Ngân hàng

Động lực nào cho tăng trưởng ngành ngân hàng 2018?

Ngành ngân hàng năm 2018 được dự báo sẽ vẫn có các yếu tố thúc đẩy tăng trưởng bên cạnh thách thức phải đối mặt, đặc biệt là câu chuyện tăng vốn. SSI Research dự báo lợi nhuận tại 14 nhà băng năm 2018 sẽ tăng 32,9%.

Ngành ngân hàng năm 2017 chứng kiến sự vượt dòng ngoạn mục của các cổ phiếu sau thời gian dài “ngủ đông”. Không chỉ thể hiện trên thị trường chứng khoán vốn được coi là hàn thử biểu của nền kinh tế, thực tế, hoạt động của hệ thống đã có nhiều cải thiện trong năm qua.

Theo báo cáo phân tích mới đây của Bộ phận phân tích khách hàng tổ chức SSI Research, ngành ngân hàng năm 2017 đã có nhiều điểm nhấn đáng chú ý như chính sách mới được Chính phủ và NHNN ban hành đã giúp xoay bánh lái, tăng tốc xử lý các khoản nợ xấu, các giải pháp tái cấu trúc cho các ngân hàng yếu kém gồm cho phép bán nợ xấu cho VAMC, áp dụng lãi suất cho vay dài hạn 0% đối với các ngân hàng 0 đồng hay thông qua quy trình phá sản.

Bên cạnh chính sách từ các nhà điều hành, bản thân chất lượng tài sản của các ngân hàng cũng đã được cải thiện với tỷ lệ nợ xấu (bao gồm nợ xấu bán cho VAMC) giảm từ 11,9% vào năm 2016 xuống 9,5% vào năm 2017.

Cùng đó, việc thiếu hụt về vốn không ảnh hưởng xấu đến ngân hàng như dự báo trước đó. Nguyên nhân là các ngân hàng vẫn có thể cơ cấu lại tài sản để giảm rủi ro, đồng thời kết quả kinh doanh tốt năm 2017 cũng giúp tăng lợi nhuận chưa phân phối của các ngân hàng. Tỷ lệ NIM được cải thiện nhờ mở rộng mảng tín dụng tiêu dùng. Tỷ lệ PB (giá trị sổ sách) bình quân ngành ngân hàng niêm yết được tăng đáng kể từ mức 1,3x-1,4x vào năm 2016 lên 1,6x-1,7x vào năm 2017.

Đánh giá về các nhân tố tác động đến ngành ngân hàng năm 2018, SSI Research đã chỉ ra 6 yếu tố chính sẽ tác động đến tăng trưởng lợi nhuận ngành ngân hàng. Trong đó, kế hoạch tăng trưởng tín dụng chậm lại, điều kiện thuận lợi để giảm lãi suất cùng tiềm năng phát triển mảng tín dụng tiêu dùng là những nhân tố chính tác động lên mảng kinh doanh cốt lõi.

Tín dụng 2018: Cơ hội “tỏa sáng” của lĩnh vực cho vay tiêu dùng

Đối với hoạt động cho vay truyền thống, tăng trưởng tín dụng có khả năng sẽ giảm xuống so với năm 2017 bởi những lo ngại về lạm phát đã khiến NHNN đặt mục tiêu tăng trưởng tín dụng năm 2018 giảm xuống 17% so với kế hoạch cùng kỳ và thấp hơn so với mức 18,17% thực hiện năm 2017. Giới hạn tăng trưởng tín dụng phân bổ cho các ngân hàng do đó có thể giảm so với các năm trước.

Tỷ lệ nguồn vốn ngắn hạn được sử dụng để cho vay trung hạn và dài hạn tối đa đã giảm từ 50% xuống 45%. Tuy nhiên, mức giảm trên vẫn dễ thở hơn cho các ngân hàng bởi kế hoạch trước đó là giảm tỷ lệ này xuống 40%.

Liên quan đến hoạt động cho vay, Chính phủ đã nhiều lần đưa ra thông điệp về việc yêu cầu hệ thống ngân hàng giảm lãi suất. Điều này cũng đặt ra câu hỏi về ảnh hưởng chính sách tới tỷ lệ NIM của ngành.

Tuy nhiên, theo SSI Research, chi phí vốn bình quân năm 2018 sẽ giảm xuống nhờ các chính sách hỗ trợ của chính phủ cùng sự cải thiện đáng kể của cán cân thanh toán năm 2017 và 2018. Cụ thể, các lãi suất điều hành và lãi suất cho vay OMO đều đã giảm xuống 0,25% trong hơn một năm qua. Cùng đó, việc bán vốn nhà nước từ các doanh nghiệp nhà nước và các công ty tư nhân vào năm 2018 có thể tiếp tục thu hút một lượng lớn dòng vốn nước ngoài, dẫn đến việc phải bơm một lượng lớn đồng nội tệ vào hệ thống.

Điều này cũng sẽ mang lại một khoản tiền lớn cho ngân sách nhà nước, làm giảm nguồn cung cấp trái phiếu chính phủ và trái phiếu do Chính phủ hỗ trợ đồng thời tăng nguồn tiền gửi của Kho bạc Nhà nước tại các ngân hàng thương mại. Theo bộ phận phân tích của SSI, lượng tiền trên có thể giúp thanh khoản cho hệ thống ngân hàng tăng lên đáng kể, lãi suất ngắn hạn có thể giảm trong khi lãi suất trung và dài hạn duy trì được ở mức thấp.

“Dòng vốn chảy vào sẽ giúp hệ thống ngân hàng có thể giảm lãi suất”, báo cáo của SSI Research cho hay.

Lãi suất thấp hơn cũng cho phép các ngân hàng chuyển đổi cơ cấu vốn vay bằng cách mở rộng nhiều hơn sang mảng cho vay bán lẻ / tiêu dùng. Đây vốn là lĩnh vực có tỷ lệ NIM cao hơn, đồng thời, đóng vai trò thúc đẩy tiêu dùng nội địa.

Do mảng tín dụng cá nhân vẫn đang trong giai đoạn đầu của chu kỳ, SSI Research cho rằng rủi ro tổng thể sẽ có thể được quản lý và đa dạng hơn trong một hoặc hai năm tới. Tỷ lệ thâm nhập các khoản cho vay bán lẻ hiện vẫn ở mức thấp. Lãi suất thấp và ổn định có thể tạo điều kiện đẩy mức độ thế chấp cao hơn. Theo đánh giá của SSI, Việt Nam có một cơ hội đặc biệt để “tỏa sáng” ở lĩnh vực này.

Tỷ trọng cho vay tiêu dùng trên tổng dư nợ tín dụng gia tăng là một trong các yếu tố tác động tích cực lên tăng trưởng ngành năm 2018 này.

Tiềm năng từ bancassurance và các khoản lợi nhuận đến từ “của để dành”

Đối với lĩnh vực phi tín dụng, SSI Research nhận định việc bán bảo hiểm qua kênh ngân hàng (bancassurance) sẽ đóng góp ngày càng nhiều hơn vào thu nhập từ phí của các nhà băng. Lũy kế 9 tháng đầu năm 2017, ước tính 3,2 tỷ USD phí bảo hiểm gốc, tương đương 7% tổng phí bảo hiểm của ngành bảo hiểm được bán qua kênh bancassurance, tăng 66,7% so với cùng kỳ năm trước. Nhiều “cái bắt tay” hợp tác độc quyền giữa ngân hàng và bảo hiểm với các sản phẩm tín dụng đóng gói cùng sản phẩm bảo hiểm phi nhân thọ đã diễn ra trong năm 2017. Hiện 5 ngân hàng hàng đầu trong phân khúc này là Techcombank (23,1%), VietinBank (10%), BIDV (8,8%), Maritime Bank (6,1%) và CitiBank (5,6%).

Cùng đó, CTCK này cũng đánh giá nhiều ngân hàng sẽ ghi nhận sự tăng trưởng đáng kể nguồn thu nhập từ thoái vốn các khoản đầu tư và thu hồi các khoản nợ xấu đã xử lý. Một số thương vụ thoái vốn được dự báo gồm bán cổ phần MBB, EIB và OCB tại Vietcombank, STB tại Eximbank, PG Bank và PVComBank tại Maritime Bank và STB tại LienVietPostBank.

Với sự tăng mạnh gần đây của các cổ phiếu ngân hàng, CTCK này kỳ vọng sẽ có một khoản thu nhập lớn từ các hoạt động đầu tư. SSI Research nhận định hầu hết các ngân hàng sẽ duy trì động lực tăng trưởng trong năm 2018 với tăng trưởng lợi nhuận bình quân tại 14 ngân hàng ước đạt khoảng 32,9%. Trong đó tăng trưởng mạnh nhất là ACB (dự kiến tăng 120% lên gần 5.830 tỷ đồng), HDBank (dự kiến tăng 60,5% lên 3.885 tỷ đồng), VIB, TPB, VPB, VCB dự kiến tăng từ 37-gần 40% trong năm tới.

Ước tính tăng trưởng lợi nhuận tại 14 ngân hàng – Nguồn : SSI

Thách thức từ kế hoạch tăng vốn cho các nhà băng

Theo Đề án tái cơ cấu hệ thống ngân hàng giai đoạn 2016-2020 thì việc áp dụng thí điểm Basel II trên 10 ngân hàng sẽ thực hiện trong năm 2017-2018. Những nhà băng này sẽ phải tuân thủ thời hạn Basel II và cần bắt đầu chuẩn bị tăng vốn, bao gồm BID, CTG, VCB, TCB, ACB, VPB, MBB, Maritime Bank, STB và VIB.

Xét riêng 14 ngân hàng, bộ phận phân tích SSI ước tính có khoảng một nửa sẽ tăng vốn cấp 1 và cấp 2 trong năm với lượng vốn huy động ước tính 69.774 tỷ đồng, tương đương 3,07 tỷ USD vào năm 2018.

Một thách thức khác mà các ngân hàng yếu hơn có thể phải đối mặt đó là việc chênh lệch ngày càng lớn hơn về lãi suất huy động giữa ngân hàng lớn và nhỏ. Luật sửa đổi của tổ chức tín dụng có hiệu lực kể từ 15/1 đã quy định chi tiết cách cho phép các ngân hàng gặp khó khăn bị phá sản.

“Một số ngân hàng sẽ được hưởng lợi vì điều này sẽ làm tăng tính hấp dẫn của nhà băng với người gửi tiền. Trong khi đó, nhu cầu vay liên ngân hàng có thể tăng lên ở các ngân hàng yếu hơn”.

Thanh Thủy

NDH


Comments

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *