Doanh nghiệp miền Tây lên kế hoạch tuyển lao động hồi hương

Nhiều doanh nghiệp cho rằng người dân miền Tây hồi hương là cơ hội để tuyển dụng lao động, giúp địa phương phát triển kinh tế – xã hội.

Sáng 10/10, UBND tỉnh Kiên Giang thống kê được gần 40.000 công dân trở về từ TP.HCM và các tỉnh phía nam. Trong đó, có 77 F0 được đưa đi cách ly, điều trị.

Để giảm áp lực cho các khu cách ly, tỉnh Kiên Giang sớm vận dụng hướng dẫn của Bộ Y tế, cho lao động có kết quả xét nghiệm âm tính nCoV được cách ly tại nhà 2 tuần. Những cá nhân tiêm đủ 2 liều vaccine phòng Covid-19 chỉ theo dõi thức khỏe tại nhà một tuần.

Mỗi người về quê được nhận 1,5 triệu đồng

Trao đổi với Zing, Phó bí thư Tỉnh ủy Kiên Giang Mai Văn Huỳnh cho biết Thường trực Tỉnh ủy đã thống nhất hỗ trợ mỗi người về quê 1,5 triệu đồng để trang trải chi phí trong thời gian tìm việc làm.

Tỉnh ủy Kiên Giang cũng yêu cầu các địa phương thống kê, rà soát nhu cầu tìm việc của người lao động hồi hương. Các huyện, thành phố sau đó liên kết với các doanh nghiệp để đào tạo nghề, hỗ trợ giải quyết việc làm cho bà con.

Theo Phó chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang Nguyễn Thanh Nhàn, ngoài lao động tự về quê bằng phương tiện cá nhân, cơ quan chức năng đã tổ chức 2 chuyến đón công dân địa phương này trở về từ TP.HCM với gần 1.000 người. Ngày 11/10, tỉnh này tiếp tục đón 500 lao động từ Bình Dương về quê tránh dịch.

“Bà con tự về và tỉnh rước đều được hỗ trợ mỗi người 1,5 triệu đồng từ ngân sách địa phương. Nhu cầu tuyển dụng lao động tại chỗ của các doanh nghiệp trong tỉnh rất nhiều, chúng tôi đang thống kê, rà soát”, ông Nhàn chia sẻ.

Tại An Giang, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thanh Bình cho biết gần 10 ngày qua, địa phương đón khoảng 45.000 người hồi hương. Trong đó, có 360 F0 qua xét nghiệm RT-PCR và vẫn còn nhiều người nghi nhiễm nCoV sau khu test nhanh.

Ngoài việc lo ăn, uống miễn phí cho những người hồi hương trong thời gian cách ly, chính quyền tỉnh An Giang đang vận động các nhà hảo tâm, doanh nghiệp hỗ trợ người dân về quê. Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh An Giang đang lên kế hoạch hỗ trợ người hồi hương từ các gói an sinh.

“Ngày 11/10, UBND tỉnh sẽ có buổi đối thoại với các doanh nghiệp để bàn phương án mở cửa trở lại. Ngoài việc bàn tính trách nhiệm của các bên, chúng tôi sẽ đề cập đến việc tạo công ăn việc làm cho bà con về quê”, ông Bình chia sẻ.

Cơ hội cho doanh nghiệp địa phương

Nói với Zing, ông Ngụy Bá Tùng, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần quốc tế Satraco (TP Sóc Trăng), cho biết nhiều chủ doanh nghiệp ở miền Tây đã lên kế hoạch tiếp cận lao động từ những nhóm công nhân hồi hương. Theo ông Tùng, đây là cơ hội cho doanh nghiệp địa phương thu hút lao động, giúp tỉnh nhà phát triển kinh tế – xã hội.

“Theo tôi, chính quyền địa phương cần rà soát những người về quê lần này xem bà con nào có tay nghề ở từng lĩnh vực. Khi có được số liệu này, cơ quan chức năng công bố rộng rãi để các doanh nghiệp tuyển dụng phù hợp với nhu cầu. Nhiều năm nay, doanh nghiệp địa phương khó tuyển lao động vì bà con đi làm ăn xa”, ông Tùng chia sẻ.

Theo ông Tùng, Sóc Trăng có khu công nghiệp An Nghiệp và một số khu công nghiệp khác đang hình thành. Trong tương lai, tỉnh này có cảng biển quốc tế tại huyện Trần Đề, là cửa ngõ giao thương của các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long nên địa phương cần rất nhiều lao động tại chỗ.

Ngành chế biến tôm mũi nhọn của Sóc Trăng thu hút hàng chục nghìn lao động địa phương. Ảnh: Trường Giang.

Tương tự, ông Trần Văn Tuấn, Giám đốc Công ty TNHH Khánh Sủng ở huyện Mỹ Xuyên, Sóc Trăng (chuyên ngành chế biến thủy sản), cho rằng lao động về quê lần này tạo ra nguồn lao động dồi dào cho các doanh nghiệp ở miền Tây. Theo ông Tuấn, từ 25/10, doanh nghiệp sẽ thông báo tuyển dụng lao động vì lúc đó có nhiều người hồi hương hoàn thành thời gian cách ly theo quy định.

“Chúng tôi sẽ tuyển trên 500 lao động trong đợt đầu tiên. Những công nhân có tay nghề, doanh nghiệp đảm bảo lương mỗi tháng từ 7 triệu đồng trở lên. Bà con về quê cần việc làm nhưng chưa có tay nghề sẽ được chúng tôi đào tạo”, ông Tuấn khẳng định.

Theo Zing