Dự án BT bị tạm dừng giao đất: Vẫn tiến thoái lưỡng nan!

Tuyến đường dài hơn 3,7km nối từ đê Ngọc Thụy đến Khu đô thị mới Thượng Thanh, nhà đầu tư được đối ứng quỹ đất lớn tại dự án Khai Sơn City Long Biên. Ảnh: Petrotimes

Nhiều địa phương đang tìm cách gỡ nút thắt tạm dừng giao đất cho các chủ đầu tư dự án BT, tuy nhiên tháo gỡ bằng cách nào vẫn đang là câu hỏi lớn khi các dự án này còn tồn tại quá nhiều bất cập gây lợi ích nhóm, thất thoát ngân sách nhà nước.

Việc thực hiện các dự án BT (đầu tư hạ tầng giao thông theo hình thức xây dựng – chuyển giao) đang là vấn đề rất nóng trong dư luận thời gian gần đây. Trước nhiều bất cập trong việc thực hiện loại hình đầu tư này đã được các chuyên gia chỉ ra trước đó như lợi ích nhóm, thất thoát ngân sách, vừa qua Bộ Tài chính đã có quyết định tạm dừng việc sử dụng tài sản công để thanh toán cho nhà đầu tư các dự án BT từ ngày 1/1/2018 cho đến khi Nghị định của Chính phủ quy định việc sử dụng tài sản công để thanh toán cho nhà đầu tư theo hình thức BT có hiệu lực thi hành.

Theo Bộ Tài chính, việc đề nghị UBND TP. Hà Nội rà soát việc chấp thuận chủ trương sử dụng tài sản công để thanh toán cho nhà đầu tư thực hiện dự án BT trong bối cảnh hiện tại là hợp lý nhằm bảo đảm các dự án này được thực hiện phù hợp với quy định của pháp luật và ý kiến chỉ đạo của Chính phủ.

Đề xuất của Bộ Tài chính đã được nhiều chuyên gia cho rằng, đây là dịp để các địa phương án rà soát lại các dự án BT, đặc biệt là thời gian qua khi việc triển khai các dự án BT có quá nhiều sai phạm cần phải thanh tra, kiểm tra một cách toàn diện.

Theo đó, bức tranh các dự án BT thực sự không mấy sáng sủa khi kết luận của Kiểm toán Nhà nước qua kiểm toán 30 dự án BT từ trước tới nay đã kiến nghị xử lý tài chính lên tới 4.515 tỷ đồng, trong đó nhiều dự án tỉ lệ xử lý tài chính lên đến gần 30% tổng giá trị dự án được kiểm toán.

Trước đó, Thanh tra Chính phủ cũng đã công bố kết luận thanh tra việc chấp hành quy định pháp luật trong quá trình thực hiện một số dự án theo hình thức hợp đồng BT, BOT trong lĩnh vực giao thông, môi trường.

Đối với UBND TP Hà Nội, Thanh tra Chính phủ cho biết, cơ quan này chưa thực hiện đúng quy định về việc lập, phê duyệt, công bố danh mục các dự án đầu tư theo hình thức BT, BOT lĩnh vực giao thông và môi trường, giai đoạn 2008 – 2012, gây ảnh hưởng đến việc lựa chọn nhà đầu tư (không đủ số lượng nhà đầu tư tham gia để lựa chọn) để thực hiện chủ trương đầu tư, làm giảm hiệu quả đầu tư, giảm tính minh bạch và cạnh tranh công bằng.

Trên thực tế, đến thời điểm thanh tra, trong số 15 dự án BT nhưng chỉ có 1 dự án được thực hiện theo hình thức đấu thầu, 14 dự án còn lại là hình thức chỉ định thầu. UBND TP. Hà Nội cũng không thực hiện đúng quy trình lựa chọn nhà đầu tư, thẩm định, đánh giá năng lực đối với một số nhà đầu tư không chính xác, thiếu chặt chẽ; thậm chí là đã ký hợp đồng để thực hiện dự án đối với một số nhà đầu tư không đảm bảo năng lực theo quy định.

Với hàng loạt những sai phạm tại các dự án BT, quyết định của Bộ Tài chính về việc tạm dừng giao đất cho các dự án này tại thời điểm đó được nhiều chuyên gia và dư luận đánh giá là giải pháp tích cực của cơ quan quản lý nhà nước đối với các dự án này trước khi chờ các quy định mới hợp lý hơn từ Chính phủ.

Theo ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP. HCM, việc thực hiện các dự án BT trong thời gian qua đã bộc lộ những mặt hạn chế dẫn đến phát sinh tiêu cực, lợi ích nhóm, tác động đến môi trường đầu tư kinh doanh, và lợi ích xã hội.

Ông Châu cho rằng, hình thức đầu tư này có thể khiến tính minh bạch, bình đẳng, cạnh tranh lành mạnh của môi trường kinh doanh bị sụt giảm và có thể gây thiệt hại ngân sách nhà nước, trong khi đó lại tạo điều kiện cho chủ đầu tư dự án được hưởng lợi nhiều lần.

Về vấn đề này, luật sư Trương Thanh Đức cũng cho rằng, các khu đất trước khi được giao làm đất đối ứng cho các chủ đầu tư dự án BT hầu hết là đất nông nghiệp hoặc đất chưa phải đô thị, có giá trị rất thấp. Trong khi đó, sau khi dự án BT được triển khai, chuyển đổi mục đích sử dụng đất thành đất ở, giá trị đất sẽ tăng lên rất nhiều lần.

Sự chênh lệch quá lớn về giá đất sau khi dự án hoàn thành nếu không đánh giá đúng được giá trị thực của mảnh đất, không tính đúng, tính đủ sẽ gây thất thoát lớn cho ngân sách.

Chưa có lối ra

Những bất cập trong việc thực hiện các dự án BT là vậy, tuy nhiên quyết định tạm dừng việc giao đất cho các chủ đầu tư dự án này của Bộ Tài chính cũng chưa hẳn nhận được sự đồng thuận, nhất là từ phía các chủ đầu tư và cơ quan quản lý.

Nhiều ý kiến cho rằng, việc tạm dừng giao đất cho các nhà đầu tư dự án BT sẽ gây rất nhiều khó khăn cho các dự án này, đặc biệt là đối với các dự án đã được quyết định đầu tư trước khi có quyết định tạm dừng giao đất của Bộ Tài Chính.

Trong đó, đáng chú ý là 5 dự án BT trên địa bàn TP. Hà Nội như dự án đầu tư xây dựng tuyến đường từ đê sông Hồng đến Khu đô thị mới C2 – Gamuda Gardens, quận Hoàng Mai, dự án xây dựng các tuyến đường giao thông đấu nối hạ tầng các khu đô thị dân cư quận Hà Đông, dự án xây dựng tuyến đường Minh Khai – Vĩnh Tuy – Yên Duyên, dự án xây dựng tuyến đường từ đường Lê Trọng Tấn đến đường Vành đai 3.

Theo Sở Kế hoạch và đầu tư TP. Hà Nội, đây là các dự án đã được nghiên cứu từ năm 2009 đến 2015, đã được UBND thành phố báo cáo và Thủ tướng đồng ý chủ trương thực hiện theo hình thức BT, cho phép chỉ định nhà đầu tư đàm phán trực tiếp hợp đồng BT.

rong khi đó, ông Phạm Quý Tiên, Chánh văn phòng UBND TP. Hà Nội cho biết, đối với các dự án BT, nhà đầu tư phải ứng toàn bộ vốn để lập quy hoạch chi tiết 1/500, thực hiện công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, xây dựng hạ tầng kỹ thuật theo đúng quy hoạch và dự án được duyệt, bàn giao cho thành phố để xác định giá trị quỹ đất thanh toán.

Theo ông Tiên, sau khi quy hoạch chi tiết 1/500 và chủ trương đầu tư dự án được phê duyệt, UBND thành phố mới quyết định giao đất để thanh toán cho công trình BT. Sau khi thanh toán tương đương giá trị công trình BT, diện tích đất còn thừa (nếu có), thành phố sẽ thu hồi lại, thực hiện quản lý theo đúng quy định của Luật Đất đai 2013 và các Nghị định của Chính phủ.

Như vậy, để triển khai các dự án này, nhà đầu tư đã phải bỏ ra một lượng tiền rất lớn để thực hiện các hạng mục như đền bù, giải phóng mặt bằng, thiết kế, thi công. Việc dừng giao đất đang gây những khó khăn rất lớn cho chủ đầu tư trong công tác triển khai dự án.

Tại Hội nghị trực tuyến đánh giá tình hình phát triển kinh tế – xã hội năm 2018 và xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội năm 2019 do Bộ Kế hoạch và đầu tư tổ chức mới đây, theo Phó chủ tịch UBND TP. Hà Nội Nguyễn Doãn Toản, hiện việc thanh toán bằng đất cho các dự án BT đang bị dừng lại theo đề nghị của Bộ Tài chính.

Song “dừng ngày nào thì các chủ đầu tư tính lãi ngày đó. Trong khi thành phố đã chuẩn bị đất đai rồi, nếu giao sớm ngang giá thì giảm lãi suất, tăng hiệu quả đầu tư”, ông Toản nói.

Đồng quan điểm, ông Sử Ngọc Anh, Giám đốc Sở Kế hoạch và đầu tư TP. HCM cũng cho rằng, BT là một trong những kênh huy động nguồn lực xã hội để triển khai các dự án hạ tầng giao thông cho thành phố. Tuy nhiên, bài toán khó nhất với địa phương trong các dự án đổi đất lấy hạ tầng – BT chính là làm thế nào để thực hiện thanh toán đất cho nhà đầu tư như hoạt động chuyển nhượng đất, đấu giá đất.

Vấn đề này hiện vẫn chưa có hướng dẫn cụ thể, do đó địa phương không áp dụng được. Điều này đã làm ảnh hưởng đến các dự án thực hiện theo phương thức này.

Trong khi đó, không thể phủ nhận rằng, việc đầu tư phát triển hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, đặc biệt là các công trình giao thông là yêu cầu bức thiết của nhiều địa phương. Trong bối cảnh nguồn lực đầu tư từ ngân sách còn khó khăn, việc đầu tư theo hình thức hợp tác công tư BT đã được Chính phủ chỉ đạo, tập trung triển khai thực hiện từ nhiều năm qua.

‘Sai ở đâu nên sửa tận gốc ở đó’

Trước những vướng mắc trong việc giao đất khiến các dự án BT bị “đình trệ”, đưa ra giải pháp cho thực trạng này, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP. HCM cho rằng, việc tạm dừng giao đất cho các dự án này sẽ khiến cả các nhà đầu tư và nhà nước gặp khó khăn.

Do đó, đối với các công trình, dự án được lựa chọn theo đúng quy định của BT giai đoạn trước, đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt thì nên cho giao đất cho doanh nghiệp thực hiện.

Ở khía cạnh khác, chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh lại cho rằng, đối với các dự án BT đã được phê duyệt nhưng còn gây nhiều tranh cãi trong dư luận, các cơ quan quản lý cần thực hiện “lại từ đầu” việc đấu thầu, đấu giá đất, đảm bảo công khai minh bạch.

Chính phủ và các cơ quan bộ ngành đã có chủ trương sửa sai trong việc thực hiện các dự án BT thì nên sửa sai một cách triệt để. Tránh vì tư duy sẽ gây kéo dài thời gian thực hiện dự án mà bỏ qua cho sai phạm. “Thà chậm còn hơn để dẫn đến các hệ luỵ như thất thoát ngân sách nhà nước, lợi ích nhóm”, ông Doanh nhấn mạnh.

Đồng quan điểm, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cũng cho rằng, đối với những dự án đã có quyết định phê duyệt dự án, quyết định giao đất rồi cũng cần phải điều tra lại xem đã thực sự hợp lý hay chưa. Đơn cử như trường hợp của Thủ Thiêm (TP. HCM), Nhà nước có thể điều tra thu hồi lại phần đất đã cấp không đúng quy đinh.

Để tăng tính hấp dẫn, đảm bảo quyền lợi cho nhà đầu tư, nhà nước và cả người dân trong quá trình thực diện dự án BT, nhiều chuyên gia cho rằng. quan trọng nhất vẫn là tính công khai minh bạch.

Theo đó, cần thực hiện phổ biến hình thức đấu thầu rộng rãi trong nước và quốc tế để lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư, hạn chế tối đa việc chỉ định nhà thầu. Đồng thời, cần thực hiện đấu giá đất để đảm bảo tính đúng, tính đủ diện tích đất giao cho các nhà đầu tư, làm lợi cho ngân sách nhà nước và tăng cường sự đồng thuận trong dư luận.

Thu Phương/TheLeader