Doanh nghiệp chọn chính quyền trăn trở vì mình

PCT Quảng Ninh Nguyễn Văn Thành trong một lần "Cafe doanh nhân"

Sự đổi ngôi trên Bảng xếp hạng Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) 2017 và sự có mặt của các đầu tàu kinh tế trong nhóm các địa phương có chất lượng điều hành kinh tế tốt nhất là cách doanh nghiệp thể hiện quan điểm với những gì chính quyền đang làm.

Quảng Ninh: Doanh nghiệp cần gì sẽ thay đổi

Ngôi vương của Quảng Ninh trong PCI 2017 không quá bất ngờ. Năm 2013, Quảng Ninh bắt đầu có tên trong Top 5 PCI. Kể từ đó, sau lần bước hụt vào năm 2014, mỗi năm Quảng Ninh đều đặn bước lên 1 bậc.

“Chúng tôi không đặt mục tiêu sẽ đứng thứ mấy, mà xác định chỉ số nào bị doanh nghiệp chấm thấp, sẽ phải tăng lên để hành động”, ông Nguyễn Đức Long, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư ngay tại Lễ công bố PCI 2017 do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam và Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID) tổ chức hôm qua (22/3).

Năm tỉnh xuất sắc nhất trong Bảng xếp hạng PCI 2017 nhận kỷ niệm chương. Ảnh: Quốc Tuấn
Năm tỉnh xuất sắc nhất trong Bảng xếp hạng PCI 2017 nhận kỷ niệm chương. Ảnh: Quốc Tuấn

Kết quả là, Quảng Ninh trở thành cái nôi của các sáng kiến cải cách, từ vận hành mô hình Trung tâm Hành chính công, thành lập Ban Xúc tiến và Hỗ trợ đầu tư độc lập đến quyết tâm thực hiện công bố thường niên Bộ chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp sở, ngành, huyện và thành phố (DDCI) từ năm 2015… Mới đây nhất, trong năm 2017, fanpage của DDCI trên Facebook đã được thiết lập, đưa Quảng Ninh tiếp tục là người dẫn đầu tận dụng mạng xã hội để tiếp cận và giải quyết các vấn đề của doanh nghiệp.

Có lẽ cảm xúc bị xếp hạng 58/63 tỉnh, thành phố vào PCI 2007 của Quảng Ninh vẫn còn, nên ngay vào thời điểm ở trên đỉnh cao của PCI 2017, ông Long không quên nhắc lại tâm trạng mà ông gọi là khó có thể cắt nghĩa khi đó để nói về các việc cần làm tiếp theo.

“Điều chúng tôi thấy khó cải thiện, khó đáp ứng yêu cầu của doanh nghiệp nhất là hỗ trợ doanh nghiệp tìm kiếm lao động có đào tạo. Số doanh nghiệp đến Quảng Ninh đang tăng lên, cả doanh nghiệp trong nước và nước ngoài, số dự án lớn cũng tăng lên, họ cần một lượng lao động có tay nghề, có chất lượng cao. Chúng tôi sẽ phải có giải pháp để đáp ứng”, ông Long chia sẻ.

Hà Nội bước nhỏ, nhưng chắc

Thăng một hạng trong Bảng xếp hạng PCI 2017, từ 14 của PCI 2016 lên 13 trong PCI 2017 với Hà Nội là bước nhỏ nếu so với tổng thể và cũng là bước nhỏ so với lần tăng tới 10 bậc của PCI 2016 so với năm trước đó.

“Nếu nhìn vào từng điểm số thành phần, bước đi của Hà Nội đang rất chắc chắn. Giới kinh doanh ở Hà Nội hẳn nhìn thấy điều này khi điểm số của Hà Nội năm nay tăng mạnh, từ 60,74 điểm của năm ngoái lên 64,71 điểm trong năm nay”, ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI, Trưởng ban Chỉ đạo PCI nhận định về trường hợp của Hà Nội.

Cụ thể, điểm chấm của doanh nghiệp cho việc Hà Nội cải thiện chi phí thời gian đạt 7,19 điểm so với 5,87 điểm của lần trước. Dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp cũng được ghi nhận là điểm cộng của Thủ đô khi đạt 7,68 điểm. Chỉ số đào tạo lao động cũng vào nhóm cao nhất nước, với 8,09 điểm.

Phải nhắc lại chia sẻ của ông Trần Ngọc Nam, Phó giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội trong lần công bố PCI 2016, đó là mục tiêu lọt Top 10 PCI trong 4 năm nữa. Nghĩa là chỉ còn 3 năm để Hà Nội thực hiện các giải pháp của mình.

Điểm mấu chốt là PCI Hà Nội lên điểm nhờ việc xác định doanh nghiệp là động lực phát triển kinh tế – xã hội của Thủ đô. Bởi vậy, Hà Nội chắc sẽ nghiên cứu lời tư vấn của chuyên gia PCI dành cho mình rằng, chỉ khi xác định doanh nghiệp là trung tâm của các mục tiêu cải cách, thì mọi việc mới thực sự thay đổi.

Những chiếc ghế trống trong Lễ công bố PCI

Những hàng ghế đầu trong Lễ Công bố PCI 2017 như thông lệ dành cho lãnh đạo 63 tỉnh, thành phố. Ngay sau khi thông tin Bảng xếp hạng PCI được công bố, một vài chiếc ghế có biển tên đã để trống.

Lạng Sơn là địa phương duy nhất bị tô đỏ trong Bảng xếp hạng Cải thiện điểm số PCI gốc trong giai đoạn 2006-2017 và cũng là địa phương hiếm hoi không có bảng tên lãnh đạo đầu tỉnh trong lễ công bố PCI năm nay.

“Lạng Sơn là nơi duy nhất không ghi nhận sự cải thiện về điểm số PCI gốc qua các năm. Chỉ số PCI gốc gồm 41 chỉ tiêu được duy trì suốt 12 năm, từ 2006 đến 2017, được giữ nguyên phương pháp luận đánh giá, nên có thể so sánh được theo thời gian”, ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp Chế (VCCI), Giám đốc Dự án PCI chia sẻ số liệu của Lạng Sơn. Ông muốn gửi điều này tới lãnh đạo Lạng Sơn, địa phương đang đứng thứ 53/63.

10 chỉ số thành phần của PCI, gồm chi phí gia nhập thị trường, khả năng tiếp cận đất đai, môi trường kinh doanh minh bạch, thời gian thanh tra, kiểm tra…. phản ảnh gần như toàn diện các hoạt động của các sở, ban, ngành địa phương, nên có thể thấy rõ bức tranh mà doanh nghiệp nhìn nhận trong công tác điều hành của chính quyền địa phương các cấp như thế nào.

“Điểm chấm trong PCI là của doanh nghiệp, chứ không phải do nhóm nghiên cứu PCI. Chúng tôi muốn gửi thông điệp này tới chính quyền các địa phương. Thêm nữa, chúng tôi cũng thấy mối tương quan giữa các tỉnh tăng trưởng cao và các địa phương có thứ hạng cao trong chất lượng điều hành”, ông Tuấn phân tích thêm.

Nghĩa là các doanh nghiệp sẽ không chỉ chấm điểm cao cho những địa phương trăn trở với sự phát triển thuận lợi của doanh nghiệp, họ sẽ đầu tư, tạo ra việc làm cho người dân, tạo tăng trưởng cho địa phương.

Khánh An/Báo Đầu tư