Gấp rút thoái vốn, cổ phần hóa

Năm 2018, trung bình mỗi tháng phải cổ phần hóa khoảng 5 doanh nghiệp nhà nước và thoái vốn 15 doanh nghiệp. 

Theo yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ, năm 2018 sẽ có 64 doanh nghiệp (DN) phải hoàn thành nhiệm vụ cổ phần hóa (CPH) và 181 DN phải thực hiện thoái vốn nhà nước tại DN.

Bên cạnh đó, còn số lượng không nhỏ DN năm 2017 chưa hoàn thành nhiệm vụ thoái vốn, CPH phải chuyển sang thực hiện vào quý I/2018. Bởi năm 2017, cả nước mới chỉ CPH được 21 trong khi kế hoạch đặt ra là phải CPH 44 DN. Hạn chót để 25 DN còn lại phải hoàn thành kế hoạch CPH là quý I/2018.

Tính cả DN mới và nợ kế hoạch thoái vốn, CPH, đến nay đã có 4 “ông lớn” được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt và chốt lịch bán cổ phần lần đầu ra công chúng (IPO) trong quý I/2018. Đó là Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam (VRG) vừa được Chính phủ thông qua phương án CPH với kế hoạch IPO 4 tỉ cổ phần, giá khởi điểm 13.000 đồng/cổ phần, vốn hóa của VRG sau phát hành đạt 52.000 tỉ đồng.

Cùng thời điểm bán vốn trong quý I/2018 còn có 3 DN thuộc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam như Công ty TNHH MTV Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR), Tổng Công ty Dầu Việt Nam (PV Oil) và Tổng Công ty Điện lực dầu khí Việt Nam (PV Power).

Trong đó, BSR dự kiến IPO 7,8% vốn điều lệ, tương đương 241,5 triệu cổ phần với giá khởi điểm 14.500 đồng/cổ phần. PV Oil bán 20% vốn, tương đương 206,8 triệu cổ phần với mức giá 13.400 đồng/cổ phần. PV Power bán 20% vốn trên tổng số 2,34 tỉ cổ phần ra công chúng với giá khởi điểm 14.400 đồng/cổ phần. Đây là thời điểm thoái vốn, CPH DN nhà nước với mức vốn hóa “khủng” nhất từ trước tới nay lên đến hơn 150.000 tỉ đồng.

Trong danh sách CPH, thoái vốn năm 2018 còn có những tên tuổi lớn khác được thị trường chờ đợi hàng chục năm nay như Tổng Công ty Viễn thông MobiFone. Ngoài ra có Tổng Công ty Phát điện 1, 2; Tổng Công ty Đầu tư phát triển hạ tầng đô thị; Tổng Công ty Đầu tư phát triển Nhà Hà Nội cũng là những tên tuổi được chú ý.

Đặc biệt, lượng vốn nhà nước thoái tại các DN trong đợt này có tỉ lệ bán khá cao như Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam bán 24,86% vốn điều lệ; Tổng Công ty Cổ phần Xây dựng công nghiệp Việt Nam 46,75%… Về phía Tổng Công ty Đầu tư, kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) cũng có kế hoạch thoái vốn riêng, bổ sung thêm cho lượng hàng hóa dồn dập ra thị trường.

Ông Đặng Quyết Tiến, Cục trưởng Cục Tài chính DN (Bộ Tài chính), cho biết một trong những vấn đề quan trọng cần rút kinh nghiệm trong năm nay là phân bổ hàng hóa đều cho cả năm, không rơi vào tình trạng “đầu năm túc tắc, cuối năm ào ra chạy đua cho kịp tiến độ, tạo đột biến và phản ánh không trung thực sự tăng trưởng của thị trường”.

Đáng lưu ý, ông Tiến cho rằng việc thoái vốn nhà nước tại DN phải được thực hiện chuyên nghiệp hơn, DN đã CPH phải bàn giao về cho SCIC thực hiện thoái vốn theo đúng quy định, không để các bộ đứng ra bán vốn như trường hợp của Sabeco. “Vì thoái vốn tại Sabeco mang tính chất lịch sử nên Chính phủ giao Bộ Công Thương thực hiện. Cơ quan quản lý nhà nước không có bộ máy chuyên trách làm việc này nên phải xin ý kiến từng vấn đề, Chính phủ phải tổ chức 6 cuộc họp và ra nghị quyết mới xong. Tốt nhất là giao việc thoái vốn cho các tổ chức chuyên trách, vừa có bộ máy vừa am hiểu thị trường” – ông Tiến nói.

Xử lý nghiêm nếu chậm thực hiện

Đại diện Bộ Tài chính cho biết một trong những giải pháp trọng tâm trong công tác chỉ đạo, đôn đốc CPH năm 2018 là tăng cường xác định trách nhiệm cá nhân. Bộ trưởng các bộ quản lý ngành, chủ tịch UBND cấp tỉnh, chủ tịch HĐTV các tập đoàn kinh tế phải chịu trách nhiệm hành chính trước Thủ tướng Chính phủ khi để xảy ra tình trạng sắp xếp, CPH.

Quyết liệt xử lý nghiêm lãnh đạo DN nhà nước, người đại diện phần vốn nhà nước tại DN không nghiêm túc thực hiện hoặc thực hiện không hiệu quả việc sắp xếp, CPH, thoái vốn và nhiệm vụ được giao trong quản lý, điều hành DN. Trường hợp các cá nhân nêu trên thực hiện không đúng quy định, sai mục đích, kém hiệu quả, gây thất thoát, thua lỗ vốn và tài sản của nhà nước thì phải bồi thường và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật.

Theo Tô Hà

Người Lao Động