Trong dòng chảy đầu tư nước ngoài, các tập đoàn FDI lớn gần như thống lĩnh thị trường bán lẻ và mở ra nhiều loại hình dịch vụ.
Thế nhưng, điều lạ là nhiều hệ thống siêu thị, cửa hàng, thương hiệu lớn của thế giới đầu tư vào Việt Nam gần chục năm qua nhưng không đóng thuế đồng nào. Việc doanh nghiệp nội bị mất thị trường, Nhà nước lại thất thu, đã khiến dư luận vô cùng bức xúc.
Càng tăng doanh thu càng lỗ – càng lỗ càng mở rộng!
Đầu tiên phải kể đến các siêu thị Metro Việt Nam hoành tráng, chắn khắp các cửa ngõ ra vào TPHCM, thế nhưng lại liên tục báo cáo lỗ, không nộp thuế cho Nhà nước đồng nào, trong khi họ sử dụng những khu đất “vàng”, chiếm lĩnh thị trường bán lẻ.
Từ năm 2006 đến nay, doanh số của hệ thống siêu thị Metro tăng dần từ 5.000 tỷ lên 8.000 tỷ đồng, rồi 13.000 – 14.000 tỷ đồng… nhưng vẫn khai lỗ, không phải nộp thuế. Đến khi Metro được sang nhượng (năm 2016), đổi thành Mega Market vẫn tiếp tục khai lỗ, mặc dù năm 2017 doanh số đạt mức 3.000 tỷ đồng.
Việc khai thuế cũng rất lạ, những năm đầu dù có doanh số nhưng vẫn không có lãi, còn kể từ năm 2011 thì chuyển sang… lỗ. Số lỗ cứ kéo dài liên tục đến ngày nay.
Trong khi đó, doanh nghiệp (DN) liên tục mở rộng, xây dựng nhiều trung tâm thương mại lớn ở vị trí đắc địa khắp nhiều tỉnh thành, từ TPHCM đến Hà Nội và đã có mặt ở Đà Nẵng, Huế, Hải Phòng, Cần Thơ, Bình Dương, Biên Hòa…
Người dân vẫn thắc mắc, tại sao DN lỗ vẫn được sang nhượng với giá cao: Metro sang lại cho DN Thái Lan với giá cao gấp mấy lần tài sản vật chất – nhận một khoản lãi kếch xù từ sang nhượng. Vậy phải chăng, việc báo cáo thuế lỗ là một “nghệ thuật”?
Tương tự, từ khi thành lập vào năm 2012, đến nay Công ty TNHH AEON Việt Nam cũng có hàng chục siêu thị kinh doanh bán lẻ khắp nơi, thế nhưng cũng nhiều năm báo cáo lỗ. Mặc dù doanh thu liên tục tăng nhưng số lỗ cứ ngày một lớn.
Cụ thể, năm 2012, AEON báo cáo lỗ 80 tỷ đồng, năm 2013 số lỗ tăng lên là 140 tỷ đồng (doanh số bán hàng đạt hơn 1.000 tỷ đồng), rồi năm 2015 doanh số tăng lên gần 2.500 tỷ đồng nhưng vẫn lỗ. Năm 2016, doanh số tăng tiếp lên 3.800 tỷ đồng và vẫn lỗ.
Hành trình lỗ kéo dài từ khi thành lập đến năm 2016. Chuyển sang năm 2017, doanh số đạt hơn 5.000 tỷ đồng thì AEON mới bắt đầu nộp số thuế thu nhập DN đầu tiên là 14 tỷ đồng.
Tên tuổi lớn trong “bảng phong thần”
Có thể nói, ai cũng biết đến tên thương hiệu bảo hiểm nhân thọ Dai-Ichi (Công ty TNHH Bảo hiểm nhân thọ Dai-Ichi Việt Nam) vì… thường xuyên bị nhân viên công ty này điện thoại tiếp thị bất kể giờ giấc. Doanh số của Dai-Ichi mỗi năm cũng hàng ngàn tỷ đồng, nhưng vẫn khai lỗ hoặc nộp thuế nhỏ giọt.
Cụ thể, lúc mới ra đời, dù doanh số đạt mức ngàn tỷ đồng nhưng Dai-Ichi vẫn không nộp thuế đồng nào. Đến năm 2010 doanh thu liên tục tăng, từ 1.500 tỷ đồng/năm lên gần 6.000 tỷ đồng/năm vào năm 2016, nhưng mỗi năm chỉ nộp thuế khoảng 30 – 60 tỷ đồng.
Và trong năm 2017, dù doanh số tăng đến 8.500 tỷ đồng nhưng DN lại khai lỗ đến gần 500 tỷ đồng. Tính từ khi thành lập tại Việt Nam đến nay, tổng số thuế mà Dai-Ichi đã nộp của cả 10 năm tồn tại chưa đầy 300 tỷ đồng!
Tương tự, Công ty TNHH Manulife Việt Nam cũng đã có 10 năm hoạt động tại Việt Nam, nhưng chỉ phân nửa số năm trong thời gian đó là có nộp thuế, số thời gian còn lại bị khai lỗ. Trong khi doanh số vẫn tăng đều, từ 1.000 tỷ đồng/năm lúc mới thành lập đến nay là hơn 7.000 tỷ đồng/năm.
Một DN khác, Công ty TNHH Trung tâm Tài chính Việt Nam Berjaya. Đã năm thứ 9 kể từ khi có mặt tại Việt Nam, đến giờ Trung tâm Tài chính Việt Nam Berjaya vẫn chỉ là tên gọi mỹ miều, chưa đóng được đồng thuế nào cho ngân sách.
Trong khi đó, Berjaya “chiếm” khu đất vàng chục hécta ở Hồ Kỳ Hòa, nhưng để đóng băng đến nay chưa khởi động. Rồi Berjaya được biết đến là làng đại học quốc tế tại Hóc Môn, cũng đang nằm bất động.
Và thời gian gần đây, Berjaya còn đầu tư vào hoạt động xổ số Vietlott. Ngạc nhiên là, một DN “hoành tráng” như thế, nhưng trong báo cáo tài chính, có năm Berjaya khai doanh thu chưa đến 1 triệu đồng và số lỗ năm đó lên đến 12 tỷ đồng! Còn trên thực tế thì đến nay Berjaya chưa có dự án đất nào được khởi công.
Điều đó khiến dư luận nghi ngờ DN này không có năng lực thực hiện dự án, chỉ “xí đất” để bán dưới hình thức liên kết, liên doanh, nhưng không tìm được đối tác nên dự án đóng băng.
Do vậy, đã đến lúc cơ quan thẩm quyền cần rà soát, xem xét lại hoạt động thu hút đầu tư vốn nước ngoài đối với những DN xí đất vàng nhưng không đầu tư sinh lãi, không đóng góp cho ngân sách nhà nước, gây lãng phí nguồn tài nguyên của xã hội. Đồng thời có chính sách kiểm tra, chống chuyển giá ở những DN đa quốc gia.