Giá vàng : Tiếp tục giảm dù chứng khoán quốc tế mất điểm dữ dội

Giá vàng thế giới lại đi xuống trong bối cảnh thị trường chứng khoán quốc tế “đỏ” sàn, nhà đầu tư liên tục bán khống, dòng tiền gần như không dồn vào vàng

Lúc 9 giờ 30 sáng 13-4, giá vàng SJC tại TP HCM được các doanh nghiệp niêm yết mua vào 54,87 triệu đồng/lượng, bán ra 55,27 triệu đồng/lượng, tăng 20.000 đồng mỗi lượng so với hôm qua.

Tại Hà Nội, các doanh nghiệp giao dịch vàng SJC quanh 54,85 triệu đồng/lượng mua vào, 55,25 triệu đồng/lượng bán ra.

Tỉ giá trung tâm sáng nay được Ngân hàng Nhà nước công bố ở mức 23.214 đồng/USD, giảm 4 đồng mỗi USD so với hôm qua. Giá USD ở các ngân hàng thương mại được giao dịch quanh 22.980 đồng/USD mua vào, 23.160 đồng/USD bán ra, tăng 5 đồng/USD so với hôm qua.

Giá vàng biến động trong vùng hẹp những ngày qua, biên độ chênh lệch giá mua – bán cũng không thay đổi nhiều.

Trong khi đó, giá vàng trang sức, vàng nhẫn 24K các loại lại có xu hướng tăng mạnh hơn khi được các doanh nghiệp giao dịch mua vào 50,9 triệu đồng/lượng, bán ra 51,5 triệu đồng/lượng, tăng 200.000 đồng mỗi lượng so với hôm qua.

Giá vàng trang sức tăng mạnh hơn đà tăng của giá vàng SJC giúp khoảng cách chênh lệch rút ngắn còn khoảng 3,7 triệu đồng/lượng.

Lúc 9 giờ 30 theo giờ Việt Nam, giá vàng thế giới giao ngay ở mức 1.735 USD/ounce, tương đương khoảng 48,4 triệu đồng/lượng, thấp hơn vàng SJC khoảng 6,8 triệu đồng/lượng.

Khoảng 6 giờ ngày 13-4 (theo giờ Việt Nam), giá vàng giao dịch tại 1.733 USD/ounce, giảm thêm 12 USD/ounce sau khi đã giảm 11 USD/ounce vào phiên giao dịch cuối tuần trước.

Theo giới phân tích, những con số chính thức về lạm phát tại Mỹ sẽ được công bố trong tuần này khiến giới đầu tư đang đứng bên lề giá vàng. Nhiều người cho rằng nếu mức tăng của lạm phát lớn hơn nhiều so với dự báo thì nhiều khả năng lãi suất trái phiếu Mỹ tăng, dòng tiền sẽ chuyển vào đây. Khi đó, giá vàng sẽ bị nhấn chìm sâu hơn nữa.

Vì thế, tại thời điểm này một số nhà đầu tư chưa dám bỏ vốn vào kim loại quý. Thế nên giá vàng không có động lực đi lên.

Ngược lại, khi giá vàng đứng ở mức cao, không ít nhà đầu tư chuyên lướt sóng vàng đã tranh thủ bán khống chờ vàng giảm giá rồi mua lại hưởng chênh lệch.

Động thái bán khống này khiến nhiều người khác hoảng sợ rời bỏ thị trường vàng. Giá vàng có lúc giảm rất mạnh.

Tuy nhiên, do tình hình Covid-19 tại Ấn Độ và một số quốc gia ở châu Âu, châu Á diễn biến căng thẳng nên những người có nhu cầu bảo toàn vốn vẫn kiên định nắm giữ vàng. Theo đó, giá vàng kìm hãm được tốc độ đi xuống.

Trong khi đó, thị trường chứng khoán Mỹ, châu Âu, Nhật Bản, Hồng Kông, Hàn Quốc…giảm điểm rất mạnh.

Thế nhưng, dòng tiền gần như không dịch chuyển đến thị trường vàng. Giá vàng không có chất xúc tác để tỏa sáng .

Giới kinh doanh nhận định tại thời điểm này việc đưa vốn vào vàng là vô cùng mạo hiểm vì các quỹ đầu tư bán nhiều hơn mua.

Nhất là khi Hội đồng Vàng Thế giới thông báo trong quý 1/2021, các quỹ đầu tư vàng ở khu vực Bắc Mỹ và Châu Âu đã đã giảm 10% số lượng vàng nắm giữ, tương đương 200 tấn vàng đã bán ra.

Giao dịch trên thị trường cho thấy đầu ngày 12-4, giới đầu tư vàng liên tục bán khống rồi mua lại hưởng chênh chênh lệch.

Cứ thế, giá vàng tăng giảm 5-10 USD/ounce trong nhiều giờ liên tiếp. Sau đó, có thể những người lo ngại việc nắm giữ vàng sẽ gặp rủi ro nên họ đã mạnh tay bán ra thu hồi vốn. Giá vàng mất đi 15 USD/ounce, từ 1.745 USD/ounce xuống còn 1.730 USD/ounce.

Đến đầu ngày 13-4, một số người có nhu cầu trú ẩn vốn vào vàng bắt đầu mua vào. Giá vàng vào khoảng 6 giờ cùng ngày bật lên 1.733 USD/ounce.

Trước đó, từ 9 giờ đến 17 giờ ngày 12-4, giá vàng SJC tại Việt Nam biến động ngược chiều giá thế giới.

Nguyên nhân chính do sức mua trong nước đột ngột mạnh lên. Vàng SJC tăng 200.000 đồng/lượng, chốt cuối ngày tại 55,25 triệu đồng/lượng, cao hơn giá thế giới 6,7 triệu đồng/lượng

Thy Thơ- Thái Phương. Ảnh: Hoàng Triều

Theo Người lao động