46 nông dân bị án tù trong vụ “gây rối” ngày 17 – 18/2/2009 ở xã Long Hưng, mỗi bản án là một nỗi oan khuất thế nào, phiên xử có dấu hiệu ngụy tạo chứng cứ nhân chứng ra sao, đến bây giờ người ta mới được nghe.
>> Dự án Donacoop đẩy dân vào cảnh điêu tàn
>> Dự án “tỷ đô” DonaCoop: “Mưu hèn, kế bẩn” ức hiếp cả người chết
Có người bị cho là chỉ vì bộc trực dám “mắng” lãnh đạo xã, mà bị vu là “cầm đầu”, bị tù năm năm. Bố đã như vậy, con trai cũng bị giam cả tháng trời, không kết tội được nhưng không một lời xin lỗi, không một xu bồi thường.
Đối với gia đình cụ Nguyễn Thị Thơ, dự án “Khu đô thị sinh thái kinh tế mở Long Hưng” (tại xã Long Hưng, TP Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai, do Liên hiệp HTX Dịch vụ nông nghiệp tổng hợp Đồng Nai – Dona.Coop, làm chủ đầu tư) là “cơn ác mộng”.
“Dự án cướp đi đất đai nhà cửa, mang đến tù đày oan trái”, một người con trai cụ Thơ nói. Không chỉ bị áp giá rẻ mạt bồi thường 327 ngàn đồng cho bốn căn nhà và 562m2 đất (PLVN đã phản ánh trong bài viết trước), gia đình này còn có ba người bị tống vào tù.
Hai con trai cụ Thơ là ông Đào Quang Hùng và Đào Văn Thịnh sau khi ra tù nay vẫn kêu oan. Cháu nội cụ Thơ là Đào Văn Cường (con ông Hùng) bị bắt giam oan hơn tháng trời.
“Giải vây” Chủ tịch xã, được “đền ơn”… bốn năm tù
Bản kết luận điều tra (KLĐT) của Công an Đồng Nai vụ nông dân xã Long Hưng “đốt trụ sở”, cáo buộc ông Đào Văn Thịnh như sau:
“Bị can Đào Văn Thịnh. SN 1971. HKTT Khu 3 ấp Phước Hội. Tiền án tiền sự: Chưa. Ngày 18/2/2009 cùng đồng bọn tham gia gây rối tại UBND xã Long Hưng. Ngày 19/2 bị bắt. Qua điều tra đã chứng minh Thịnh tham gia vụ án với các hành vi:
Ngày 17/2 ra ủy ban xã cùng nhiều người chất vấn chị Hoài là Chủ tịch xã Long Hưng. Ngày 18/2 thường xuyên có mặt ở ủy ban xã trong nhóm đi đầu để tụ tập phản đối quy hoạch, bao vây không cho cán bộ xã ra về và làm việc.
Tham gia lên lầu trụ sở xã xông vào phòng Chủ tịch yêu cầu xuống viết cam kết xóa vết sơn trên mồ mả và không được quy hoạch giải tỏa khu mồ mả; xông vào phòng đòi đánh Chủ tịch Hội Nông dân xã Lê Hảo Tùng; có lời nói lăng nhục chính quyền và hô hào kích động mọi người gây rối, đập phá trụ sở xã; tiếp tế bánh mì cho đối tượng gây rối ăn.
Hành vi nêu trên của Thịnh đã đủ yếu tố cấu thành tội Gây rối trật tự công cộng với vai trò là người tích cực, quá khích khi thực hiện hành vi phạm tội”.
Phản bác những cáo buộc trên, ông Thịnh kể lại câu chuyện như sau:
“Chuyện nhà tôi gần 600m2 đất và nhà được bồi thường số tiền mua được vài ký thịt, tất nhiên ai chẳng bức xúc. Nhưng không phải vì thế mà đi gây rối. Lúc đó tôi còn tin vào chính quyền địa phương, hơn nữa cả nhà ai cũng công việc đàng hoàng. Dại gì đi gây rối.
Tôi làm nghề tài xế. Theo luật pháp nếu gặp một người bị thương nằm bên đường, không đưa người ta đi cấp cứu thì có tội. Thế nhưng oái oăm là có khi cứu người cũng bị tội. Chuyện tôi bị đi tù cũng vậy, vì tôi cứu chị Chủ tịch xã. Nghe vô lý không? Thế mà sự thật đây.
Bữa đó 18/2, đi làm về qua, thấy mọi người bức xúc vì mồ mả bị quẹt sơn, mỗi người một câu la ó rầm trời, tôi vào xã hỏi chuyện. Lúc đó lãnh đạo xã là chị Hoài, chị ấy bảo “không biết”. Tôi nóng ruột, tôi nói thế này: “Chị là một chủ tịch xã, chị Thúy là bí thư. Chính quyền ở đây. Thế nhưng một đám người kéo nhau đi quẹt sơn mồ mả cả nghĩa địa, chính quyền không biết thì vô lý. Bây giờ tôi hỏi chị vậy chính quyền làm gì, ai bảo vệ quyền lợi của dân”.
Tôi nói tiếp: “Các cụ nói “Đất có Thổ công, sông có Hà Bá”. Ai ở nơi khác đến, từ đo đất, đến bắt tội phạm, đều phải liên hệ báo chính quyền. Bây giờ chị nói “không biết” thì tôi thấy không được, dân người ta phản đối là phải. Lực lượng dân phòng đâu, công an xã đâu, phải mời đám người bôi xấu mồ mả đó về. Chị ấy lúc này mới nói: “Đám người đó của Dona.Coop”.
Dân lúc đó kéo đến rất đông, bức xúc. Chị Hoài thì sợ bị đánh, nên cùng là người quê miền Bắc với nhau, chị ấy mới nói: “Thịnh ơi, thôi chị đóng cửa lại”. Lúc đó đã trưa, tôi chuẩn bị về thì chị ấy lại ló ra, bảo đã làm giấy cam kết trả lại nguyên trạng những ngôi mộ. Chị ấy không dám đứng ra đọc nên nói: “Chú đọc giúp chị, chị ra sợ dân đánh”.
Tôi đơn giản chỉ nghĩ giúp chính quyền, giúp chị Chủ tịch xã, giúp dân, nên tôi ra đọc cho dân hiểu và người ta đi về. Xong đó tôi cũng ra về. Thế mà cuối cùng bắt tôi, cho tôi là kích động dân, là cầm đầu. Thấy người gặp nạn không cứu là có tội. Nhưng ở trường hợp tôi, thấy người mà cứu cũng bị tội là thế đấy”.
Ông Thịnh không có mặt tại trụ sở xã thời điểm một số người “đốt trụ sở”: “Tôi bị sốt rét rừng từ xưa, cứ 2h chiều là lên cơn sốt. Về ngang đó thấy dân la ó phản đối, tôi vào một lát như trên rồi về. Sốt quá, chiều đó vợ tôi còn chở ra bác sĩ truyền nước, sức đâu mà xúi giục với kích động. Vừa từ bác sĩ về là công an tới bắt thôi”.
Ông Thịnh sau đó bị tuyên bản án bốn năm tù.
Ông Đào Quang Hùng: “Hôm xử, người ta bảo “cứ có mặt là có tội. Không làm gì, cứ bị quay phim là có tội. Không nói nhiều” |
Lời kêu oan của “kẻ chủ xướng”
Anh trai ông Thịnh, trong Bản KLĐT vụ này, còn bị cáo buộc nặng nề hơn:
“Bị can Đào Quang Hùng. SN 1957. Chỗ ở Tổ 9, Khu phố 2, phường Long Bình Tân, TP Biên Hòa.
Ngày 18/2/2009 cùng đồng bọn tham gia gây rối. Qua điều tra đã chứng minh Hùng tham gia vụ án với các hành vi:
Tham gia cùng một số đối tượng gây áp lực phản đối quy hoạch tại xã Long Hưng. Trong lúc cùng với mọi người tụ tập bao vây ủy ban xã gây áp lực phản đối quy hoạch, Hùng đã có nhiều lời nói kích động người dân như: Bà Hoài đã đến nhà Hùng để thương lượng riêng đền bù theo giá ưu đãi. Khi người dân bỏ ra về thì Hùng lôi kéo yêu cầu họ ở lại để gây áp lực với chính quyền, cơm nước Hùng sẽ lo.
Hùng còn nói tài sản của Hùng bằng nửa tài sản của Trúc (ông Trúc là chủ dự án khu kinh tế mở Long Hưng). Hùng xông lên lầu đá cửa kính phòng Khối Dân vận và đòi đánh anh Tùng. Khi nhìn thấy anh Châu đến quay phim thì Hùng trực tiếp xô ngã, dẫn đến việc nhiều người hùa theo vây đánh anh Châu và chiếm đoạt máy quay phim.
Hành vi nêu trên của Hùng đã đủ yếu tố cấu thành tội Gây rối trật tự công cộng với vai trò chủ xướng, quá khích, làm cho vụ việc từ vụ khiếu nại đông người thành vụ Gây rối trật tự công cộng”.
Người đàn ông 61 tuổi nay vẫn là chủ một doanh nghiệp, đang trục vớt tàu biển tại cảng Quy Nhơn, nghe tin có đoàn nhà báo về tìm hiểu đã chạy xe từ Bình Định về Đồng Nai, kể lại:
“Ban đầu người ta cho rằng em tôi kích động gây rối, về sau lộn đảo hết, cho là tôi cầm đầu, em tôi đứng hàng thứ hai. Đấy, vậy là em tôi đi bốn năm tù, tôi năm năm tù.
Những cáo buộc trên là tầm bậy. Phiên xử vô lý lắm. Những ai không dính hình, không chứng minh là quậy phá thì tòa cho mời hai nhân chứng. Nhưng nhân chứng đó là ai, toàn là cán bộ xã. Như anh Chủ tịch xã mới nhậm chức sau khi vụ đó xảy ra, có chứng kiến gì đâu mà cũng làm nhân chứng, khai gian vu tội cho chúng tôi.
Tôi vốn là lính Công trường 5 Quân khu 7. Sau này chiến tranh biên giới Tây Nam tôi tái ngũ, là thương binh hạng 2/4 chiến trường Campuchia. Năm 1982 tôi xuất ngũ, về làm ăn buôn bán. Tôi chẳng có miếng đất nào ở Long Hưng cả. Nhà, đất, ruộng bị dự án Dona.Coop thu hồi là của mẹ và các em. Tôi chẳng có động cơ gì để gây rối.
Vụ này vừa “dằn mặt” người phản đối Dona.Coop, còn là dịp để cán bộ thừa cơ “xử” mâu thuẫn cá nhân. Như giữa nhà tôi khi đó với chị Bí thư xã. Chị này trước đó lấy đất ruộng nhà tôi làm đường cho xe hơi vào nhà. Mẹ tôi ra nói, chị ấy còn miệt thị vùng miền. Nhà tôi ức quá đâm đơn kiện. Sau chị ấy năn nỉ, bố tôi mới rút đơn. Nhưng chị ấy vẫn thù.
Nhà riêng tôi ở ngoài phường Long Bình Tân. Dạo ấy mẹ tôi ốm, tôi mang tô bún cho bà, về ngang thấy đám đông. Tôi vào, nói với cán bộ xã: “Chuyện mồ mả ấy, muốn giải tỏa thì phải mời người ta lên nói chuyện chứ đừng làm vậy”. Chết là tôi nói to tiếng, nên bị ghép vào cầm đầu. Ý họ là tôi to tiếng nên dân mới nói to thêm.
Chết nữa là tôi thẳng tính quá. Chuyện mồ mả cả xã bị bôi bẩn mà Chủ tịch Bí thư nói “không biết”. Tôi uất quá, nói bô bô: “Dân đóng thuế nuôi bộ máy chính quyền mà lãnh đạo xã nói “không biết”. Chẳng lẽ dân nuôi cán bộ xã này chỉ để… lấy phân thôi sao”. Tôi nói nguyên văn như thế. Các anh cứ ghi cho rõ.
Tôi không bị bắt tại xã. Hôm 20/2 Công an Biên Hòa mời tôi lên. Cũng hỏi thế này, tôi trả lời thế này, rồi bị bắt luôn, nhốt luôn. Hôm xử, người ta bảo “cứ có mặt là có tội. Không làm gì, cứ bị quay phim là có tội. Không nói nhiều”. Tuyên năm năm tù. Không giảm gì cả. Thương binh không giảm. Cha mẹ có công cũng không giảm. Tôi uất quá”.
Người thứ ba trong gia đình bị bắt là Đào Văn Cường (SN 1978), con trai ông Hùng. Anh Cường bị bắt cùng ngày với cha. Anh này một mực kêu oan vì cho rằng thời điểm diễn ra vụ “gây rối” đang làm ở công ty, không có mặt ở trụ sở UBND xã, đi làm tới 9h tối mới về. Bất chấp lời khai ngoại phạm, anh vẫn bị giam cả tháng, đến khi tới công ty trích xuất dấu vân tay, hình ảnh camera nơi làm việc, công an mới thừa nhận. Anh Cường được thả về nhưng không thấy một lời xin lỗi, một xu bồi thường.
Từ hồ sơ “quy hoạch” của chính quyền, đến kết luận điều tra của công an, hay bản án của tòa, tỉnh Đồng Nai đều nhận định “dự án Khu đô thị Long Hưng mang lại sự phát triển, thay đổi về kinh tế, chính trị cho xã Long Hưng”. Nhưng “phát triển” chưa thấy, chỉ thấy những phận người rơi vào lao lý oan trái, có khi mất mạng một cách khuất tất trong trại giam, làng xóm khi xưa nay điêu tàn, “thành phố trong mơ” vẫn chỉ là những bãi đất nhấp nhô san lấp.
Mời bạn đọc đón đọc kỳ sau.
Nhóm PV/Báo Pháp luật Việt Nam