Sáng 20/9, Tập đoàn Fuki Sangyo đã có buổi làm việc trực tiếp với đại diện BQL Khu nông nghiệp công nghệ cao TPHCM, các trung tâm xúc tiến thương mại TPHCM và Kiên Giang để giới thiệu công nghệ xử lý rác thải hiện đại của Nhật Bản.
Buổi làm việc tại Tòa nhà Bộ Kế hoạch và Đầu tư (Quận 3, TPHCM) có sự góp mặt của ông Toyonori Nishimura – Chủ tịch HĐQT Tập Đoàn Fuki Sangyo dẫn đầu đoàn chuyên gia Nhật Bản; ông Từ Minh Thiện – Phó trưởng Ban quản lý Khu nông nghiệp công nghệ cao TPHCM; bà Lê Hương Giang – Quyền Giám đốc Trung tâm Xúc tiến đầu tư phía Nam thuộc Bộ Kế hoạch Đầu tư; bà Nguyễn Duy Linh Thảo – Giám đốc Trung tâm xúc tiến Đầu tư, Thương mại và Du lịch Kiên Giang cùng nhiều chuyên gia khác của Ủy ban Nhân dân TPHCM.
Ông Toyonori Nishimura cho biết: “Tại Nhật Bản, nguồn tài nguyên là vô cùng hiếm hoi nên rác thải được người Nhật xem là một loại tài nguyên để tận dụng. Công nghệ này nếu áp dụng tại Việt Nam sẽ mang lại nhiều lợi ích cho cả người dân và nền kinh tế vì chi phí đầu tư rất hợp lý so với hiệu quả mang lại”.
Cụ thể, với công nghệ xử lý rác thải của Fuki Sangyo (Nhật Bản), rác thải từ các cửa hàng tiện lợi, siêu thị có thể tái chế thành thức ăn chăn nuôi, phân bón trong vòng 24 giờ; đưa chất thải từ bánh mì, các loại bánh thành cám cho heo; chất thải tổng hợp có thể chuyển hóa thành năng lượng, phân bón hoặc vật liệu tái chế; biến các loại hạt của nhà sản xuất bia trở thành thức ăn lỏng hoặc có thể sấy khô thành bột.
Với nhà máy được xây dựng đúng chuẩn, hàng tấn thịt của các loại gia cầm như heo, bò, gà bị chết có thể xử lý thành phân sinh học, năng lượng phụ trợ; các loại chất thải như bã trà, cà phê cũng có thể tái chế ngược thành thức ăn, phân bón, năng lượng rất hữu dụng. Được biết, chỉ với kinh phí đầu tư khoảng 30 triệu USD, công nghệ sẽ có thể triển khai và áp dụng tại TPHCM trong thời gian tới.
Ông Nguyễn Văn Dũng – Chủ tịch HĐQT CTCP Đầu tư và Phát triển Công nghiệp Bảo Thư (Bidico-BII) nhận xét: “Sau khi phân tích, công nghệ này quá tốt cho ngành nông nghiệp Việt Nam, có thể xử lý rác thải thành điện năng và điện khí. Nếu áp dụng, nơi xử lý rác thải không còn là một điểm tập trung của cả thành phố mà có thể đưa về từng quận huyện với diện tích nhỏ vài ha đã có thể xây nhà máy xử lý rác thải thân thiện với môi trường”.
Kết thúc buổi làm việc, ông Từ Minh Thiện đánh giá cao công nghệ của Fuki Sangyo và bày tỏ thiện chí mong muốn có cơ hội tìm hiểu kỹ hơn và hợp tác cùng tập đoàn trong việc nghiên cứu, phát triển công nghệ xử lý rác thải áp dụng cho ngành nông nghiệp cũng như cho TPHCM.
Tường Châu