quốc sẽ là phía bị ảnh hưởng nhiều hơn so với Mỹ do Bắc Kinh hưởng lợi nhiều hơn từ hoạt động trao đổi ý tưởng và sáng chế giữa 2 bên.

Trong kịch bản kể trên, Mỹ cũng chịu thiệt hại, với tăng trưởng kinh tế được dự đoán sẽ ở mức 1,4% trong năm 2030, thay vì ở mức 1,6% theo phỏng đoán hiện tại, chuyên gia kinh tế tại Bloomberg nhận định.

Cũng với kịch bản trên, tăng trưởng về sản xuất của Trung Quốc sẽ chậm lại do không còn được phía Mỹ chuyển giao công nghệ, đồng thời chi tiêu cho đầu tư cũng sẽ yếu đi.

Tuy nhiên, những hậu quả nêu trên sẽ không phải là thảm họa đối với Trung Quốc do trong 20 năm qua, nước này đã thu hẹp đáng kể cách biệt về công nghệ với các nền kinh tế tiên tiến, theo đánh giá của 2 chuyên gia kinh tế tại Bloomberg.

“Nếu Trung Quốc có kế hoạch tăng nguồn tài trợ cho hoạt động nghiên cứu và phát triển trong nước, đồng thời mở rộng quan hệ với các nền kinh tế tiên tiến khác, thì nước này có thể mong bù lại cách biệt đáng kể (về công nghệ)”, chuyên gia Bloomberg phân tích trong bài nghiên cứu công bố hôm 3/9.

Trung Quốc thực tế đã sẵn sàng cho tình huống giảm liên kết với kinh tế toàn cầu. Chiến lược mới của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình là đặt nền kinh tế trong nước làm trọng tâm cho mục tiêu tăng trưởng, nhằm bảo bọc nước mình khỏi bị ảnh hưởng bởi một nền kinh tế toàn cầu đang suy thoái và tình trạng bài Trung đang dâng cao.

Mặc dù không công bố kế hoạch cụ thể, nhưng giới quan sát nhận định Trung Quốc lộ rõ mong muốn trở nên tự chủ hơn về sản xuất công nghệ cao và sáng tạo công nghệ.

Tuy nhiên, Bắc Kinh sẽ phải đối mặt với những hậu quả tàn khốc hơn nếu Mỹ có thể bắt tay với các đồng minh then chốt, như Nhật Bản, Hàn Quốc, Đức và Pháp cùng đồng loạt “chia tay” Trung Quốc. Trong trường hợp đó, tăng trưởng kinh tế Trung Quốc sẽ tụt xuống mức 1,6% vào năm 2030.

Minh Đức

Theo Bloomberg