Fed nâng lãi suất lần thứ 10, chứng khoán Mỹ giảm mạnh

Trong phiên giao dịch ngày 3/5, các chỉ số chính của chứng khoán Mỹ đều giảm điểm sau khi Cục Dự trữ Liên bang (Fed) quyết định tăng lãi suất cơ bản thêm 0,25 điểm phần trăm.

Cụ thể, chỉ số công nghiệp Dow Jones trong phiên 3/5 đã giảm 270,29 điểm (tương đương 0,8%) xuống còn 33.414,24 điểm. Trong khi đó, chỉ số tổng hợp S&P 500 giảm 0,7% xuống còn 4.090,75 điểm, còn chỉ số công nghệ Nasdaq giảm 0,46% xuống 12.025,33 điểm.

Theo trang tin CNBC, trong đầu phiên giao dịch, các chỉ số chủ chốt vẫn tăng điểm khi Fed tiến hành nâng lãi lần thứ 10 như dự báo.

Tuy nhiên, thị trường sau đó quay đầu giảm khi các bình luận của Chủ tịch Fed Jerome Powell khiến nhà đầu tư băn khoăn về động thái sắp tới của cơ quan này. Họ không rõ đây có phải là lần tăng cuối cùng của Fed hay không, và lo ngại việc tiếp tục nâng lãi có thể đẩy Mỹ vào suy thoái.

Nhận xét về động thái này, chiến lược gia đầu tư Michael Arone tại State Street Global Advisors cho biết: “Fed vẫn đang đi trên dây. Họ phải cân bằng giữa việc đấu tranh chống lạm phát và ngăn kinh tế Mỹ hạ cánh cứng”.

Trong bài phát biểu hôm nay, ông Powell cho biết có thể tạm dừng tăng lãi suất để đánh giá hậu quả từ các vụ sụp đổ ngân hàng gần đây cũng như theo dõi tình hình lạm phát.

Ngoài ra, trong tuyên bố chính sách đi kèm, Fed không còn lập luận rằng một số chính sách “cứng rắn” bổ sung có thể phù hợp để đảm bảo thắt chặt và đưa lạm phát về mức 2%. Thay vào đó, Fed cho biết cơ quan này sẽ đánh giá lại tình hình kinh tế và tài chính trong thời gian tới để xác định mức độ phù hợp của các chính sách bổ sung.

Tuy nhiên, cơ quan này cũng lưu ý rằng lạm phát vẫn ở mức cao và thị trường việc làm đang tăng trưởng với tốc độ mạnh mẽ. Lãi suất cơ bản của Fed hiện gần bằng mức lãi suất trước thềm cuộc khủng hoảng tài chính 2008, và ở mức mà phần lớn quan chức dự đoán là đủ để đưa lạm phát về mức mục tiêu 2%.

Fed cho biết tăng trưởng kinh tế của Mỹ hiện vẫn ở mức “khiêm tốn”, và những diễn biến gần đây sẽ khiến các điều kiện tín dụng thắt chặt hơn đối với các hộ gia đình và doanh nghiệp, gây áp lực lên hoạt động kinh tế, tuyển dụng và lạm phát.

Ngoài ra, những rủi ro liên quan đến sự sụp đổ của một số ngân hàng Mỹ và sự bế tắc về giới hạn nợ của chính phủ cũng khiến cơ quan này phải thận trọng hơn trong việc duy trì chính sách thắt chặt tiền tệ.

Theo Zing