Hàng chục ngàn tỷ khó thu hồi từ các “đại án”, Bộ Tư pháp nói gì?

Nhiều vụ án lớn đưa ra thi hành nhưng số tiền chưa thi hành được còn rất lớn và chưa có giải pháp để giải quyết triệt để...

Bị cáo Huỳnh Thị Huyền Như tại phiên tòa - Ảnh: Tuổi Trẻ.

Bộ Tư pháp vừa có báo cáo bổ sung, giải trình một số nội dung nhóm nghiên cứu và một số thành viên Ủy ban Tư pháp nêu ra trong cuộc họp toàn thể Ủy ban vào đầu tháng 9/2018.

Một trong những nội dung được giải trình tại báo cáo là nhiều vụ án lớn đưa ra thi hành nhưng số tiền chưa thi hành được còn rất lớn và chưa có giải pháp để giải quyết triệt để.

Theo Bộ Tư pháp, thời gian qua, nhiều vụ án lớn liên tục được đưa ra truy tố, xét xử, nên số việc thi hành án dân sự trong các bản án, quyết định hình sự về kinh tế tham nhũng tiếp tục tăng cao.

Ngoài những vụ việc chuyển từ kỳ trước sang với giá trị phải thi hành lớn như vụ Phạm Công Danh còn phải thi hành 6.512 tỷ; vụ Huỳnh Thị Huyền Như 13.767 tỷ đồng, vụ Ngân hàng nông nghiệp và phát triển nông thôn Nam Hà Nội (Phạm Thị Bích Lương) hơn 2.400 tỷ đồng… thì trong quý 3/2018, các cơ quan thi hành án dân sự tiếp tục thụ lý thêm một số vụ án lớn khác như vụ Hà Văn Thắm trên 1.797 tỷ đồng…

Giá trị phải thi hành ngày một tăng lên, trong khi đó những vụ việc đã thụ lý trước đó vẫn chưa giải quyết xong, Bộ Tư pháp giải thích.

Báo cáo cũng nêu rõ, nhận thức được tầm quan trọng của các vụ việc loại này, Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Tư pháp xây dựng kế hoạch giải quyết, thành lập các tổ công tác, tổ chức các buổi họp liên ngành, ban hành công điện đôn đốc và tổ chức các buổi làm việc với các địa phương đang giải quyết các vụ việc.

Các cơ quan thi hành án dân sự đã nỗ lực, cố gắng tập trung tổ chức thi hành án. Tuy nhiên, theo Bộ Tư pháp, quá trình tổ chức thi hành đối với các vụ việc loại này còn bộc lộ một số khó khăn, vướng mắc cơ bản.

Một là, số tiền phải thi hành lớn nhưng người phải thi hành án không có tài sản hoặc tài sản bảo đảm thi hành giá trị thấp. Như vụ Dương Chí Dũng và đồng phạm phải liên đới bồi thường Tổng công ty hàng hải Việt Nam hơn 358 tỷ đồng, nhưng mới thu được hơn 41 tỷ đồng, và gần như không còn khả năng thu hồi thêm. Hiện tại cơ quan thi hành án dân sự đã xử lý xong toàn bộ tài sản kê biên theo bản án và các tài sản xác minh được trong quá trình thi hành án, chỉ còn duy nhất tài sản của Vũ Văn Dương tại Quận 7, Tp.HCM chưa xử lý xong (gồm 3 bất động sản) do Toà án nhân dân quận 7 đang thụ lý tranh chấp về quyền tài sản (giữa Vũ Văn Dương và mẹ đẻ), do đó cơ quan thi hành án dân sự không thể xử lý được.

Tuy nhiên, kể cả xử lý hết tài sản của Vũ Văn Dương tại Quận 7 cũng không đủ để thi hành phần nghĩa vụ còn lại là hơn 317 tỷ đồng. Các đương sự khác đang chấp hành hình phạt tù, không có tài sản để thi hành án.

Vụ Phạm Thị Bích Lương các đương sự phải bồi thường, thu hồi nợ cho Ngân hàng Agribank hơn 2.574 tỷ đồng, các cơ quan thi hành án dân sự đã xác minh điều kiện thi hành án, đã xử lý tài sản và thu được hơn 84 tỷ đồng, hiện nay không còn tài sản để thi hành án, Bộ Tư pháp nêu thêm ví dụ.

Nguyên nhân thứ hai được Bộ Tư pháp cho biết do “tài sản đã bị tẩu tán, che giấu, hợp lý hóa” hoặc tình trạng pháp lý của tài sản chưa rõ ràng, tài sản chưa có đủ giấy tờ thuộc sở hữu riêng của người phải thi hành án. Như vụ Huỳnh Thị Huyền Như, tài sản mua của dự án nhưng chưa thanh toán đủ tiền mua tài sản; tài sản là dự án chưa thực hiện xong việc đền bù hoặc nhận tiền đền bù nhưng vẫn không chuyển đi. Vụ Phạm Công Danh, tài sản kê biên là khu phức hợp sân vận động Chi Lăng, Đà Nẵng có nhiều hộ dân đang sinh sống tại đây.

Nguyên nhân thứ ba Bộ Tư pháp đề cập là thể chế về xử lý tài sản nằm ở nhiều địa phương còn chưa đồng bộ, dẫn đến các tài sản ở nhiều địa phương khác nhau chưa được giải quyết kịp thời làm ảnh hưởng đến quá trình xử lý tài sản và tiến độ thi hành án. Như vụ Phạm Công Danh, Bộ Tư pháp phải thống nhất với Viện Kiểm sát nhân dân tối cao đồng ý để Cục Thi hành án dân sự Tp.HCM ủy thác cho Cục Thi hành án dân sự Đà Nẵng và tỉnh Quảng Ngãi xử lý một số tài sản trên địa bàn.

Để nâng cao hiệu quả thi hành đối với những vụ án lớn liên quan đến kinh tế tham nhũng, Bộ Tư pháp cho biết trong thời gian tới sẽ  tập trung một số giải pháp. Như, chỉ đạo quyết liệt các cơ quan thi hành án dân sự khẩn trương xử lý dứt điểm tài sản còn lại trong vụ án. Tiếp tục xác minh điều kiện thi hành án của người phải thi hành án để xử lý tài sản thi hành án.

Bộ cũng sẽ phối hợp với các cơ quan liên quan tháo gỡ khó khăn, vướng mắc đối với các vụ việc cụ thể như vụ Phạm Công Danh, báo cáo Chính phủ giải pháp đền bù cho các hộ dân đang sinh sống trong khu phức hợp nếu không sẽ làm giảm giá trị của tài sản.

Hà Vũ/VNeconomy