Ngân hàng độc quyền bảo hiểm

Đua nhau hợp tác độc quyền với bảo hiểm, ngân hàng đang tham vọng gì?

Techcombank muốn tăng doanh thu phí bảo hiểm gấp 20 lần trong vòng 5 năm tới còn Sacombank kỳ vọng hoa hồng từ phí bảo hiểm sẽ đóng góp khoảng 20% vào tổng thu từ dịch vụ.

Những năm qua, việc các ngân hàng hợp tác với các hãng bảo hiểm để triển khai việc bảo hiểm qua hệ thống ngân hàng (Bancassurance) được đánh giá khá tích cực bởi ngân hàng giúp việc tiếp cận bảo hiểm qua kênh bán hàng một cách chuyên nghiệp, tiện lợi và tin cậy hơn.

Tuy nhiên, thay vì hình thức hợp tác phi độc quyền, gần đây một số nhà băng lại công bố việc ký kết hợp tác với các hãng bảo hiểm dưới hình thức độc quyền thời hạn rất dài, từ 15-20 năm, điển hình nhất là Sacombank và Dai-ichi life hợp tác 20 năm, Techcombank với Manulife hợp tác 15 năm, Nam A Bank cùng PWD cũng 15 năm.

Điều này hẳn khiến nhiều người đặt câu hỏi, các ngân hàng làm như vậy để làm gì? phải chăng mảng Bancassurance đang rất màu mỡ nên ngân hàng mới có những quyết định “lạ” đến vậy?

Mục tiêu khổng lồ

Techcombank cho biết doanh thu phí bảo hiểm trong năm 2016 đạt 520 tỷ đồng, nhưng ngân hàng đặt kế hoạch 5 năm tới con số này tăng gấp 20 lần lên 10.000 tỷ bằng việc hợp tác độc quyền với Manulife.

Ông Chung Bá Phương, giám đốc khối bảo hiểm của Techcombank còn bổ sung thêm rằng, ngân hàng đặt mục tiêu tăng trưởng banca gấp đôi so với thị trường chung, tức là nếu thị trường bảo hiểm ngân hàng tăng khoảng 2% thì Techcombank sẽ tăng khoảng 40%.

Còn Sacombank không đề cập về con số cụ thể của bảo hiểm mang lại, nhưng kỳ vọng rằng nguồn thu từ hoa hồng phí bảo hiểm dự kiến sẽ đóng góp 15-20% trong tổng thu dịch vụ của ngân hàng, từ đó góp phần tạo nền tảng vững chắc và dài hạn về tài chính, hỗ trợ cho nhà băng này thực hiện đề án tái cơ cấu hậu sáp nhập được thuận lợi hơn.

Vậy cơ sở nào để các ngân hàng tự tin với kế hoạch khổng lồ ấy?

Các ngân hàng đều có chung lý do rằng họ sẽ tận dụng lượng khách hàng cá nhân đông đảo đang có và hình thành trong tương lai cùng mạng lưới hoạt động rộng khắp cả nước.

Khách hàng giờ đây chỉ cần đến một điểm giao dịch duy nhất của ngân hàng dựa trên hệ thống mạng lưới rộng khắp là có thể tiếp cận được các dịch vụ bảo hiểm với đầy đủ các sản phẩm.

Trong khi đó các hãng bảo hiểm thì tự tin rằng với bề dày hoạt động của họ cũng như niềm tin đã tạo dựng cùng sự tăng trưởng ấn tượng thời gian qua thì việc hợp tác với ngân hàng sẽ vô cùng thuận lợi.

Còn riêng câu chuyện hợp tác độc quyền, theo các ngân hàng, là bởi họ muốn có sự gắn kết trong hợp tác chặt chẽ hơn nữa để tập trung phát triển.

Bảo hiểm nhân thọ có tiềm năng phát triển cực mạnh

Cả nước hiện có khoảng 50 công ty bảo hiểm đang hoạt động với rất nhiều sản phẩm được triển khai, từ bảo vệ tài sản cho đến bảo vệ con người. Tuy nhiên mới chỉ có 0,7% dân số tham gia bảo hiểm nhân thọ và tỷ lệ tỷ lệ doanh thu phí Banca chỉ ở mức 6% trong tổng phí bảo hiểm, trong khi trên thế giới tỷ lệ này chiếm gần 70%.

Trong khi đó, thu nhập, mức sống, trình độ… của người dân ngày càng được nâng cao, tầng lớp trung lưu đang ngày càng gia tăng, cùng với đó họ có nhu cầu bảo vệ hơn và nhận thức về bảo hiểm tích cực hơn.

Bằng chứng là, theo ông Chung Bá Phương, trong 6 tháng đầu năm 2017 con số bồi thường của bảo hiểm nhân thọ đã lên tới hơn 7.200 tỷ đồng, một con số khổng lồ cho thấy bảo hiểm đã bảo vệ được cho rất nhiều người. Và ông tin rằng với những nền tảng thị trường như vậy, kênh bảo hiểm sẽ phát triển mạnh mẽ.

Và chẳng riêng gì các ngân hàng mới ký kết hợp tác dài hạn và độc quyền với các hãng bảo hiểm, mà các ngân hàng khác cũng đang nhắm tới bảo hiểm như một phần quan trọng của hoạt động bán lẻ.

Thậm chí nhiều ngân hàng còn cho ra đời hoặc đang lên kế hoạch lập riêng công ty bảo hiểm nhân thọ để cạnh tranh trên thị trường như BIDV (kết hợp với Công ty bảo hiểm BIC), MB, VietinBank, Techcombank, Sacombank…

Đứng trước cơ hội phát triển mạnh, bản thân các công ty bảo hiểm nhân thọ cũng đang đẩy mạnh đầu tư và bổ sung vốn để gia tăng năng lực tài chính và phát triển mạnh các kênh phân phối mới, tăng cường ứng dụng công nghệ tiên tiến trong việc chăm sóc và phục vụ khách hàng nhằm hướng tới mục tiêu chiếm lĩnh thị phần ngày càng lớn.

Riêng năm 2016 đã có 8 doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ tăng vốn thành công như Manulife tăng từ 975 tỷ đồng lên 1.820 tỷ đồng; Dai-ichi tăng từ 1.141 tỷ đồng lên 1.767 tỷ đồng; Chubb Life tăng từ 1.019 tỷ lên 1.165 tỷ Prévoir tăng từ 800 tỷ lên 1.079 tỷ đồng; FWD tăng từ 1.080 tỷ lên 1.130 tỷ đồng; Cathay tăng từ 2.007 tỷ đồng lên 3.343 tỷ đồng; Generali tăng từ 1.651 tỷ đồng lên 2.182 tỷ đồng và Phú Hưng tăng từ 633 tỷ đồng lên 683 tỷ đồng.

Theo Cafef