Giá dầu giảm + Tiêu xài hoang: Đại gia dầu mỏ Kuwait sắp cạn tiền

Chậm điều chỉnh thói quen vung tay tiêu tiền khi giá dầu giảm quá sâu, các quốc gia Vùng Vịnh đang trôi dần đến bờ vực cạn kiệt ngân sách, theo hãng tin Bloomberg.

Hồi năm 2016, khi cựu Bộ trưởng Tài chính Kuwait Anas Al-Saleh cảnh báo đã đến lúc nên cắt giảm chi tiêu và chuẩn bị cho tình huống kinh tế không dựa vào dầu, ông này bị cả nước chế giễu.

Bốn năm sau đó, Kuwait, một trong những quốc gia giàu nhất thế giới, hiện lâm vào cảnh thiếu hụt ngân quỹ do giá dầu giảm sâu.

Sau khi ông Al-Saleh bị thuyên chuyển sang vị trí khác trong nội các, vị được bổ nhiệm, bà Mariam Al-Aqeel, cũng bị thay thế hồi tháng 1, hai tuần sau khi đề ra một chính sách tăng lương lớn. Chính sách này làm ảnh hưởng nặng nề đến tình hình tài chính của Kuwait.

Ông Barak Al-Sheetan, người thay bà Mariam, tháng rồi đã đưa ra cảnh báo Kuwait chỉ còn đủ tiền để trả lương cho công nhân viên ngành dịch vụ công đến tháng 10.

“Chúng ta (các quốc gia dầu mỏ) một ngày nào đó thức dậy mới chợt nhận ra rằng mình đã tiêu sạch tiền dành dụm, lý do không phải vì mình quên kiểm tra tài khoản ngân hàng, mà vì chúng ta có thấy tiền hụt đi, nhưng cho rằng chắc tài khoản bị lỗi, rồi vẫn đi mua đồng hồ Rolex mẫu mới nhất”, ông Fawaz Al-Sirri, chuyên gia về chính trị và tài chính, nhận định.

Thành viên Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) đã vực dậy giá dầu thô sau khi bị giảm kỷ lục trong năm na, nhưng mức giá hiện tại 40 USD vẫn quá thấp. Đại dịch Covid-19 và xu hướng chuyển sang năng lượng tái tạo đe dọa dìm giá dầu xuống thêm.

Ả Rập Xê Út đang cắt giảm các trợ cấp và đánh thuế. Bahrain và Oman đang đi vay mượn và tìm kiếm hỗ trợ từ các quốc gia láng giềng. UAE đã chuyển hướng phát triển kinh tế.

Quỹ tiết kiệm dự phòng ‘khủng’

Thực tế là Kuwait vẫn còn một lượng tiền khủng, được cất giữ trong một quỹ dự phòng trị giá lên đến khoảng 550 tỉ USD, lớn thứ 4 thế giới.

Quỹ Các Thế hệ Tương lai được lập ra nhằm đảm bảo Kuwait sẽ duy trì được sự thịnh vượng của mình sau khi nguồn dầu cạn kiệt. Nhưng việc đụng đến nguồn quỹ này là một vấn đề gây tranh cãi.

Một số người Kuwait cho rằng đã đến lúc phải lấy tiền ra, số khác cảnh báo nếu không đa dạng hóa nền kinh tế và tạo việc làm, nguồn tiền dành dụm này sẽ tan biến chỉ sau 15-20 năm.

Chính phủ Kuwait trong vài tuần qua đã lấy ra khoảng hơn 7 tỉ USD để mua tài sản từ Kho bạc Nhà nước. Quốc hội nước này cũng đã phê duyệt giải pháp ngưng trích 10% doanh thu bán dầu hàng năm gửi vào quỹ kể trên, giải phóng một khoản tiền lên đến 12 tỉ USD cho ngân quỹ, nhưng vẫn không đủ để bù thâm hụt.

Thế là để có tiền mà không phải đụng vào quỹ dự phòng, chính phủ Kuwait đã phải đi vay bằng việc xuất bán trái phiếu. Nhưng sau khi trái phiếu châu Âu (Eurobond) ra đời hồi năm 2017, chính sách nợ công của Kuwait thất bại.

Cảnh báo về quỹ lương của tân Bộ trưởng Tài chính Al-Sheetan đưa ra sau khi ông này không thuyết phục được các nhà làm luật trong nước thông qua kế hoạch vay nợ trị giá 65 tỉ USD.

Đề xuất này được đưa ra trùng với thời điểm hàng loạt các vụ tham nhũng có liên quan đến thành viên cấp cao của Hoàng tộc Kuwait, bị phanh phui và các nhà làm luật yêu cầu chính phủ giải quyết các bê bối này trước khi đi vay nợ.

Những rắc rối kể trên của Kuwait đã làm suy giảm niềm tin của giới đầu tư. Hồi tháng 3, hãng đánh giá tín nhiệm S&P Global Ratings đã xếp tín nhiệm Kuwait xuống mức “tiêu cực”.

“Tại Kuwait, có một niềm tin ăn sâu trong tư tưởng rằng mình sẽ giàu vĩnh viễn. Chẳng ai trong chính phủ lên tiếng giải thích cho người dân hiểu rằng tiệc sẽ chóng tàn nếu không thay đổi”, chuyên gia Al-Sirri bình luận.

Minh Đức

Theo Bloomberg