Giữa ồn ào về giá nước sông Đuống cõng lãi vay ngân hàng và đắt gấp đôi giá bán lẻ bậc 1 khiến dư luận bức xúc, Công ty CP Nước mặt Sông Đuống đã có sự thay đổi về vị trí cấp cao. Theo đó, bà Đỗ Thị Kim Liên (Shark Liên) rời ghế Tổng giám đốc, nhường vị trí cho ông Tạ Đức Hoàng, sinh năm 1980.
Theo thông tin từ Cơ sở dữ liệu quốc gia về đăng ký doanh nghiệp đến ngày 19/11, Công ty CP Nước mặt Sông Đuống đã có nhiều xáo trộn về nhân sự và cổ đông.
Ồn ào giá nước, Shark Liên “rời ghế” Tổng giám đốc
Cụ thể, trong lần đăng ký thay đổi lần thứ tư (trong vòng 3 năm kể từ ngày thành lập), kể từ ngày 12/11/2019, người đại diện pháp luật của công ty CP nước mặt Sông Đuống hiện là ông Tạ Đức Hoàng với chức danh Tổng giám đốc. Như vậy, bà Đỗ Thị Kim Liên (Shark Liên) đã chính thức rời ghế Tổng giám đốc Công ty CP Nước mặt Sông Đuống.
Ông Tạ Đức Hoàng, sinh năm 1980, có hộ khẩu thường trú tại 5B7, Tập thể Quân đội, Học viện Quốc phòng, phường Nghĩa Đô, quận Cầu Giấy, Hà Nội.
Ông Tạ Đức Hoàng là thành viên HĐQT của Công ty CP Nước mặt Sông Đuống, đồng thời là Tổng giám đốc Tập đoàn Aqua One (công ty mẹ của Nước mặt Sông Đuống). Dù rời vị trí Tổng giám đốc nhưng Shark Liên vẫn giữ vị trí Chủ tịch HĐQT của công ty.
Thông tin Shark Liên rời ghế tổng giám đốc Công ty CP Nước mặt Sông Đuống diễn ra vào thời điểm lùm xùm về giá nước sông Đuống, khi được UBND Tp. Hà Nội chấp thuận giá nước tạm tính lên tới 10.246 đồng/m3 nước, gấp đôi so với các nhà cung cấp khác, thậm chí đắt hơn cả giá nước bán lẻ bậc 1 trên thị trường hiện nay. Đặc biệt, thông tin từ Sở tài chính Hà Nội về việc mỗi m3 nước sông Đuống “cõng” 2.003 đồng lãi vay khiến người dân không khỏi bất bình.
Không chỉ có sự thay đổi về vị trí Tổng giám đốc, trong cơ cấu cổ đông của Công ty CP Nước mặt sông Đuống xuất hiện nhiều cá nhân có quốc tịch Thái Lan: Ông Natthapatt Tanboon-Ek, sinh năm 1970, quốc tịch Thái Lan, thành viên Ban Kiểm soát; Bà Jareeporn Jarukornsakul, sinh năm 1967, quốc tịch Thái Lan, thành viên Hội đồng quản trị; Ông Vivat Jiratikarnsakil, sinh năm 1956, quốc tịch Thái Lan, thành viên Hội đồng quản trị; Ông Wisate Chungwatana, sinh năm 1967, quốc tịch Thái Lan, thành viên Hội đồng quản trị.
Ngoài ra, còn có hai nhân sự người Việt khác là ông Nguyễn Trọng Dũng, sinh năm 1958, thành viên Ban Kiểm soát; và bà Lương Thị Mai Hương – Kế toán trưởng.
Cũng theo đăng ký mới nhất, Công ty CP Nước mặt Sông Đuống chỉ tập trung vào một lĩnh vực kinh doanh duy nhất là khai thác, xử lý và cung cấp nước. Vốn điều lệ trên 999,6 tỷ đồng.
Thấy gì từ báo cáo tài chính của nước mặt Sông Đuống
Công ty CP nước mặt Sông Đuống của Shark Liên có quy mô vốn điều lệ đăng ký ban đầu là 999,6 tỷ đồng. Cơ cấu cổ đông bao gồm 4 pháp nhân là: Công ty TNHH MTV Nước sạch Hà Nội (10%); Công ty TNHH MTV Ứng dụng công nghệ mới và Du lịch (5%); VIAC Limited Partnership (27%) và Công ty TNHH MTV Quản lý quỹ Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (58%).
Mặc dù vậy, báo cáo tài chính của Công ty CP nước mặt Sông Đuống ghi nhận số vốn góp của chủ sở hữu tính đến cuối năm 2016 mới chỉ đạt hơn 669,8 tỷ đồng và phải tới năm 2018, các cổ đông mới góp đủ vốn điều lệ đã đăng ký.
Trong đó, Công ty TNHH MTV Nước sạch Hà Nội (Hawaco), tính đến cuối năm 2016, công ty này mới chỉ ghi nhận góp hơn 49,98 tỷ đồng, trên tổng số trên 99,96 tỷ đồng vốn góp đăng ký tại Nhà máy nước mặt Sông Đuống. Đến năm 2017, số vốn góp của Hawaco tăng lên mức gần 99,24 tỷ đồng và hoàn thành góp đủ số vốn đăng ký trong năm 2018.
Hay như công ty TNHH MTV Quản lý quỹ Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam ghi nhận 300 tỷ đồng vốn góp tại ngày 31/12/2016 và 510 tỷ vào 2017 trong khi đó số vốn đăng ký lên tới gần 580 tỷ đồng.
Tuy nhiên, đến cuối năm 2018, Công ty TNHH MTV Quản lý quỹ Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam và cổ phần của VIAC (No.1) Limited Partnership – Singapore không còn nằm trong danh sách góp vốn của Nhà máy nước mặt Sông Đuống. Thay vào đó, số cổ phần của 2 pháp nhân này đã được chuyển sang cho các cổ đông khác trong đó có Aqua One của bà Đỗ Thị Kim Liên (Shark Liên).
Cụ thể, tính đến cuối năm 2018, toàn bộ số cổ phần trị giá gần 850 tỷ đồng (85% vốn góp) của 2 cổ đông này được sang tên cho 3 cổ đông mới là CTCP Đầu tư và Xây dựng Toàn Mỹ 14 (300 tỷ đồng, tương đương hơn 30%), CTCP nước Aqua One (gần 450 tỷ đồng, hơn 45%) và CTCP Quản lý Quỹ Sài Gòn (100 tỷ đồng, hơn 10%).
Trong khi các cổ đông khác vẫn giữ nguyên tỷ lệ là Công ty TNHH MTV Nước sạch Hà Nội (10%), Công ty TNHH MTV Ứng dụng Công nghệ mới và Du lịch (5%).
Được biết, nhà máy nước mặt Sông Đuống có quy mô cấp nước vùng với tổng công suất dự kiến 1,2 triệu m3/ngày. Trong giai đoạn đầu, nhà máy có vốn đầu tư gần 5.000 tỷ đồng cho công suất thiết kế 300.000 m3/ngày. Trong khi vốn góp để thực hiện dự án là hơn 999,6 tỷ đồng (44,88 triệu USD), chiếm 20% tổng vốn đầu tư. Vốn vay là gần 4.000 tỷ đồng.
Chính vì nguồn vốn chủ sở hữu bị giới hạn, việc xây dựng nhà máy nước và phát triển dự án (đặc biệt là năm 2018) phụ thuộc phần lớn vào nguồn vốn ngân hàng.
Năm 2018, dư nợ vay dài hạn của Nhà máy nước mặt Sông Đuống tăng đột biến, với giá trị ghi nhận tính đến cuối năm là 2.483,1 tỷ đồng. Trước đó, theo báo cáo tài chính năm 2016, Nhà máy nước mặt sông Đuống lại cho biết, vốn vay gần 4.000 tỷ đồng được vay thương mại từ Ngân hàng TNHH Indovina – Chi nhánh Thiên Long và được huy động nhiều lần theo thời gian thực hiện dự án.
Như vậy, so với con số nợ phải trả của Công ty CP nước mặt Sông Đuống tính đến cuối năm 2018 là gần 2.772 tỷ đồng thì nguồn vốn vay tại cùng thời điểm đã chiếm đến trên 89%. Con số này cũng gấp 2,5 lần vốn chủ sở hữu và bằng 66% tổng nguồn vốn tính tới cuối năm 2018.
Trong cơ cấu tài sản của công ty CP nước mặt Sông Đuống có tới hơn 3.210 tỷ đồng tài sản dài hạn, tăng từ mức 611 tỷ cuối năm 2017 và 40 tỷ đồng của năm 2016.
Đáng chú ý, số tài sản này được tài trợ bởi chi phí xây dựng cơ bản dở dang. Theo đó, chi phí xây dựng dở dang tăng gấp 5,3 lần (2017) và 131 lần (2016), đạt 3.197 tỷ đồng tại thời điểm cuối năm 2018.
Tỷ lệ chi phí đền bù giải phóng mặt bằng trong khoản mục này chiếm tới 30,6 tỷ (2016) và 445 tỷ (cuối năm 2018).
Tại cuối năm 2018, công ty có một số giao dịch với bên liên quan như phải trả khác 127,2 tỷ đồng với AquaOne của Shark Liên, trong khi đó phải thu từ bà Đỗ Thị Kim Liên số tiền 11,4 tỷ (khoản tạm ứng). Con số này cũng gia tăng đáng kể so với thời điểm 31/12/2016. Tại thời điểm đó, khoản phải thu liên quan đến Shark Liên chỉ trên 2,3 tỷ đồng.
Ngoài ra, công ty này còn ghi nhận thêm khoản phải thu 36,5 tỷ đồng từ thành viên HĐQT Đỗ Tất Thắng; 7,9 tỷ từ ông Mai Quang Lập (năm 2016: 4,5 tỷ đồng); ông Nguyễn Tuấn Anh 3,3 tỷ ( trong năm 2016 là hơn 640 triệu từ ông Nguyễn Tuấn Anh. Và khoản chi hộ lên tới 4 tỷ đồng.
Về kết quả kinh doanh, tính đến cuối năm 2018, công ty vẫn chưa phát sinh bất kỳ doanh thu nào (do mới phát nước vào giữa năm 2019). Tuy nhiên, Công ty CP nước mặt Sông Đuống vẫn có các chi phí phát sinh và là nguyên nhân khiến công ty bị lỗ lũy kế gần 17 tỷ đồng.
Cụ thể, chi phí quản lý doanh nghiệp năm 2016 là gần 2,9 tỷ đồng, tăng lên 7,1 tỷ đồng vào năm 2017 và năm 2018 là gần 6,4 tỷ đồng (trên 50% là chi phí nhân viên quản lý). Đi liền với đó, số nhân viên tăng từ con số 19 người lên 109 người tính đến 31/12/2018, tăng hơn gấp đôi so với cuối năm 2017.
Riêng thu nhập của ban tổng giám đốc gần 2 tỷ đồng (2018); 2,1 tỷ đồng (2017) và năm 2016 là hơn 1 tỷ đồng. Con số này chiếm trên dưới 30% khoản lỗ mỗi năm của doanh nghiệp.
Theo Dân Việt