Đường Nguyễn Hữu Cảnh ngập sâu: Siêu máy bơm cũng chịu

“Siêu máy bơm” của Công ty Cổ phần Tập đoàn Công nghiệp Quang Trung bất lực trước trận mưa đặc biệt lớn vào tối 6/8.

Người dân tại TP.HCM vừa hứng chịu trận mưa lớn vào tối 6/8. Đài Khí tượng Thủy văn Nam Bộ nhận định đây là trận mưa lớn nhất kể từ đầu năm nay tại TP.HCM.

Mưa trút xuống với cường độ lớn liên tục trong nhiều giờ khiến một loạt tuyến đường như Nguyễn Hữu Cảnh, Ung Văn Khiêm (quận Bình Thạnh); Tô Ngọc Vân, Võ Văn Ngân (quận Thủ Đức)… ngập sâu.

Đáng lưu ý, trên đường Nguyễn Hữu Cảnh – rốn ngập tại TP.HCM nhiều năm nay, dù có máy bơm khủng do TP thuê để chống ngập nhưng trong trận mưa vào tối 6/8 cũng bất lực trước dòng nước lớn. Hình ảnh được truyền thông ghi nhận trên tuyến đường này vào thời điểm trên là đường ngập lút yên xe khiến hàng loạt xe chết máy, nhiều người bì bõm lội nước về nhà trong đêm.

Trao đổi với Đất Việt, ông Nguyễn Tăng Cường, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Tập đoàn Công nghiệp Quang Trung, chủ “siêu máy bơm” chống ngập đường Nguyễn Hữu Cảnh cho biết, trận mưa lớn kéo dài vào tối 6/8 là tình huống bất khả kháng, đến ‘siêu máy bơm’ cũng bất lực. Thậm chí, công ty đã bổ sung 2 bơm điện nữa, song không giải quyết được tình trạng ngập vì lượng mưa quá lớn.

Theo ông Cường, ngay tại trạm bơm trên đường Nguyễn Hữu Cảnh có một máy đo vũ lượng, công nghệ từ Mỹ, rất hiện đại và chính xác. Vào tối 6/8, máy đo này ghi nhận lượng mưa tại đường Nguyễn Hữu Cảnh là 301mm. Đối chiếu dữ liệu, mười mấy năm trở lại đây chưa có trận mưa nào to như vậy ở TP.HCM.

“Đường Nguyễn Hữu Cảnh tối 6/8 ngập “không biên giới”, mặt nước trắng xóa xuyên sang đường Điện Biên Phủ (khu vực ngoài phạm vi chống ngập của doanh nghiệp) và các khu vực xung quanh khác”, ông Cường nói.

Cũng theo Chủ tịch Tập đoàn Công nghiệp Quang Trung, trong trận mưa tối 6/8, “siêu máy bơm” của công ty hoạt động hết công suất. Mọi khi ngớt mưa, chỉ sau 10-15 phút, nhiều nhất là 20 phút tuyến đường Nguyễn Hữu Cảnh trong phạm vi công ty chống ngập đã được hút sạch nước, giải quyết dứt điểm tình trạng ngập nước. Tuy nhiên, vào tối 6/8, sau khi dứt mưa đến 1,5 tiếng nước mới rút.

Ông Nguyễn Tăng Cường khẳng định, không thể trách “siêu máy bơm” của công ty ông không hoàn thành nhiệm vụ bởi với trận mưa tối 6/8, mọi điều kiện đều vượt quá điều khoản trong hợp đồng.

Cụ thể, hợp đồng “siêu máy bơm” ở đường Nguyễn Hữu Cảnh chỉ chống ngập cho lưu vực 75 hecta thuộc phường 22, quận Bình Thạnh.

Lưu vực này, trước đó đã được báo Tuổi trẻ chỉ ra, là tính từ nhà 125A đến chân cầu vượt Thủ Thiêm. Đoạn từ nhà 125A về chân cầu Sài Gòn – khu vực ngập nặng nhất, không trong phạm vi chống ngập theo hợp đồng.

Tuy nhiên, lưu vực mà máy bơm chống ngập lại thông với nhiều đường khác (ngoài phạm vi chống ngập của máy bơm), nước ở các nơi khác tràn về khiến máy bơm không xử lý nổi.

Cũng theo hợp đồng, “siêu máy bơm” chỉ xử lý những trận mưa có vũ lượng 133mm, đằng này trận mưa tối 6/8 ghi nhận trên đường Nguyễn Hữu Cảnh là 301mm.

“Điều khoản trong hợp đồng có ghi rõ, sau khi dứt cơn mưa 30 phút mà khu vực chống ngập vẫn ngập thì không được thanh toán tiền thế nhưng với những điều kiện thực tế vượt quá quy định của hợp đồng thì làm sao máy bơm giải quyết được?”, ông Cường nói và giải thích về việc cắt khúc, chỉ chống ngập một đoạn đường Nguyễn Hữu Cảnh.

Theo đó, Tập đoàn Công nghiệp Quang Trung đã từng đề xuất với TP giao cho công ty giải quyết ngập cho toàn bộ khu vực nói trên, tức mở rộng khu vực chống ngập ra, tuy nhiên không được chấp thuận.

“Nếu TP giao cho công ty chống ngập ở khu vực rộng hơn, chúng tôi sẵn sàng ký ngay và sẵn sàng chịu trách nhiệm. Và nếu được phép, chúng tôi sẽ lắp thêm máy bơm ở các vị trí khác, quây lại thì khu vực đó không bao giờ ngập được, nhưng rất tiếc TP không đồng ý”, ông Nguyễn Tăng Cường cho biết.

Trong khi đó, ở góc độ chuyên gia, PGS.TS Hồ Long Phi, nguyên Giám đốc Trung tâm Quản lý nước và biến đổi khí hậu (Đại học Quốc gia TP.HCM) cho biết, nhiều dự án chống ngập ở TPHCM vẫn sử dụng dữ liệu đầu vào cũ, trong khi lượng mưa và triều cường ngày càng tăng lên nên dẫn đến đường cống thoát nước quá tải chỉ sau ít năm sử dụng.

Đối với trận mưa tối 6/8, theo ông Phi, tùy chỗ quan sát mà có nơi vũ lượng 100mm, nơi 180mm, thậm chí hơn.

Trong khi đó, năng lực thiết kế của hệ thống thoát nước TP.HCM hiện nay vẫn theo tiêu chuẩn đưa ra cách đây 20 năm: vũ lượng chỉ 85mm, thậm chí mực nước lúc đó tính toán chỉ có 1m. Cho nên, nếu mưa lớn, nước dâng cao thì TP ngập là đương nhiên.

Riêng với chuyện “siêu máy bơm” chống ngập trên một đoạn đường Nguyễn Hữu Cảnh, PGS.TS Hồ Long Phi cho rằng, thời điểm TP.HCM giao cho Công ty Cổ phần Tập đoàn Công nghiệp Quang Trung thực hiện đã “không còn giải pháp nào lúc đó” và thành phố đang ở “thế bất lợi”: “Công ty đã lắp đặt thử máy bơm, nếu không thanh toán thì cũng… kỳ, sau này có thể ảnh hưởng đến những vấn đề xã hội hóa khác nên đành ký hợp đồng thuê máy bơm”.

Tuy nhiên, việc chống ngập của “siêu máy bơm”, theo vị chuyên gia, đã sai từ đề tài. Đặc biệt, lẽ ra TP phải căn cứ vào cam kết của lãnh đạo Công ty Tập đoàn Công nghiệp Quang Trung rằng “không hết ngập không lấy tiền”, đằng này TP lại “nắm đằng lưỡi”, còn công ty không ngập cũng lấy tiền, mà ngập cũng lấy  tiền.

Tháng 5/2019, UBND TP.HCM và Công ty Cổ phần Tập đoàn Công nghiệp Quang Trung chốt giá thuê trọn gói “siêu máy bơm” chống ngập trên đường Nguyễn Hữu Cảnh là 14,2  tỷ đồng mỗi năm.

Máy bơm chống ngập này có công suất lên đến 97.000m3/giờ (tổng mức đầu tư hơn 100 tỷ đồng) được Công ty Quang Trung đề xuất TP.HCM sử dụng chống ngập với cam kết “không hết ngập không lấy tiền”.

 

Theo Báo Đất Việt